Các quốc gia đang triển khai tiêm 17 loại vaccine Covid-19, trong đó có 7 loại được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt khẩn cấp. Trong đó, 2 vaccine của hãng Sinopharm, Sinovac sử dụng công nghệ virus bất hoạt truyền thống (vaccine sống giảm độc lực) để kích thích hệ miễn dịch giống như các vaccine sởi, quai bị, rubella, cúm…
Vaccine để chống diễn biến nặng chứ không phải chống nhiễm virus
Vaccine CoronaVac của Sinovac được Trung Quốc cấp phép ngày 6-2-2021, WHO cấp phép từ ngày 1-6-2021, được 38 nước cấp phép và đưa vào tiêm chủng.
Vaccine Vero Cell của Sinopharm được Trung Quốc phê duyệt ngày 30-12-2020, WHO phê duyệt ngày 7-5-2021, đã được 51 quốc gia cấp phép và tiến hành tiêm chủng, theo New York Times.
Với tổng cộng các liều vaccine được sử dụng ở Trung Quốc và trên toàn thế giới, chúng được coi là loại vaccine Covid-19 được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn cầu, với hơn 1,65 tỷ liều tại Trung Quốc và hơn 4 tỷ liều được tiêm trên toàn cầu.
Thiệu Nhất Minh, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, đã rút ra kết luận về hiệu quả vaccine, rằng vaccine sẽ giúp cho một người dù nhiễm virus, có thể lây bệnh nhưng thường sẽ không có triệu chứng và không diễn biến trở nặng.
“Trọng tâm của việc tiêm chủng ở Trung Quốc là ngăn mọi người phát triển thành triệu chứng (tức bệnh nặng) chứ không phải là tiêm chủng để ngăn mọi người nhiễm bệnh” - ông Thiệu Nhất Minh nói.
Hiệu quả của vaccine Sinopharm và Sinovac
Trong tuyên bố tháng 12-2020, Sinopharm cho biết vaccine Vero Cell của họ được phát triển thông qua công ty con của Viện Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh (BIBP), có tỷ lệ hiệu quả là 79%. Sau đó, vaccine đã được Tổ chức Y tế Thế giới chấp thuận khẩn cấp.
Sự chấp thuận của WHO mở ra sự chấp nhận rộng rãi hơn, và cơ hội phân phối vaccine do Trung Quốc sản xuất thông qua cơ chế chia sẻ Covax - một nỗ lực của Tổ chức Y tế Thế giới, nhằm chia sẻ vaccine một cách công bằng hơn.
Hiện nay, Sinopharm tuyên bố hiệu quả của vaccine này là 86%, giá thành 29 USD/mũi, chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C. Vaccine chủ yếu đã được tiêm tại các quốc gia Brazil, Pakistan, UAE, Nga và các nước khác.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới về vaccine đã được WHO phê chuẩn của Sinopharm (Sinopharm Bắc Kinh), hiệu quả thử nghiệm của vaccine Vero Cell chưa được chứng minh là có thể chống được bệnh diễn biến nặng ở phụ nữ có thai, những người mắc bệnh nền, người trên 60 tuổi. Đó là những từ ngữ không xuất hiện trong thông tin về vaccine Pfizer, Astra-Zeneca, Moderna hoặc Sinovac.
Loại vaccine khác của Sinopharm, được phát triển thông qua một đơn vị ở Vũ Hán (Sinopharm Vũ Hán) không được WHO đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp, có tỷ lệ hiệu quả khoảng 73% .
Trong khi đó, Sinovac, nhà sản xuất vaccine CoronaVac, đang được sử dụng ở Indonesia, Brazil và Chile, cùng một số nơi khác, đã chia sẻ kết quả tiêm cho khoảng 25.000 người tham gia vào tháng 2-2021.
Dữ liệu thử nghiệm cho thấy tỷ lệ hiệu quả khoảng 62%, trong khi kết quả của thử nghiệm vaccine này trên các nhân viên y tế tuyến đầu cho thấy hiệu quả chống lại triệu chứng nhẹ là 51% và 100% đối với việc nhập viện. Các thử nghiệm nhỏ hơn ở Thổ Nhĩ Kỳ và Chile cho thấy tỷ lệ bảo vệ người mắc tránh khỏi các triệu chứng nhẹ cao hơn.
Giúp giảm 95% số ca tử vong và 92% số ca bệnh nặng
Làn sóng mới của các ca nhiễm Covid-19 ở những nơi có mức độ tiêm chủng Sinopharm hoặc Sinovac trên thế giới tăng cao từng làm dấy lên lo ngại, rằng các loại vaccine này có hiệu quả thực tế thấp hơn kỳ vọng.
Trong khi đó, tại Uruguay, chính phủ nước này cho biết, chiến dịch tiêm chủng vaccine Sinovac của họ đã giúp giảm được 95% số ca tử vong và 92% số ca bệnh nặng, ngoài ra còn giảm khoảng 60% ca mắc Covid-19 ở đất
Thử nghiệm lớn nhất về vaccine Sinovac và Sinopharm cũng đã diễn ra tại quê nhà Trung Quốc. Sau một khởi đầu chậm chạp, quốc gia này đã tăng tỷ lệ tiêm chủng trong nước lên đến 1,65 tỷ liều cho đến hiện tại. Trong đó, 223 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi và kết quả đạt được là gần 200 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng.
Đến nay, khi xuất hiện biến thể Delta tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông và Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, nhà chức trách khẳng định, nguy cơ mắc bệnh nặng ở những người tiêm vaccine đã giảm đáng kể so với những người chưa được tiêm chủng.
Nhà chức trách và các chuyên gia nước này cũng khẳng định rằng với biến thể Delta, các vaccine hiện có của Trung Quốc vẫn hoàn toàn phát huy tác dụng và họ đang tiếp tục nghiên cứu loại vaccine đặc hiệu cho biến thể Delta.