Các động lực kinh tế đang thu hẹp
Tuần rồi, Hà Nội đã áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để chống dịch. Trước đó, 19 tỉnh thành phía Nam cũng đã thực hiện giãn cách xã hội. Đặc biệt là TPHCM đã áp dụng các biện pháp siết chặt hơn nội dung Chỉ thị 16 để đẩy mạnh hiệu quả chống dịch. Tính đến nay đã gần 2 tháng, trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam đã phải chấp nhận tạm thời hạn chế các hoạt động kinh tế để ưu tiên dập dịch.
So với một năm về trước tình hình giãn cách lần này ngặt nghèo hơn, kéo dài hơn và không gian giãn cách cứ ngày càng lan rộng ra. Đáng nói hơn, biến thể Delta đã tạo ra sự lây nhiễm một cách nhanh chóng và tăng số ca nhiễm đến mức gần chục ngàn ca một ngày như tuần qua. Đã vậy, Covid lần này lại tấn công vào các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như TPHCM và Hà Nội, trước đó là Bắc Giang và Bắc Ninh, thủ phủ công nghiệp, cung ứng các hàng hóa trung gian quan trọng của chuỗi giá trị và các dây chuyền sản xuất cho các nhà máy trong cả nước.
TPHCM chiếm 20% quy mô kinh tế của Việt Nam và đóng góp 1/3 cho ngân sách quốc gia lại đang chịu các tác động nặng nề nhất của dịch bệnh trong đợt bùng phát thứ tư này. “Đầu tàu phanh gấp” chắc chắn sẽ làm cho tốc độ của đoàn tàu chậm lại, đó là chưa kể các động lực kinh tế đang dần thu hẹp lại. Nếu như đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng nội địa được xem là các trụ cột chống đỡ cho đà tăng trưởng của nền kinh tế trong năm trước, thì tình hình hiện nay cho thấy các nguồn lực này đang rất yếu ớt.
Theo báo cáo kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm và kế hoạch nửa cuối năm của Chính phủ thì phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công rất chậm. Nửa đầu năm mới chỉ giải ngân được gần 30% vốn đầu tư công theo kế hoạch, thấp hơn 5% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự như vậy, xuất khẩu cũng không đạt các mục tiêu đã đặt ra và cán cân thương mại đang có xu hướng nhập siêu. Trong khi các thị trường thế giới đang hồi phục mạnh, tăng trưởng quý III của kinh tế thế giới đang được kỳ vọng sẽ lập kỷ lục cho thấy sức cầu xuất khẩu đang gia tăng, thì tình hình hiện nay lại cho thấy Việt Nam khó có khả năng đáp ứng khi tình hình sản xuất trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn do phải hạn chế hoạt động để chống dịch.
Thực tế có rất ít doanh nghiệp đáp ứng được điều kiện “3 tại chỗ” và “một cung đường hai điểm đến”. Nếu có thì điều này sẽ làm cho chi phí tăng lên trong khi năng suất chắc chắn sẽ giảm xuống, vì các nguyên tắc chống dịch sẽ làm cho hiệu quả kinh tế và tính cạnh tranh sẽ không còn đảm bảo.
Yếu tố còn lại, tiêu dùng nội địa và đầu tư của khu vực tư nhân cũng đang giảm sút mạnh do dịch bệnh lây lan đã gieo rắc một tâm lý sợ hãi ra cả cộng đồng. Giãn cách xã hội lan rộng chắc chắn sẽ giáng một đòn chí mạng vào tiêu dùng và đầu tư trong những tháng tới và độ trễ kinh tế có thể sẽ còn kéo dài đến hết năm. Đáng nói, hơn 60% GDP của TPHCM được đóng góp bởi khu vực dịch vụ, lĩnh vực hiện nay được xem gần như đã tê liệt vì thời gian giãn cách kéo dài và ngày càng siết chặt như hiện nay.
Trong khi đó, hầu như không có giải pháp vĩ mô nào rõ rệt để đảm bảo các hoạt động kinh tế được duy trì, hầu như lúc này tất cả chỉ trông chờ vào vaccine. Nhưng cho dù chiến lược này đạt được mục tiêu như kế hoạch là đến tháng 3-2022 tiêm đủ 2 liều cho 70% dân số để tiến tới đạt miễn dịch cộng đồng, thì những triển vọng kinh tế được tạo ra cũng không phải là một điều chắc chắn. Vì hiệu quả của vaccine không phải là 100% nên tỷ lệ không hiệu quả cộng với số người chưa được tiêm là rất lớn, nếu sự lây nhiễm xảy ra vẫn đủ nguy hiểm để đe dọa hệ thống y tế và khi đó, kinh tế lại tiếp tục chịu hy sinh.
Điều này đã được chứng minh ở một số quốc gia, mặc dù tỷ lệ tiêm chủng rất cao nhưng hiện nay vẫn đang đối phó với tình trạng lây nhiễm quay trở lại và khả năng bùng lên một đợt dịch mới trong tháng 7 như Anh, Pháp và Israel. Những quốc gia này đều có tỷ lệ tiêm chủng trên 60% quy mô dân số. Vì vậy, chỉ khi nào thuốc đặc trị Covid được rộng rãi chấp nhận ở nhiều quốc gia và sản xuất hàng loạt để phổ biến thì mới mong nền kinh tế quay về trạng thái “bình thường cũ”, cái cụ thể và dễ hình dung hơn so với cụm từ “bình thường mới”, vừa mơ hồ lại rất viễn vông.
Sức chống chịu của doanh nghiệp đã bị bào mòn
Một trong những yếu tố cốt lõi để Việt Nam đạt được “thắng lợi kép” trong năm 2020 chính là dựa vào sức chịu đựng và sự linh hoạt của các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân. Suốt một năm khó khăn vừa qua, chính các nguồn tích lũy, dự phòng được dành dụm qua một thời gian dài đã giúp họ vượt qua khủng hoảng, duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh, đảm bảo nguồn thu nhập cho người lao động và các hợp đồng đã ký kết với đối tác. Nhưng sự khốc liệt của đợt dịch thứ tư này đã bào mòn tất cả những gì còn lại. Theo thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tính đến nay đã tiếp tục tăng, gần 25%. Các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng hơn 22% so với cùng kỳ và chiếm xấp xỉ 51% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021.
Nếu không có các giải pháp hỗ trợ kịp thời và hữu hiệu thì tình hình chắc chắn sẽ càng diễn biến xấu hơn. Khi các yếu tố khó khăn của môi trường vĩ mô cộng hưởng lại với nhau sẽ gây ra các tác động tiêu cực lên sức chịu đựng của doanh nghiệp, và e rằng số lượng doanh nghiệp tiếp tục phải tạm thời “cách ly” hay vĩnh viễn dừng hoạt động sẽ tiếp tục tăng mạnh trong 6 tháng tới khi tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến nặng nề và các hoạt động kinh tế luôn có độ trễ nhất định.
Vì vậy, các gói hỗ trợ lần này phải có quy mô lớn hơn vì sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay đã không còn như một năm trước, số lượng doanh nghiệp cần trợ giúp cũng nhiều hơn. Gói hỗ trợ trị giá 26.000 tỷ đồng mà Bộ Tài chính vừa đệ trình lên Chính phủ có thể sẽ không đủ để đáp ứng các mục tiêu đặt ra. Hơn nữa, yếu tố thời gian và tính kịp thời lúc này rất quan trọng vì tình hình khó khăn của doanh nghiệp hiện nay cũng đã nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Trung tâm kinh tế lớn của cả nước như TPHCM luôn nhộn nhịp, thì nay đã gần như án binh bất động hơn một tháng qua bởi đại dịch lần thứ 4. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bên cạnh các chính sách cho vay ưu đãi, giảm lãi suất, giãn nợ, cho phép chậm nộp các khoản nghĩa vụ thuế và bảo hiểm xã hội thì cần có thêm các giải pháp để sàng lọc, đánh giá hiện trạng của doanh nghiệp để đưa ra các chính sách hỗ trợ phù hợp.
Ý tưởng cũng giống như mô hình tháp năm tầng điều trị bệnh nhân F0 của các bác sĩ. Đó là xem doanh nghiệp nào có thể tự xoay sở, không cần trợ giúp, doanh nghiệp nào cần ưu tiên hỗ trợ, doanh nghiệp nào phải tiến hành tái cấu trúc và thậm chí doanh nghiệp nào phải chấp nhận dừng hoạt động. Đây là một chiến lược tổng thể và đòi hỏi nhiều nguồn lực nhưng nếu không triển khai và cứ để cho doanh nghiệp tự lo chống đỡ thì e rằng cái giá phải trả sẽ rất lớn.
Các bất ổn vĩ mô sẽ tăng lên
Khi các yếu tố vĩ mô ngày càng xấu đi, sức chống chịu của doanh nghiệp cạn kiệt, thì chắc chắn tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng cũng sẽ tăng lên. Thực tế gần đây khoảng chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại đang được duy trì ở mức rất lớn là một biểu hiện của phần bù rủi ro tín dụng, một cách mà hệ thống ngân hàng đang chiết khấu trước triển vọng khó khăn của nền kinh tế vào lãi suất để phòng ngừa rủi ro.
Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý II của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố mới đây, cũng bày tỏ quan ngại về áp lực lạm phát sẽ đè nặng lên nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm. Giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu thế giới đang tăng mạnh. Tính đến tháng 6, giá hàng hóa phi nhiên liệu, bao gồm nguyên vật liệu nông nghiệp thô và nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp đã tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp tăng gần 70% và giá nguyên vật liệu nông nghiệp thô tăng 30%. Giá nhiên liệu tăng 110% chủ yếu do nguồn cung bị cắt giảm.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, nhưng lại báo hiệu tổng cầu đang thu hẹp. Trong khi đó, chỉ số PMI, phản ánh số lượng đơn hàng thu mua của khu vực sản xuất đang giảm mạnh, dừng mở mức 44 điểm của tháng 6, thể hiện hoạt động sản xuất – kinh doanh đang co cụm lại.
Tổng cung và tổng cầu bị thu hẹp, kèm theo các bất ổn vĩ mô tăng lên sẽ khiến cho khu vực kinh tế thực trở nên ốm yếu. Tất cả những điều này sẽ được truyền dẫn sang khu vực tài chính – ngân hàng, tính dễ bị tổn thương càng trở nên nhạy cảm hơn. Đáng nói, diễn biến của thị trường chứng khoán gần đây càng cho thấy sự bất ổn khi giá tăng giảm bất thường, không thể lý giải, biểu hiện của đầu cơ và thao túng giá.
Sau khi vượt mốc 1.400 điểm và lập đỉnh mới 1.420,27 điểm vào ngày 2-7, thị trường chứng khoán bắt đầu lao dốc, đến nay đã giảm hơn 149 điểm. Giá tăng, giảm không có lý do rõ rệt. Nếu cho rằng giá giảm mạnh những ngày qua là do diễn biến Covid-19 tác động thì tại sao từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 7 khi dịch bắt đầu có các chuyển biến tiêu cực thì giá chứng khoán lại gia tăng mạnh mẽ (!?).
Câu hỏi đặt ra là sự tăng trưởng mạnh của thị trường chứng khoán liệu có bổ sung vốn cho doanh nghiệp, hay chỉ là mua đi bán lại, khiến chứng khoán như một “cục than hồng” chuyền từ người trước sang người sau, mỗi lần như vậy lại đẩy các bất ổn vĩ mô tăng lên tương ứng.
Vì vậy, ngay lúc này, các công việc cấp thiết là cần tiếp sức cho doanh nghiệp để củng cố trụ cột quan trọng của nền kinh tế, đảm bảo một cách tối đa các hoạt động kinh tế được vận hành thông suốt để duy trì các động cơ tăng trưởng mặc dù đang chậm lại, hạn chế tối đa các truyền dẫn bất ổn vĩ mô và tăng cường quản trị rủi ro đối với khu vực tài chính – ngân hàng, chứng khoán. Đó là các chính sách cần ưu tiên vì có ý nghĩa thiết thực hơn là theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng GDP rất danh nghĩa.
Các công việc cấp thiết ngay lúc này là cần tiếp sức cho doanh nghiệp để củng cố trụ cột quan trọng của nền kinh tế, đảm bảo một cách tối đa các hoạt động kinh tế được vận hành thông suốt để duy trì các động cơ tăng trưởng mặc dù đang chậm lại. |