Virus corona lây bệnh như thế nào?
Để phòng tránh dịch viêm phổi cấp, trước hết chúng ta cần hiểu virus là gì. Virus là dạng sống nhỏ nhất và đơn giản nhất, nhỏ hơn vi khuẩn từ 10-100 lần. Virus chỉ có thể ký sinh nội bào, nghĩa là xâm nhập vào tế bào chủ và sống bên trong tế bào. Virus thay đổi vật liệu di truyền của tế bào chủ khiến chúng không hoạt động bình thường và để virus tự nhân lên.
Trẻ nhỏ và người già có hệ miễn dịch suy giảm dễ bị virus tấn công nhiều nhất. Hàng ngày chúng ta có thể tiếp xúc với rất nhiều virus trong môi trường sống, nhưng không phải ai cũng bị nhiễm bệnh. Nguyên nhân do hệ miễn dịch cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân bên ngoài. Khi chúng ta mệt mỏi và hệ miễn dịch suy giảm dễ bị virus tấn công và xâm nhập, hoặc do bị phơi nhiễm một lượng lớn virus cùng lúc. Do đó, mọi người cần có các biện pháp nâng cao hệ miễn dịch, đó là cách hữu hiệu để phòng tránh lây nhiễm corona virus.
BS Nguyễn Khắc Hoàng, Trưởng đơn vị Điện quang can thiệp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Virus corona được phát hiện vào năm 1960, có 2 dòng: 1 dòng gây bệnh ở người và 1 dòng gây bệnh ở súc vật. Bình thường dòng virus corona gây bệnh ở súc vật không thể lây bệnh cho người một cách tự nhiên. Bệnh chỉ lây cho người trong điều kiện có tiếp xúc với súc vật bị bệnh quá gần. Khi lây sang người, virus sẽ biến đổi để thích nghi với cơ thể người và sẽ lây bệnh từ người sang người.
Đặc tính của virus corona là khi ở nhiệt độ cao, ánh nắng, thông thoáng sẽ giảm khả năng lây bệnh, virus yếu đi. Nhưng nếu ở nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, không thoáng khí, lạnh dễ dẫn đến khả năng phát tán và lây bệnh của virus, vì đây là điều kiện thuận lợi cho chúng phát triển. Do vậy, khu vực miền Nam với khí hậu nóng ấm cần tránh bật điều hòa nhiệt độ quá lạnh, nên để từ 25oC trở lên. Với khí hậu lạnh như hiện tại ở ngoài Bắc, nên mở cửa sổ thông thoáng, lưu thông không khí khi có nắng ấm.
Đặc điểm của virus corona (2019 – nCoV) có thời gian ủ bệnh không có triệu chứng lên đến 14 ngày. Khi phát bệnh sẽ đi kèm các biểu hiện: sốt, ho, khó thở, đau cơ, mệt mỏi… Khi bệnh nghiêm trọng gây suy yếu nội tạng, có thể tử vong.
Phòng tránh virus corona
Phòng tránh virus corona
Một câu hỏi đang được nhiều người quan tâm là “Nên dùng khẩu trang loại nào”? Có thể thấy thời gian gần đây người bán và người mua khẩu trang y tế gia tăng rất nhiều trên các diễn đàn, mạng xã hội. Có rất nhiều loại xuất xứ từ nước ngoài, tuy nhiên trên quan điểm của tôi, chúng ta chỉ cần dùng khẩu trang 3 lớp của Việt Nam, vừa thông dụng, dễ mua, vừa kinh tế.
Quan trọng nhất việc sử dụng khẩu trang chỉ phát huy tác dụng khi dùng đúng cách. Cụ thể, khẩu trang dùng một lần, không sử dụng lại sau khi tháo ra để ăn uống. Khi ra ngoài mỗi người nên chuẩn bị 5-6 khẩu trang để dùng. Khi đeo nên bóp phần gọng cứng tại sống mũi cho khít không tạo kẽ hở, khi tháo nên gỡ phần dây chun ở tai, không dùng tay cầm trực tiếp vào mặt trước khẩu trang dễ lây nhiễm virus vào tay (tiếp xúc với mắt, mũi, miệng và vật dụng khác…).
Hiện nay chưa có vaccine để ngừa nhiễm virus corona (2019 – nCoV). Giải pháp tốt nhất để phòng ngừa là tránh phơi nhiễm với loại virus này. Để phòng ngừa và tránh phát tán có rất nhiều khuyến cáo của Bộ Y tế các nước (Mỹ, Canada), Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế Việt Nam.
Vậy để phòng tránh virus corona cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng chúng ta cần thực hiện những gì?
Trước tiên, cần rửa tay thường xuyên và đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước hoặc dung dịch sát khuẩn tay có chứa cồn, đặc biệt là khi phải tiếp xúc với nhiều vật dụng khác nhau hoặc vật dụng của nhiều người khác (thẻ, giấy tờ văn bản, tiếp xúc chỗ đông người, nhà vệ sinh công cộng…). Tránh dùng tay chưa sạch dụi mắt, chạm vào mũi, miệng. Đeo khẩu trang 3 lớp thường xuyên khi ra ngoài, thay cái mới khi cởi bỏ cái đã dùng. Che miệng và mũi khi hắt hơi bằng khăn giấy ướt/khô để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp, bỏ khăn giấy vào sọt rác có nắp.
Vệ sinh thường xuyên ít nhất 1 lần/ngày bề mặt các vật dụng cá nhân bạn thường xuyên chạm vào (điện thoại, tay nắm cửa trong nhà…), đặc biệt trong thời gian đang có dịch bệnh. Vệ sinh tai, mũi, súc họng bằng nước sát khuẩn/nước muối (sáng và tối, sau khi đến chỗ đông người), lưu ý thực hiện với các trẻ nhỏ. Mặc kín, đeo khẩu trang khi bắt buộc phải di chuyển bằng phương tiện công cộng hay đến những chỗ đông người. Khi về nên cởi bỏ trang phục, tắm rửa, vệ sinh trước khi tiếp xúc, ôm ấp các thành viên trong gia đình.
Giữ ấm cổ họng, uống đủ nước để họng không bị khô, virus sẽ dễ xâm nhập vào cơ thể hơn. Nâng cao sức đề kháng bằng cách ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin C như uống nước cam hoặc C sủi hàng ngày. Ăn các loại thực phẩm được nấu chín và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tránh tiếp xúc quá gần với các loại động vật nuôi và hoang dã. Hạn chế tối đa chỗ đông người. Tránh tiếp xúc quá gần với người bị sốt, ho, khoảng cách tối thiểu từ 0,5-1m. Nên tiêm phòng cúm mỗi năm 1 lần.
Nên cách ly người thân trong gia đình, ở phòng riêng nếu có bất kỳ dấu hiệu mệt mỏi, sốt không rõ nguyên nhân… khi chưa xác định chính xác bệnh. Điều trị tốt các bệnh lý mãn tính (tiểu đường, viêm phổi, viêm họng, nhiễm trùng sau phẫu thuật…) để tránh suy giảm miễn dịch, giảm rủi ro bị lây nhiễm và lây nhiễm chéo cho người khác.
---------------
Liên lạc đường dây nóng của Bộ Y tế nếu cần tư vấn, hỗ trợ qua hotline 19003228.
---------------
Liên lạc đường dây nóng của Bộ Y tế nếu cần tư vấn, hỗ trợ qua hotline 19003228.