Hình thái chu kỳ tăng trưởng mới

(ĐTTCO) - Để có tầm nhìn cho sự phát triển của TTCK trong tương lai, việc nhìn lại quá trình phát triển đã qua luôn là một bước đệm cần thiết. Sự chuyển mình của con đường mang tên “Chứng khoán Việt Nam” luôn có nhiều điều thú vị, và trong hành trình 10 năm đang phát sinh những gì? 

Hình thái chu kỳ tăng trưởng mới
Thăng tiến và trồi sụt
Năm 2007 là thời điểm mà TTCK Việt Nam đang ở đỉnh cao với tăng trưởng nóng từ vài chục đến cả trăm điểm phần trăm. Thời điểm đó nền kinh tế quốc gia cùng thế giới đã có một giai đoạn phát triển khả quan. Tuy nhiên, chỉ sau đó 1 năm, tình thế đã hoàn toàn xoay chuyển, khi năm 2008 đánh dấu sự lao dốc của thị trường, khủng hoảng tài chính thế giới ảnh hưởng đến đà phát triển toàn cầu.
Từ đây, nền kinh tế bắt đầu tìm kiếm sự phục hồi khi tăng trưởng GDP giảm từ mức 8,46% xuống còn khoảng dưới 6%, CPI tăng trưởng khó kiểm soát ở mức 2 con số, chỉ số VN Index lúc này lao dốc từ khoảng 900 điểm tới vùng 300 điểm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) suy giảm lớn về lượng. 
 TTCK chứng kiến đà tăng trưởng tốt, trong 5 năm từ 2012 đến nay đã tăng từ khoảng 400 điểm lên hơn 1.000 điểm, số lượng doanh nghiệp niêm yết cùng khối lượng giao dịch trên sàn tăng vọt, thanh khoản thị trường hiện đạt khoảng hơn 5.000 tỷ đồng/phiên.
Không chỉ có TTCK, thị trường bất động sản cũng bị tác động không nhỏ. Giá nhà đất sụt giá, chỉ trong thời gian ngắn đã giảm khoảng 30-40%, tồn kho bất động sản năm 2012 lên tới trên 100.000 tỷ đồng. Nợ xấu của nhiều doanh nghiệp bất động sản tăng vọt, lạm phát thực sự bùng nổ khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải thắt chặt các chính sách tiền tệ. 
Kể từ năm 2012, các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều nỗ lực ban hành các chính sách và gói kích thích kinh tế nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư cả nội địa và nước ngoài nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) được thương thảo và TTCK từ giai đoạn này đến nay đã và đang có nhiều chuyển biến tích cực. Tăng trưởng GDP ổn định ở mức trên 6% trong bối cảnh kinh tế thế giới chậm chạp, CPI được kiểm soát ở mức thấp dưới 5%. GDP bình quân đầu người tăng vọt từ khoảng hơn 900USD/người đến hơn 2.000USD/người, góp phần giúp Việt Nam bắt kịp các nước trong khu vực, thoát khỏi xếp hạng quốc gia nghèo. Nỗ lực của NHNN trong việc kiểm soát tỷ giá ngoại hối cũng đem lại hiệu quả tích cực, khi trong giai đoạn này đồng Việt Nam là một trong các đơn vị tiền tệ ổn định nhất khu vực.
Cụ thể, tỷ giá mặc dù đã tăng nhiều lần bắt đầu từ mức khoảng 16.000 đồng/USD vào năm 2008, nhưng đã trở nên ổn định hơn rất nhiều kể từ năm 2012 vào lúc nền kinh tế ổn định và đi lên trở lại. Yếu tố tỷ giá chính là một trong những thế mạnh của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian phát triển gần đây. Giá vàng cũng chứng kiến một quá trình tương tự khi tăng nhanh trong giai đoạn 2008-2012 và sau đó chững lại đi ngang ổn định. 
Tất cả những dữ kiện trên đã phần nào thể hiện niềm tin được phục hồi sau khủng hoảng, doanh nghiệp và người dân dần có lại sự tín nhiệm vào sự phát triển của nền kinh tế, vào thị trường tài chính - ngân hàng. Khi nhận ra các tiềm năng và chuyển biến khả quan này của nền kinh tế, các NĐTNN, đặc biệt là Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, ngày càng quan tâm hơn đến thị trường đầu tư trực tiếp, gián tiếp cũng như triển khai những dự án quy mô lớn. 

Bài học lớn và kinh nghiệm 
Quá trình phát triển từ vùng trũng giai đoạn 2008-2012 đi lên, chính là thời điểm mà nền kinh tế và TTCK Việt Nam tích lũy thêm, để từ đấy đi vào một giai đoạn tăng trưởng mới, một chu kỳ mới. Để có thể giữ cho chu kỳ tăng trưởng mới này bền vững, thị trường cần có sự hỗ trợ và tỉnh táo từ tất cả các bên bao gồm: nhà chức trách, các tổ chức tạo lập cùng tất cả các công ty, NĐT. Khi thị trường phát triển một cách khỏe mạnh, niềm tin của các NĐT vào nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng đều tích cực và bền bỉ. Điều này chính là nội lực giúp duy trì đà tăng trưởng ổn định của thị trường, được phản ánh thông qua mô hình mối quan hệ vòng tròn giữa thái độ của thị trường và các vấn đề của doanh nghiệp/nền kinh tế.
Từ những bài học kinh nghiệm và việc phân tích diễn biến thị trường, việc đánh giá tổng thể chu kỳ kinh tế, chọn lựa một chiến lược đầu tư trung dài hạn là rất cần thiết để các NĐT trong và ngoài nước có được những giải pháp hữu hiệu, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh doanh và góp phần lành mạnh hóa TTCK Việt Nam. Các NĐT sẽ dần dần từ bỏ khái niệm đầu tư lướt sóng khi đầu tư tầm nhìn trung và dài hạn mới đem lại hiệu quả rõ rệt nhất. Đây cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ sự ổn định của thị trường. Xu hướng phát triển này sẽ còn tiếp tục khi các NĐT tìm đến các doanh nghiệp niêm yết tiếng tăm và uy tín để “chọn mặt gửi vàng”.
Ngoài ra, các công ty tư nhân nếu muốn nâng tầm sẽ cũng dần chuyển mình để trở thành một công ty đại chúng, nâng cấp hệ thống quản trị, công bố thông tin và quan hệ NĐT để có thể thu hút nhiều hơn cho mình các cơ hội phát triển trong tương lai. Quá trình này sẽ thúc đẩy thêm nguồn vốn vào TTCK, tăng khối lượng giao dịch và số lượng cổ phiếu niêm yết trở nên đa dạng hơn. Sự cạnh tranh giữa các công ty niêm yết cũng sẽ giúp thị trường có các chuyển biến tích cực khi các doanh nghiệp không chỉ thể hiện khả năng của mình với các khách hàng, mà còn cả với những đối tác, NĐT. Thị trường cũng từ đây sẽ trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn nữa.
Bên cạnh đó, thông qua những chuyển biến lịch sử này, chúng ta cũng có thể mô phỏng được một bức tranh tương đối cho Việt Nam trong những năm tới, cụ thể là giai đoạn 5-10 năm tiếp theo. Bức tranh TTCK ngày càng trưởng thành, vững mạnh với sự tham gia của càng nhiều thành phần NĐT với những suy nghĩ, ý tưởng và góc nhìn đa dạng. Sau giai đoạn tích lũy vừa qua, trong điều kiện thị trường Việt Nam tiếp tục tận dụng được các yếu tố hội nhập kinh tế thế giới có thể kỳ vọng vào sự phát triển của một TTCK Việt Nam trong một tâm thế bền vững cùng chu kỳ mới kéo dài.

Các tin khác