Cơ hội chứng minh xuất xứ
Quá trình hình thành chuỗi cung ứng mới đối với Việt Nam càng được đẩy nhanh trong bối cảnh thương chiến giữa các cường quốc chưa có dấu hiệu chững lại.
Cuối tháng 8 vừa qua, Google tiết lộ sẽ chuyển dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh Pixel sang Việt Nam. Ngoài Google, còn có hơn 50 tên tuổi lớn khác, từ Apple đến Nintendo, Dell, Lovesac… đã chuyển đi hoặc thu hẹp quy mô sản xuất tại Trung Quốc và có xu hướng chuyển dịch nhà máy sang Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia, Indonesia.
Các FTA mang lại cơ hội cho ngành dệt may tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: CAO THĂNG
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế, việc các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) ưu tiên lựa chọn Việt Nam như một mắt xích trong chuỗi cung ứng mới là vì Việt Nam được coi là nước tiên phong mở cửa nhất trong khu vực. Vì thế, khi đầu tư vào Việt Nam, DN nghiễm nhiên được hưởng ưu đãi tại các thị trường FTA mà Việt Nam ký kết.
Đáng lưu ý, thực thi các FTA, ngoài đầu tư, DN còn có quyền nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh kiện tại các thị trường FTA để được tính tỷ lệ xuất xứ.
Với mục tiêu khuyến khích thương mại giữa các thành viên tham gia FTA, hạn chế sự hưởng lợi từ các nước ngoài khu vực, nhiều mặt hàng đòi hỏi phải sử dụng toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định nguyên phụ liệu sản xuất trong nước hoặc trong khu vực ký FTA mới được hưởng thuế ưu đãi.
Đơn cử, ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam có tăng trưởng hàng năm đạt 10%, nhưng chi phí dành cho việc mua nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện điện tử đang chiếm 80% tổng chi phí của các DN, chỉ 20% chi phí là dành trả cho lao động, dẫn đến giá trị gia tăng thấp.
Tuy nhiên, khi tham gia vào CPTPP hay EVFTA, DN trong nước đứng trước cơ hội lớn, trở thành thành viên trong chuỗi cung ứng, sản xuất linh kiện, phụ tùng điện tử. Bởi theo cam kết thuế trong CPTPP, đa số các sản phẩm điện tử và linh kiện sẽ được xóa bỏ thuế sau khi hiệp định có hiệu lực, đồng thời được nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện và xuất khẩu sản phẩm.
Tương tự, ngành dệt may cũng có cơ hội thúc đẩy nâng cấp chuỗi cung ứng nhằm được công nhận nguồn gốc, xuất xứ tại Việt Nam. Trong đó, từ khâu vải đến các giai đoạn khâu, may, cắt… đều đòi hỏi phải ở Việt Nam mới được công nhận sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam, để khai thác hiệu quả lợi ích từ FTA. Tuy nhiên, DN trong nước có thể nhập khẩu nguyên vật liệu từ những quốc gia có FTA với Việt Nam để được công nhận nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Chủ động tranh thủ lợi thế
Trên thực tế, các FTA Việt Nam đang thực thi đã bổ trợ cho nhau trong 2 chiều (chiều đi - xuất khẩu để hưởng ưu đãi thuế quan) và chiều về (nhập khẩu - đóng góp vào tỷ lệ xuất xứ) đã giúp Việt Nam chủ động phân tán rủi ro, thiết lập chuỗi cung mới, tạo sức ép buộc ngành công nghiệp hỗ trợ hướng về xuất khẩu phải đổi mới, phát triển.
Theo TS Nguyễn Thị Tuệ Anh, DN phải thay đổi, không chỉ nhìn vào ưu đãi thuế. Dẫn chứng trong lĩnh vực linh kiện điện tử, hiện nay DN FDI xuất khẩu là chủ yếu. CPTPP và các FTA mở ra cơ hội cho DN Việt đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ linh kiện, điện tử, xuất đi với giá rẻ.
Đồng thời, dòng vốn FDI mới đổ vào Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội CPTPP và EVFTA. Trước tình hình này, nếu các DN Việt biết tận dụng cơ hội sản xuất hàng hóa trung gian sẽ tham gia chuỗi cung ứng cho công ty đa quốc gia. Bởi thông thường các công ty đa quốc gia nhập khẩu hàng trung gian từ các quốc gia khác đảm bảo xuất xứ, hoặc đem vệ tinh khác vào để sản xuất, nhưng cũng mong muốn mua sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ DN nội địa.
Tuy nhiên, để tận dụng tốt những cơ hội vừa nêu trên, các chuyên gia khuyến cáo DN cần tối ưu hóa quy trình sản xuất, chi phí sản xuất, giảm thời gian đưa sản phẩm tới tay khách hàng. Bên cạnh đó, các hiệp hội cần nâng cao uy tín, tạo sự liên kết, trở thành diễn đàn kết nối DN, cập nhật thông tin xu hướng thị trường để cung cấp những thông tin hữu ích cho DN.
Các khuyến nghị từ giới nghiên cứu cũng đề nghị Chính phủ cần đưa ra những chính sách hỗ trợ cho DN, như sử dụng các công cụ tài chính, hạ lãi suất và có lãi suất ưu đãi, các chính sách tín dụng hỗ trợ; có chính sách thuế hỗ trợ đối với DN trong nước, nhất là DN mới thành lập có những khó khăn khi bắt đầu tham gia vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Tăng cường quản lý thị trường để kiểm soát những mặt hàng kém chất lượng, hàng nhái ảnh hưởng uy tín của các DN...
Chủ động kết nối, tìm kiếm các đối tác phù hợp, thu hút mạnh mẽ DN FDI nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và chuyển giao công nghệ từ đối tác nước ngoài; đồng thời, tìm kiếm cơ hội tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng trong khu vực và toàn cầu. Trong dài hạn, Việt Nam cần chủ động và tranh thủ lợi thế nhằm tiến nhanh và xa hơn, đặc biệt phải có các sản phẩm “Made by Vietnam” chứ không phải “Made in Vietnam” như hiện nay.
Đến nay Việt Nam có trong tay 10 FTA đang thực thi với 60 nền kinh tế - chiếm 75% tổng kim ngạch thương mại thế giới - và là 1 trong 3 nước ASEAN ký kết FTA thế hệ mới CPTPP, một trong 2 nước ASEAN ký kết FTA với EU (EVFTA). |