(ĐTTCO)-Nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa không chủ động đề xuất các giải pháp hỗ trợ thì ngân sách nhà nước dù dành bao nhiêu nguồn lực hỗ trợ cũng không đủ.
Con số khoảng 3.000 tỷ đồng mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư cộng lại từ 15 chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong giai đoạn 2016 - 2020 mà các cơ quan đang đề xuất đang là chủ đề gây tranh luận.
Câu hỏi được đặt ra không chỉ là con số này có đủ để thỏa mãn các nhu cầu của khu vực doanh nghiệp này hay không, mà quan trọng là họ có thực sự đang cần hỗ trợ những nội dung đó không, và kết quả của khoản hỗ trợ này có thực sự tạo nên một khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa khỏe mạnh, có năng lực cạnh tranh như mục tiêu đặt ra hay không.
Thử điểm lại các chương trình được đề xuất. Có thể thấy mức độ bao quát rất rộng, gồm cả đào tạo, trợ giúp thông tin, hỗ trợ pháp lý cho DNNVV đến các chương trình xúc khuyến công, xúc tiến thương mại, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất…
""Nhà nước không thể dùng nguồn lực để giải quyết tất cả. Bao nhiêu tỷ cũng không thỏa mãn được nhu cầu của doanh nghiệp. Nếu hiệp hội doanh nghiệp nào không đưa lên được các đề xuất hỗ trợ thì có nghĩa họ không cần hoặc không đủ sức để phát triển lâu dài được", ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright khuyến nghị."
Tất nhiên, đi kèm với các chương trình này còn có 8 nhóm giải pháp, từ cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh đến hỗ trợ tiếp cận tài chính, tín dụng, kết nối kinh doanh…
Vấn đề nằm ở chỗ, theo phân tích của ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoach và Đầu tư), danh sách các chương trình cũng như giải pháp không có gì khác với giai đoạn 5 năm trước. Đó là chưa kể trong 3.000 tỷ đồng này thì tới hai phần ba nằm ở hai chương trình lớn là khuyến công và xúc tiến thương mại, nhưng đối tượng lại không chỉ là DNNVV.
“Tôi nhớ những năm 2004 – 2005, khi bàn về các chương trình hỗ trợ khu vực DNNVV, chúng ta đã bàn tới mô hình hỗ trợ theo kiểu xương cá, với xương sống là khung chính sách thống nhất, có cơ quan điều phối thì để đảm bảo không có các xương mọc ngược. Rất tiếc, 15 năm nhìn lại, những gì ta muốn hỗ trợ khu vực này như tiếp cận vốn, đất đai, công nghệ… thì nó vẫn còn đấy. Vậy nhà nước có nên tiếp tục ngồi nghĩ việc hỗ trợ doanh nghiệp, hay phải là chính các doanh nghiệp đề xuất lên”, ông Tuấn nói.
Ngay trong phân tích tồn tại của các chính sách hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Nghị định 56/2009/NĐ-CP về trợ giúp DNNVV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra những chương trình đào tạo thông tin lạc hậu, trợ giúp nguồn nhân lực chưa chuyên sâu… Nhiều chính sách từ lúc đưa ra đến khi thực hiện mất tới 2-3 năm.
“Chương trình hỗ trợ không có quy trình thống nhất, lại phần lớn là khuyến khích, không tạo áp lực cho cơ quan thực thi. Trong một chương trình hỗ trợ chung cho doanh nghiệp thì các doanh nghiệp lớn hơn sẽ dễ tiếp cận hơn”, ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam lý giải thêm.
Cũng phải nhấn mạnh, bối cảnh kinh tế giai đoạn 5 năm tới đang rất khác. Thêm một loạt câu hỏi đặt ra cho khu vực DNNVV là cơ hội nào cho họ trong cạnh tranh hội nhập lớn, trong xu thế dịch chuyển của các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. So với mặt bằng vẫn rất thấp của khu vực DNNVV Việt Nam, nhu cầu hỗ trợ để lớn lên, tham gia vào được chuỗi giá trị này chắc chắn rất khác với giai đoạn trước.
Trong vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright nhắc tới nguyên tắc, nhà nước chỉ can thiệp để sửa chữa thất bại của thị trường.
“Nhà nước không thể dùng nguồn lực để giải quyết tất cả. Bao nhiêu tỷ cũng không thỏa mãn được nhu cầu của doanh nghiệp. Tôi cho rằng, nên triển khai giải pháp theo nhóm ngành, cụm ngành theo năng lực cạnh tranh và gắn với các địa phương. Đặc biệt, trách nhiệm thực thi và kết nối phải là hiệp hội của các doanh nghiệp. Nếu hiệp hội doanh nghiệp nào không đưa lên được các đề xuất hỗ trợ thì có nghĩa họ không cần hoặc không đủ sức để phát triển lâu dài được”, ông Thành khuyến nghị.
Nhưng có nghĩa là các doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ, phải có điều kiện để đưa tiếng nói của mình đến các cơ quan hoạch định chính sách. “Cần phải thúc đẩy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng. Có thể sẽ hỗ trợ từ các hiệp hội doanh nghiệp”, ông Thành đề xuất.
Ngoài ra, khung pháp lý để các quỹ đầu tư mạo hiểm thành lập và đi vào hoạt động cũng đang là giải pháp cần thiết, khi năng lực của khu vực DNNVV tới đây sẽ phụ thuộc rất lớn vào các ý tưởng sáng tạo…