Đừng nhìn DN như đối tượng vi phạm pháp luật
Tại Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” lần đầu tiên được Bộ Tư pháp tổ chức ngày 20-12, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, khẳng định: “Chính phủ luôn đặt ra mục tiêu hỗ trợ DN thực chất, hiệu quả và bền vững. Một trong những biện pháp hỗ trợ là nhận diện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc pháp lý cho DN. Trong năm 2022, ngành tư pháp đã rà soát gần 22.000 văn bản liên quan đến hoạt động của DN, qua đó kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ gần 6.000 văn bản có sự chồng chéo, bất cập”.
Tuy nhiên, trên thực tế các DN vẫn đang đối diện với rủi ro từ nhiều phía. Chẳng hạn về gói hỗ trợ lãi suất 2% giúp DN phục hồi kinh tế, phát biểu của bà Nguyễn Minh Thảo về nỗi khổ của DN nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Thực tiễn chứng minh, chính sách này được kỳ vọng mang lại nguồn vốn dồi dào, ước tính 40.000 tỷ đồng, nhưng đến cuối tháng 8, các ngân hàng thương mại (NHTM) mới giải ngân khoảng 13,5 tỷ đồng.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phân tích trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ, chính các cơ quan ban hành chính sách cũng thiếu tự tin, thiếu sự nhất quán trong quan điểm thiết kế và ban hành chính sách, đã khiến các cơ quan thừa hành và đối tượng chịu sự điều chỉnh gặp khó khăn. Trong khi đó, nguồn vốn hỗ trợ là tiền của ngân sách, nên các NHTM rất ngại, thậm chí ngay cả người vay cũng rất thận trọng, vì sau này còn các công đoạn thanh tra, kiểm tra, nên rủi ro pháp lý cao.
“Khi tiếp cận chính sách, DN luôn kỳ vọng sẽ tuân thủ pháp luật tốt chứ không phải tìm cách lách luật. Nhưng khi thực hiện khó tránh khỏi các rủi ro, sai sót. Do vậy hoạt động thanh tra, kiểm tra DN, nếu có nên tập trung vào việc hướng dẫn để DN làm tốt hơn, thay vì nhìn DN như đối tượng vi phạm pháp luật” - bà Thảo phát biểu.
Vẫn theo chuyên gia này, không hiếm trường hợp do lúng túng trong cách hiểu các quy định pháp luật, DN hỏi, các cơ quan nhà nước lại trả lời bằng cách… trích dẫn văn bản pháp luật và yêu cầu “làm đúng quy định”, tạo nên vòng luẩn quẩn, bế tắc.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tú, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế (Bộ Tư pháp), cũng cho biết trong quá trình chuẩn bị cho diễn đàn này, Bộ Tư pháp đã ghi nhận khá nhiều ý kiến của DN bày tỏ lo ngại về việc hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế.
“Không chỉ DN trong nước, mà DN nước ngoài với tiềm lực mạnh, đội ngũ tư vấn, hỗ trợ pháp lý mạnh, cũng có những lo ngại về vấn đề này” - LS. Nguyễn Hưng Quang, Giám đốc điều hành Văn phòng Luật sư NHQuang & Associates, nói và chia sẻ thêm: “Chưa cần biết có sai phạm gì, chỉ cần thấy lực lượng chấp pháp mặc sắc phục đến làm việc, DN có thể bị mất bạn hàng, đơn hàng”.
Cơ quan quản lý nhà nước có nỗi khổ riêng
Từ góc nhìn quản lý nhà nước, ông Tạ Quang Đôn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, NHNN, cho rằng cần nhìn nhận đúng nguy cơ rủi ro cả từ phía cán bộ công chức. Với ngành NH, trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất, đánh giá khả năng phục hồi của DN là khâu tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy các tiêu chí hướng dẫn càng định lượng cụ thể bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu.
Vẫn chưa hết. Rủi ro pháp lý còn có thể xảy ra trong quan hệ giữa DN với bạn hàng và trong chính nội bộ DN. LS. Nguyễn Hưng Quang cho biết, trong thời kỳ xảy ra dịch Covid-19, ông và cộng sự phải xử lý hàng loạt vụ việc liên quan đến thực hiện hợp đồng trong thời gian giãn cách và thực hiện “3 tại chỗ”…
Do vậy các cơ quan ban hành chính sách cần phổ biến rộng rãi các dự thảo quy định, mở nhiều kênh tiếp nhận, xử lý ý kiến phản hồi và tiếp tục theo dõi việc thực thi trong suốt “vòng đời” của chính sách. Về phần mình, DN cần chủ động tiếp cận các lĩnh vực pháp lý có liên quan, tổ chức bộ phận pháp chế, hoặc sử dụng dịch vụ pháp lý từ bên ngoài.
DN, nhất là DNNVV thường ít theo dõi môi trường pháp lý liên quan đến hoạt động của mình. Ông Đậu Anh Tuấn lấy thí dụ, một DN sản xuất ống dẫn điều hòa sử dụng đồng nguyên liệu hiện đang kêu trời vì bị tăng thuế xuất khẩu 5% đột ngột khiến họ đối diện khủng hoảng, thậm chí sụp đổ. Để chuẩn bị thích ứng với những rủi ro chính sách như thế, bản thân DN cần xây dựng quy chế quản lý rủi ro và có bộ phận theo dõi, kiểm soát tuân thủ…
Theo các ý kiến tại diễn đàn, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều bất định, kinh tế vĩ mô Việt Nam chưa thực sự ổn định (đặc biệt là thị trường tài chính), thì việc cải thiện môi trường kinh doanh nói chung, giảm thiểu rủi ro pháp lý nói riêng, càng bức thiết hơn bao giờ hết.
Đương nhiên, khả năng quản trị DN tốt là không thể thiếu, nhưng đây là yếu tố phải tích lũy dần dần. Trong khi các DN (hơn 90% là quy mô vừa và nhỏ) đang còn chập chững về quản trị DN, Nhà nước phải vận dụng các công cụ chính sách một cách khéo léo, khôn ngoan để tạo điều kiện, hỗ trợ DN một cách thực chất, hiệu quả và bền vững.
Quy định pháp luật không rõ ràng, tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau; quy hoạch không ổn định, thay đổi thường xuyên, năng lực còn hạn chế của hệ thống tư pháp dân sự… đều tạo ra rủi ro.