Hoa thoát nghèo của người vùng cao

(ĐTTCO) - Chè hoa vàng là một loài thảo dược quý hiếm, ở Việt Nam chỉ phân bố ở một số vùng như Quảng Ninh, Tam Đảo (Vĩnh Phúc)... 

Gần đây, loài thảo dược này được phát hiện và “bừng nở” trên những cánh rừng ở huyện miền núi Quế Phong (tỉnh Nghệ An). Từ một loài cây vốn mọc lẩn khuất, hoang dại trong rừng, ven suối giờ đang là niềm hy vọng, hướng thoát nghèo của đồng bào dân tộc nơi đây. Và không phải ngẫu nhiên đồng bào gọi vui là “hoa thoát nghèo”.

Hoa vàng giá trị vàng
Cây chè hoa vàng, trong tiếng Thái gọi là Cỏ Tắp quái, là loại cây đặc hữu của huyện miền núi Quế Phong, được phát hiện và công bố vào năm 2012. Chè hoa vàng có tên khoa học là Camella quephongensis, là một loài thực vật hạt kín trong họ Theaceae. Đây là loài cây ưa khí hậu nóng ẩm, thường mọc ở nơi đất tơi xốp, bên bờ suối có bóng râm. Phạm vi phân bố tự nhiên rất hẹp, chỉ thấy mọc hoang ở các xã Đồng Văn, Thông Thụ, Hạnh Dịch, Tiền Phong, Mường Nọc và Châu Kim (huyện Quế Phong). Chè hoa vàng là cây thân gỗ nhỏ, cao khoảng 2-5m, cành thưa, vỏ cây màu vàng và xám nhạt, lá đơn mọc cách, dài hình tròn...
Hàng năm, cứ đến tháng 4, 5 cây đâm lộc, ra lá mới, tháng 11 bắt đầu nở hoa và kéo dài đến tháng 3 năm sau. Hoa mọc ở nách lá, có màu vàng kim sáng bóng, đẹp mắt… Theo các nghiên cứu, chè hoa vàng chứa tới hơn 400 thành phần dinh dưỡng, nổi trội là Tea polyphenon Saponin và các nguyên tố như: Selenium (Se), Germannium (Ge), Kẽm (Zn), Vanadium (V), Molypden (Mo), Mangan (Mn); các vitamin B1, B2, C…
Hoa thoát nghèo của người vùng cao ảnh 1 Chè hoa vàng sau khi hái về để chuẩn bị sấy khô. 
Ông Lô Văn Sinh (bản Hủa Na 1, xã Thông Thụ) là một người đam mê cây chè hoa vàng. Ông Sinh kể, năm 2012 gia đình ông cùng 46 hộ trong bản được đưa đi tái định cư để xây dựng Thủy điện Hủa Na. Đây cũng là thời điểm các chuyên gia Nhật Bản công bố “giá trị vàng” của cây chè hoa vàng. Ông không ngờ cái loài cây dại, có hoa vàng ánh kim mình đi rừng thường gặp lại có giá trị đến thế. Trước đó, dân bản chỉ biết lấy lá non của cây này về nấu canh đắng.
Từ đó, cứ mỗi khi rảnh rỗi ông lại vào rừng lùng tìm cây chè con đem về trồng. Nhưng để có được một cây con thật gian nan. Ông phải vào tận rừng sâu để tìm, mỗi chuyến thường cả ngày trời, có khi đi mấy ngày. Những cây con được chọn cao không quá 50cm, nếu đào cây lớn về trồng rất khó sống. Mặt khác, vì cây chè này mọc rải rác khắp nơi nên mỗi chuyến đi, cố gắng lắm ông cũng chỉ tìm được 10 cây. Ròng rã như vậy ngót nghét 5 năm trời, đến nay ông sở hữu vườn chè hoa vàng hiếm có với 1.000 gốc. 
Hoa thoát nghèo của người vùng cao ảnh 2 Ông Lô Văn Sinh đang chăm sóc cây chè hoa vàng trong vườn nhà.
Anh Vi Hà Huy, một người dân ở xã Hạnh Dịch, cho biết: “Cứ đến mùa hoa nở, tôi cùng dân bản lại vào rừng tìm đến các con suối để hái hoa bán cho thương lái. Mỗi kg hoa tươi bán được khoảng từ 300.000-500.000 đồng. Còn nếu đem về phơi khô, hoa có màu vàng đẹp giá trị dao động 3-5 triệu đồng/kg”. Cũng theo anh Vi Hà Huy, vì khi hoa chè được phơi khô cao gấp khoảng 10 lần khi hoa còn tươi, nên thường người dân phơi khô mới đem bán. Những người bán hoa tươi thường cần tiền gấp nên mới phải làm như vậy. Khi hoa chè được sấy khô, người dùng có thể pha 3-5 búp hoa vào ấm chè. Sau khoảng 5 phút, hoa khô gặp nước nóng lại bung nở và cho ra màu nước vàng óng, trông rất đẹp mắt. Khi uống vào, cảm nhận trong người sảng khoái, vui vẻ. 
Hướng thoát nghèo bền vững
Năm 2016, UBND huyện Quế Phong đã xây dựng Đề án Bảo tồn và phát triển cây dược liệu có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2016-2020, trong đó có cây chè hoa vàng. Mục tiêu của huyện là đến năm 2020 trồng được 5ha cây chè hoa vàng. Riêng năm 2017 mục tiêu trồng được 1ha, đến nay đã trồng được 0,5ha cây chè hoa vàng. Tại xã Đồng Văn, Sở Khoa học-Công nghệ tỉnh Nghệ An đã tổ chức xây dựng vườn ươm cây chè hoa vàng tại khu vực lòng hồ Thủy điện Hủa Na. Đây được kỳ vọng sẽ tạo ra được nguồn cây giống để cung cấp cho người dân. Tại một số vùng trồng thí điểm, mỗi cây chè hoa vàng cho thu hoạch 0,3-0,6kg hoa tươi/1 vụ. Với mật độ trồng 2.500 cây/ha cho thu được khoảng 7,5 tạ hoa tươi.
Theo ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, hiện nay việc khó khăn nhất của huyện trong bảo tồn và phát triển cây chè hoa vàng chính là quỹ đất. Trong khi quỹ đất mở rộng diện tích cây chè hoa vàng vẫn còn thiếu thì diện tích rừng có cây chè hoa vàng mọc tự nhiên lại bị thu hẹp dần. Do vậy, để đầu tư phát triển bền vững loài cây dược liệu quý hiếm này, thời gian tới cần có sự chung tay của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và đặc biệt là người dân. Ông Lê Văn Giáp trăn trở: “Từ lâu chúng tôi đã nhận thấy cây chè hoa vàng có giá trị kinh tế cao, nên đã huy động mọi nguồn lực để bảo tồn và phát triển loài thảo dược này. Huyện đang huy động, hỗ trợ người dân ở các xã Đồng Văn, Thông Thụ và Hạnh Dịch tập trung vào công tác bảo tồn, phát triển tại chỗ các gốc chè hoa vàng tự nhiên, sau đó sẽ nhân giống và trồng mới ở các diện tích theo kế hoạch. Việc bảo tồn, phát triển cây chè hoa vàng có tính quy mô, bền vững tại các xã trên địa bàn huyện sẽ là điều kiện, động lực phát triển kinh tế địa phương, xóa đói giảm nghèo bền vững”.

Các tin khác