Với hơn 300 đại biểu tham dự, hội nghị nhằm thảo luận, đưa ra những cái nhìn khách quan và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành được coi là xương sống cho sự phát triển công nghiệp cũng như nền kinh tế đất nước.
Không có sản phẩm công nghiệp chủ lực
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, phát triển CNHT có ý nghĩa quyết định việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và kỹ năng lao động, giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cho sản phẩm. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và CNHT trong phát triển kinh tế đất nước là xây dựng nội lực đất nước, đảm bảo tự cường dân tộc. Nhưng thực tế, đối với ngành điện tử, tỷ lệ nội địa hóa các ngành điện tử gia dụng là 30% - 35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ các ngành ô tô - xe máy khoảng 40% - chủ yếu cho sản xuất xe máy. Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, một số dòng xe đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao và vượt mục tiêu chiến lược và quy hoạch công nghiệp ô tô Việt Nam đề ra, đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa…
Trong số khoảng 1.800 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Do không có nhiều nhà cung cấp, nên các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng khó có thể tìm mua phụ tùng, linh kiện trong nước mà phải nhập khẩu hoặc tự sản xuất.
Tại Việt Nam, các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cung cấp. Cơ hội mở ra rất lớn đối với các ngành như ô tô, điện tử, dệt may và da dày nhưng các doanh nghiệp, công nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ năng lực để cung cấp linh kiện và phụ tùng đáp ứng các yêu cầu của khách hàng cho các chuỗi sản xuất toàn cầu ở trong nước. Đến nay, các doanh nghiệp nội địa chỉ mới cung ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm CNHT.
“Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không đủ năng lực đầu tư, hấp thụ và đổi mới công nghệ sản xuất”, Bộ trưởng Bộ Công thương nêu. Đơn cử, ngành điện tử của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào các doanh nghiệp FDI. Hầu hết linh kiện nội địa hóa đều do các doanh nghiệp FDI cung cấp. Hiện mới chỉ có khoảng 35 doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 cho Samsung. Các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu cung cấp vật tư tiêu hao, bao bì, in ấn... với giá trị cung ứng rất nhỏ so với nhu cầu linh kiện và phụ tùng của Samsung.
Đáng chú ý, Việt Nam gần như không có sản phẩm công nghiệp chủ lực (đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu) nên sản phẩm CNHT chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp FDI và các chuỗi sản xuất của nước ngoài, dẫn đến việc nền CNHT trong nước chưa tự chủ và do các chuỗi sản xuất của nước ngoài chi phối. Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Việt Nam còn thiếu các doanh nghiệp đầu tàu, đủ khả năng dẫn dắt các lĩnh vực CNHT phát triển.
Định hướng cứ điểm cho sản phẩm của các tập đoàn
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, Việt Nam chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt. Doanh nghiệp trong nước chưa đủ lực để tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu, nhất là khi trình độ công nghệ của Việt Nam còn khoảng cách so với các nước cùng khu vực, trong khi vẫn còn tư duy sản xuất sản phẩm khép kín. Nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng chuyên môn cao còn thiếu, trong khi đây là điều quyết định, mà lý do là nội dung đào tạo tại các trường kỹ thuật lạc hậu, không gắn với thực tiễn sản xuất.
Thủ tướng bày tỏ mong muốn Việt Nam cần phải đón bắt sự chuyển hướng của các nhà đầu tư, các nhà sản xuất để thành một công xưởng sản xuất, có thể của châu Á, của thế giới hay của ASEAN. Tinh thần là làm sao Việt Nam thành một cứ điểm cho sản phẩm của các tập đoàn đa quốc gia. Để có thành công này, Thủ tướng cho rằng, phát triển CNHT cần có tinh thần như đội bóng quốc gia Việt Nam do HLV Hàn Quốc Park Hang-seo dẫn dắt với tầm nhìn chiến lược về bố trí đội hình, dành nguồn lực, cả thể lực và trí lực. “Các bộ ngành, địa phương có tinh thần làm việc đó không? Các doanh nghiệp Việt Nam ngồi đây đã thành công và tiếp tục hàng vạn doanh nghiệp khác có muốn làm với tinh thần đó không? Phải đưa tinh thần thể thao như thành công của đội tuyển Việt Nam vào kinh tế”, Thủ tướng mong muốn.
Nhìn nhận người Nhật Bản, Hàn Quốc có ý chí lớn phát triển đất nước, Thủ tướng cho rằng, cần học hỏi tinh thần đó trong phát triển CNHT của Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu phát triển, áp dụng công nghiệp 4.0, kỷ nguyên số vào thực tế ở Việt Nam trong CNHT. Chúng ta không thể làm hết tất cả các phụ tùng, chi tiết liên quan nhưng nếu ô tô làm được 40%-45% chi tiết phụ tùng thì đã thành công căn bản của CNHT. Cùng với đó, làm rõ vai trò của các doanh nghiệp đầu tàu trong việc hỗ trợ, dẫn dắt CNHT của Việt Nam phát triển.
Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất các ưu đãi, hỗ trợ về vốn, tín dụng thúc đẩy các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển trong 5 - 10 năm. Các bộ liên quan trình Thủ tướng hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển CNHT Việt Nam, nhất là chính sách thuế, đất đai, tín dụng…