Hoàn thiện định danh và xác thực điện tử để tránh rủi ro trong giao dịch ngân hàng

(ĐTTCO) - Ngày 9-6, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức cuộc họp trực tuyến để góp ý cho dự thảo “Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử”.
Hoàn thiện định danh và xác thực điện tử để tránh rủi ro trong giao dịch ngân hàng
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư VNBA cho biết, dự thảo quy định việc định danh và xác thực điện tử đã được Bộ Công an xây dựng và chính thức xin ý kiến của toàn dân. Đây là nội dung rất quan trọng và liên quan đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng.
Hiện nay, VNBA đã tập hợp và tổng hợp được nhiều ý kiến của các tổ chức hội viên liên quan đến việc tổ chức thực hiện quy định định danh và xác định điện tử trong hoạt động tài chính, ngân hàng, các công ty fintech (công nghệ tài chính) và các tổ chức tín dụng, công ty tài chính hay các công ty tài chính vi mô, kể cả các đơn vị liên quan đến trung tâm quản lý tín dụng. Đây là nội dung quan trọng để các đơn vị phục vụ cho các quan động của mình; đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi số.
Hiệp hội cũng đã tổng hợp bằng văn bản gửi Bộ Công an để nêu các ý kiến, góp ý của mình. Tuy nhiên, quá trình triển khai các văn bản pháp luật thì trước tiên phải tuân thủ theo các quy định của luật pháp; tuân thủ các văn bản quy phạm liên quan đến luật. Thêm nữa, các nội dung quản lý của Nhà nước cũng cần phải phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp để việc ứng dụng, triển khai được thực hiện đúng; nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính.
Hiện nay, dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng đang ở mức khoảng 12 triệu tỷ đồng và với số lượng khách hàng rất lớn. Vì thế, với quy định về định danh và xác thực điện tử này sẽ ảnh hưởng và tác động trực tiếp tới quyền lợi của chính các khách hàng nói riêng và các tổ chức tín dụng cũng như toàn hệ thống ngân hàng nói chung.
Trước đó, Bộ Công an đã công bố dự thảo “Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử” gồm 5 chương với 46 điều và hiện đang lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các cá nhân, tổ chức, đơn vị để hoàn thiện thêm.
Về danh tính điện tử, dự thảo Nghị định quy định danh tính điện tử của công dân Việt Nam gồm có số định danh cá nhân; nơi đăng ký thường trú. Danh tính điện tử của người nước ngoài bao gồm số định danh của người nước ngoài, số ID công dân (nếu có), số hộ chiếu hoặc số giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, họ, tên đệm và tên, ngày, tháng, năm sinh; gới tính; quốc tịch; thông tin sinh trắc học gồm ảnh chân dung và vân tay (nếu có). Danh tính điện tử của tổ chức gồm: Mã số tổ chức; tên tổ chức; địa chỉ trụ sở chính; ngành nghề kinh doanh; mã số thuế của tổ chức (nếu có); người đại diện hợp pháp của tổ chức; mẫu dấu hoặc chứng thư số của tổ chức.
Về đối tượng được đăng ký tài khoản định danh điện tử, bao gồm cá nhân từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký tài khoản định danh điện tử thông qua ứng dụng VNEID hoặc đến cơ quan Công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp Căn cước công dân đối với công dân Việt Nam và cơ quan Công an quản lý xuất nhập cảnh đối với người nước ngoài để thực hiện đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử. Đối với cá nhân chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Nghị định trên nằm trong chương trình chung xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển việc cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến. Trong đó, tính bảo mật an toàn thông tin luôn là mối quan tâm hàng đầu của mọi người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch điện tử, trong đó bao gồm dịch vụ công trực tuyến do cơ quan nhà nước cung cấp và các giao dịch khác trên môi trường mạng.
Do vậy, cần thiết phải hoàn thiện ngay cơ sở pháp lý về định danh và xác thực điện tử với mô hình tập trung, thống nhất; chỉ cung cấp một định danh gốc, danh tính điện tử duy nhất đối với cá nhân và thực hiện hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Các tin khác