Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật. Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về "Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại" đã chỉ rõ định hướng tiếp tục đổi mới và hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước.
Việc học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tại các cấp, ngành và nhiều địa phương trên cả nước đã tạo chuyển biến về nhận thức và hành động từ lãnh đạo các cấp đến cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với những chính sách, pháp luật đất đai. Luật và các văn bản thi hành đã thực sự tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Sau gần 10 năm thực hiện, Ban Chấp hành Trung ương tập trung chỉ đạo khẩn trương tiến hành tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW, trong đó bao gồm việc tổng kết Luật Đất đai năm 2013, trên cơ sở đó xây dựng một Nghị quyết mới, thể hiện đầy đủ chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhìn rõ bất cập để sửa đổi
Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại" và Luật Đất đai năm 2013 đã mang lại những kết quả tích cực, khai thác, phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Việc nhìn nhận rõ những bất cập trong lĩnh vực đất đai thời gian qua tại các địa phương là cơ sở quan trọng cho việc tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW, định hướng cho việc sửa đổi và hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Khiếu kiện về đất đai vẫn "nóng"
Đất đai là một tư liệu sản xuất quan trọng, có quan hệ chặt chẽ đến sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước, đời sống của người dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Tại Hội thảo "Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI: Thực trạng vi phạm pháp luật về đất đai và kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai" vừa qua, các báo cáo cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai xảy ra phổ biến trong các hoạt động: giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (không đúng mục đích, không qua đấu giá quyền sử dụng đất, không theo quy hoạch đã được phê duyệt…); thu hồi, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư (không đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, người sử dụng đất có đất bị thu hồi, nhà đầu tư; chậm trễ trong trả tiền đền bù…); quản lý đất đai trước và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (vi phạm trong việc xác định giá trị đất đai trước khi cổ phần hóa; chuyển mục đích sử dụng đất sau khi cổ phần hóa).
Mặc dù có xu hướng giảm, nhưng trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, đơn, thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai vẫn chiếm tới hơn 60% trong tổng số các đơn, thư khiếu nại, tố cáo.
Các vụ án hành chính liên quan đến đất đai có xu hướng tăng liên tục từ 64,2% tổng số các vụ án về hành chính năm 2015 lên trên 80% năm 2020.
Cũng trong khoảng thời gian này, số lượng thụ lý, giải quyết các vụ án dân sự, kinh doanh thương mại liên quan đến đất đai chiếm 75% tổng số các vụ án Tòa án nhân dân tối cao thụ lý, giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (trong đó, số vụ đã giải quyết chiếm 83,49%). Các vụ án hình sự liên quan đến đất đai diễn ra rất đa dạng, động cơ, mục đích phạm tội rất phức tạp.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, tại Nghị quyết 19-NQ/TW, bên cạnh việc đánh giá, khẳng định những kết quả rất tích cực đã đạt được, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém. Trong đó nhận định, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn; thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch "ngầm" còn khá phổ biến; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp.
Tại Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta đã xác định những nội dung quan trọng trong lĩnh vực này. Cụ thể, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất; kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai; kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, trục lợi làm thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan tới đất đai.
Đối với việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng: Phải hoàn thiện hệ thống pháp luật chủ đạo là Luật Đất đai và hệ thống pháp luật liên quan theo hướng đơn giản, tiện ích, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực thi; đồng bộ thống nhất với Hiến pháp, với các đạo luật, khắc phục xung đột, chồng chéo; bổ sung những khoảng trống chưa được điều chỉnh.
Luật Đất đai phải tạo ra hành lang pháp lý chống được vi phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng, đấu giá, đấu thầu; phải đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân theo nguyên tắc thị trường.
Xác định rõ nút thắt từ thực tiễn
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng, qua triển khai thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Hành lang pháp lý cho việc giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã được hình thành và là cơ sở để mời gọi xúc tiến đầu tư, trong đó có nhiều dự án trọng điểm.
Việc ban hành chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư được đa số người dân đồng thuận, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Nghị quyết 19-NQ/TW và thi hành Luật Đất đai trên địa bàn vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế.
Tỉnh Bạc Liêu kiến nghị trong quá trình đề xuất sửa đổi, hoàn thiện Luật, cần quan tâm, chỉnh sửa một số nội dung đang gặp vướng tại địa phương, trong đó, quy định về việc tặng, cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa đối với hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, còn nhiều bất cập.
Với vị trí kề cận Thủ đô, việc phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai đã giúp tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội.
Từ năm 2014 đến nay, tỉnh đã thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất với tổng diện tích hơn 37.674ha; đấu giá để cho thuê đất hơn 170ha.
Hội đồng Nhân dân tỉnh đã chấp thuận cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện 5.246 công trình, dự án, với tổng diện tích khoảng 5.500ha.
Tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, kịp thời điều chỉnh một số vấn đề phát sinh, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trong thực hiện chính sách, pháp luật đất đai.
Tuy nhiên, từ yêu cầu thực tiễn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước đề xuất, cần có cơ chế để chủ động trong việc phát huy và điều tiết các nguồn lực từ đất đai, thông qua việc bổ sung các cơ chế, chính sách để điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra và đánh giá đến các tác động khó định lượng của người bị thu hồi đất.
Đồng thời, cần cơ chế linh hoạt để giải quyết đối với một số trường hợp công trình cấp bách, quan trọng phát sinh, không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp, để tận dụng tối đa các cơ hội đầu tư; làm rõ hơn việc thực hiện cơ chế thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, với các loại dự án hỗn hợp, phân biệt với các dự án đầu tư ngoài ngân sách cho các mục tiêu y tế, giáo dục, thể dục, thể thao.
Tại tỉnh Kon Tum, việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW đã giúp công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực, hệ thống quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường ở cả 3 cấp, việc phân cấp quản lý nhà nước về đất đai theo hướng phân cấp nhiều hơn cho các địa phương đã được cụ thể hóa về thẩm quyền theo quy định của Luật Đất đai.
Trong giai đoạn 2012-2020, trên địa bàn tỉnh có 765 tổ chức được giao khoảng 215.000ha đất; 594 tổ chức thuê đất, tương ứng khoảng 48,9ha.
Công tác đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tỷ lệ đạt được 95,8%; tỉnh phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành công tác đăng ký đất đai đối với 100% diện tích tự nhiên trên địa bàn.
Công tác giao đất chủ yếu thông qua hình thức đấu giá, đấu thầu dự án, bảo đảm tính công khai, minh bạch.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, chuẩn hóa và hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để ổn định cuộc sống người dân.
Tại Tiền Giang, quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai cũng đã bộc lộ những hạn chế. Nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ; việc thực hiện trình tự, thủ tục thu hồi đất, hồ sơ kiểm kê áp giá bồi thường còn thiếu sót, dẫn đến người dân vẫn còn khiếu nại.
Việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai tuy có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn một số hồ sơ trễ, chậm, gây bức xúc trong người dân.
Để khặc phục hạn chế, trong thời gian tới, Tiền Giang đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực đất đai. Các cấp, các ngành trong tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung Nghị quyết, kết luận của Trung ương về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai; khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai; thực hiện quản lý, sử dụng đất đai công khai, minh bạch.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng qua gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và 8 năm thi hành Luật Đất đai đã đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần khai thác và phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, quá trình thực thi cũng bộc lộ nhiều tồn tại; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; tài nguyên đất đai chưa được giao cho chủ thể có năng lực sử dụng hiệu quả, còn để lãng phí, hoang hóa.
Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư. Thị trường bất động sản, trong đó có quyền sử dụng đất còn yếu kém, thiếu đồng bộ.
Việc tổ chức thực hiện pháp luật đất đai còn chưa nghiêm; tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật đất đai, tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định: "Đây là những tồn tại hạn chế, nhưng chính là dư địa để phát triển nếu chúng ta xác đúng các quan điểm, chủ trương, giải pháp, các nút thắt từ thực tiễn để đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, yêu cầu của tiến trình phát triển của đất nước".