Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) Dian Triansyah Djani hôm 25-8 tuyên bố "không thể tiếp tục đáp ứng” yêu cầu của Mỹ kích hoạt cơ chế "snapback" khôi phục các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Iran.
Theo hãng tin Reuters, nguyên nhân dẫn đến sự thất bại lần này của Mỹ vẫn do không có đủ sự đồng thuận giữa 15 thành viên HĐBA LHQ trong quyết định cuối cùng.
Trước đó hôm 20-8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nộp đơn khiếu nại lên HĐBA LHQ nhằm kích hoạt cơ chế "snapback" khôi phục trừng phạt và gia hạn cấm vận vũ khí với Iran, cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Sau đó một ngày, trong cuộc họp ngày 21-8, 13/15 thành viên đã nêu ý kiến phản đối, cho rằng động thái của Washington là vô lý vì chính Mỹ còn không tuân theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận này vào năm 2018.
Kết quả cuối cùng được ông Djani đưa ra trong cuộc họp ngày 25-8 của HĐBA bàn về vấn đề Trung Đông, khi phía đại diện Nga và Trung Quốc đặt câu hỏi.
Đại sứ Mỹ tại LHQ - bà Kelly Craft đã phản đối quyết định này của HĐBA LHQ ngay sau khi Chủ tịch Djani công bố kết quả.
“Để tôi nói rõ nhé, chính quyền Mỹ không có bất kỳ nỗi lo sợ nào khi đơn độc trong vấn đề này. Tôi chỉ tiếc rằng các thành viên khác của hội đồng này đã nhầm lẫn trong suy nghĩ của họ và giờ đây, đứng cùng hàng ngũ với những kẻ khủng bố” - bà Craft chỉ trích.
Quốc kỳ Iran tại trụ sở Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ở Vienna, Áo ngày 10-7-2019. Ảnh: REUTERS
Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói ông hy vọng Mỹ sẽ sớm từ bỏ và rút lại các lệnh trừng phạt Iran.
"Hành động này không chỉ là bất hợp pháp mà còn không đạt được kết quả như Mỹ đã dự tính" - ông Nebenzia chia sẻ.
Trên trang Twitter của mình, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định chính “hành vi bắt nạt vô căn cứ của Ngoại trưởng Pompeo đã khiến Mỹ bị cô lập một lần nữa tại HĐBA LHQ”.
Tuy nhiên phát ngôn viên phái bộ Mỹ tại LHQ cho biết họ "có cơ sở pháp lý vững chắc để yêu cầu khôi phục các lệnh trừng phạt" và "việc một số thành viên hội đồng bày tỏ sự bất đồng là không có bất kỳ hiệu lực pháp lý nào đến việc đó cả”.
Cụ thể, dự thảo nghị quyết không giành đủ số phiếu cần thiết để có thể được thông qua. Chỉ hai quốc gia thành viên HĐBA bỏ phiếu ủng hộ, hai quốc gia bỏ phiếu chống và 11 quốc gia còn lại bỏ phiếu trắng.
Được biết, hai quốc gia bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết là Mỹ và Cộng hòa Dominica. Hai quốc gia phản đối là Nga và Trung Quốc.
Còn 11 quốc gia khác trong hội đồng 15 thành viên bỏ phiếu trắng là Pháp, Anh, Bỉ, Đức, Việt Nam, Nam Phi, Indonesia, Niger, Saint Vincent và Grenadines, Tunisia, Estonia.