Khoảng 60 nhà lãnh đạo các quốc gia đã đến tham dự hội nghị. Trong những nhân vật có bài phát biểu mở đầu tại hội nghị có nhà hoạt động môi trường 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg.
Rớt lại phía sau
Hội nghị lần này là cuộc họp quan trọng nhất kể từ hội nghị về biến đổi khí hậu được tổ chức tại Paris, Pháp năm 2015. Hội nghị năm nay có thể giúp thế giới tìm được câu trả lời liệu có đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải để hạn chế nhiệt độ Trái đất ấm lên ở mức dưới 20C hoặc ở mức lý tưởng nhất là 1,50C so với thời kỳ tiền công nghiệp (1850-1900) như Hiệp định Paris 2015 đề ra hay không.
Giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính là một yêu cầu thực sự cấp bách
Một báo cáo của LHQ được đưa ra trước hội nghị 1 ngày cảnh báo, thế giới đang bị “rớt lại phía sau” trong cuộc chạy đua cứu Trái đất thoát khỏi các thảm họa môi trường do nền nhiệt tiếp tục ấm lên.
Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), nhiệt độ trung bình trên toàn cầu giai đoạn 2015-2019 có xu hướng cao kỷ lục so với bất kỳ giai đoạn 5 năm nào trước đây với mức nhiệt độ cao hơn 1,10C so với nền nhiệt giai đoạn 1850-1900 và cao hơn 0,20C so với giai đoạn 2011-2015. Như vậy, 4 năm qua là thời kỳ nắng nóng nhất trên thế giới kể từ năm 1850, khi việc ghi nhận nhiệt độ Trái đất bắt đầu được thực hiện.
Báo cáo mới nhất cho thấy, mức độ gia tăng về khoảng cách giữa những gì được yêu cầu thực hiện và thực tế đang diễn ra. Thay vì giảm, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính CO2 lại tăng 2% vào năm 2018 và lên mức kỷ lục 37 tỷ tấn. Năm ngoái, mật độ CO2 trong không khí tính trung bình toàn cầu là 407,8 phần triệu (ppm), tăng 2,2ppm so với năm 2017 và dự kiến có thể chạm hoặc vượt 410ppm vào năm 2019.
Trong khi đó, lần gần đây nhất chỉ số trên ở mức khoảng 400ppm là cách đây tới 3 - 5 triệu năm. Vào thời điểm đó, nhiệt độ trên bề mặt Trái đất ấm hơn từ 2 - 30C, các núi băng ở cả hai đầu cực đều tan chảy và mực nước biển dâng cao hơn từ 10 - 20m.
Giải quyết nhiều vấn đề
FT cho rằng, tại hội nghị lần này, rất nhiều vấn đề tác động lớn đến biến đổi khí hậu cần phải có câu trả lời. Đơn cử như việc sử dụng than đá. Một trong những yêu cầu mà Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đặt ra trước hội nghị là các nước phải dừng ngay việc xây dựng các nhà máy điện sử dụng than đá sau năm 2020. Thực tế, trong khi các quốc gia phát triển tại châu Âu và Bắc Mỹ đã dừng việc xây dựng thì còn rất nhiều nước khác vẫn sử dụng các nhà máy điện bằng than đá.
Một điểm đáng chú ý nữa của hội nghị lần này là động thái của Trung Quốc với cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Là quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và có lượng nhà máy điện dùng than đá lớn nhất thế giới, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, rất khó có chuyện quốc gia châu Á này sẽ đưa ra bất cứ một cam kết lớn nào để giải quyết vấn đề nóng của toàn cầu tại hội nghị.
Dù vậy, vẫn có những điểm sáng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trước thềm hội nghị. Văn phòng Tổng Thư ký LHQ cho biết, 66 chính phủ, cùng với 10 khu vực, 102 thành phố, 93 doanh nghiệp và 12 nhà đầu tư đã cam kết giảm lượng khí thải CO2 về bằng 0 vào năm 2050.
Tân Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Shinjiro Koizumi cam kết, sẽ huy động giới trẻ nước này thúc đẩy đất nước vốn đang phụ thuộc vào than đá hướng tới một tương lai ít carbon hơn. Trong khi đó, các ngân hàng có giá trị tài sản hơn 47.000 tỷ USD, chiếm 1/3 ngành công nghiệp toàn cầu, đã thông qua nguyên tắc “ngân hàng trách nhiệm” với tình trạng biến đổi khí hậu, rút dần các khoản vay cấp cho các dự án liên quan đến nhiên liệu hóa thạch...