Chủ tọa hội thảo gồm ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội; TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98; Nhà báo Nguyễn Nhật, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo SGGP; bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA).
Cùng tham gia hội thảo có các chuyên gia GS-TS Trần Ngọc Thơ - Đại học Kinh tế TPHCM; TS. Hồ Quốc Tuấn, Đại học Bristol (Vương quốc Anh); Ths. Nguyễn Thị Thu Hà, Đại học Kinh tế TPHCM; Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
Đại diện các tổ chức tài chính cùng tham buổi hội thảo gồm có ông Trần Hoài Phương, Giám đốc khối khách hàng - doanh nghiệp HDBank; ông Phạm Linh, Phó Giám đốc VietABank; ông Tôn Thất Hạc Minh, Tư vấn trưởng Công ty cổ phần Năng lượng và Môi trường thông minh (BYECO2); ông Tô Vĩ Hùng, Giám đốc Tài chính Công ty Zarubezhneft Việt Nam; bà Mai Nguyên, đại diện Công ty tài chính quốc tế (IFC); bà Bùi Thị Thu Hà, Quản lý dự án Tài chính công bằng Việt Nam (FFV); ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam; ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn; lãnh đạo các ngân hàng, hiệp hội doanh nghiệp, môi trường của Việt Nam; các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, thủy sản, da giày, thép, gỗ, ô tô, dịch vụ thương mại.
Tìm tiếng nói chung cho "hành trình xanh"
Phát biểu khai mạc hội thảo, nhà báo Nguyễn Nhật, Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Sài Gòn Giải Phóng cho biết: "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Chính phủ Việt Nam xác định mục tiêu trong giai đoạn mới: Tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Mục tiêu của chiến lược bao gồm giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế và thúc đẩy tiêu dùng bền vững".
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh năm 2023, các hoạt động kinh tế xanh tại Việt Nam đã giúp tạo ra 6,7 tỷ USD vào năm 2020, chiếm khoảng 2% tổng GDP. Trong đó 83% đến từ các ngành: lĩnh vực năng lượng với 41%, các hoạt động nông - lâm nghiệp với 28%, và hoạt động công nghiệp với 14%; 17% còn lại đến từ các ngành giao thông và vận tải, xử lý chất thải và xây dựng. Ước tính vào năm 2020, nền kinh tế xanh đem lại được hơn 400.000 việc làm.
Theo Viện Nghiên cứu tăng trưởng xanh toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 13/43 quốc gia châu Á về Chỉ số tăng trưởng xanh vào năm 2022. Tại Báo cáo đầu tư toàn cầu 2022 của UNCTAD, Việt Nam đứng thứ 2 trong số các quốc gia đang phát triển về tỷ lệ vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo.
Giai đoạn 2015-2022, vốn đầu tư cho các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam đạt 106,5 tỷ USD, tương đương 31% tổng nguồn vốn đầu tư, xếp thứ 2 trong các quốc gia đang phát triển trên thế giới, chỉ sau Brazil.
Theo nhà báo Nguyễn Nhật, đối với nguồn vốn cho tín dụng xanh, dù đã nỗ lực huy động các nguồn vốn từ thị trường phi tín dụng, nhưng nhìn chung tín dụng xanh từ NH vẫn là công cụ huy động vốn chủ yếu cho các dự án xanh. Còn thị trường trái phiếu xanh khá mới mẻ, quy mô chỉ chiếm khoảng 1% thị trường trái phiếu.
Nhà báo Nguyễn Nhật thông tin thêm, tính đến 30-6, đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt 650.300 tỷ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2023, chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm gần 45%) và nông nghiệp xanh (chiếm gần 30%).
Tuy nhiên, kết quả tín dụng xanh vẫn còn hạn chế bởi các giải pháp của ngành NH còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, Việt Nam chưa có quy định chung về Danh mục phân loại xanh phù hợp với phân loại ngành kinh tế và thông lệ quốc tế, để các tổ chức tín dụng có cơ sở đánh giá cụ thể đối với từng dự án trong quá trình thẩm định cho vay, tập trung, ưu tiên bố trí nguồn vốn hợp lý tài trợ cho các dự án thuộc Danh mục phân loại xanh.
"Do vậy, buổi hội thảo hôm nay sẽ là cầu nối để các diễn giả, các chuyên gia, đặc biệt là ngân hàng và doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ những cơ hội và rủi ro, thảo luận về các công cụ tài chính, để các nhà quản lý và hoạch định chính sách tìm ra tiếng nói chung cho hành trình xanh của nền kinh tế", nhà báo Nguyễn Nhật chia sẻ.
Chậm chuyển đổi số đồng nghĩa với lạc hậu
Phát biểu tại hội thảo TS. Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội, chia sẻ bản thân đã tham gia nhiều hội thảo về tín dụng xanh nên hiểu rõ định hướng phát triển xanh của TPHCM như thế nào. Đối với kinh tế TPHCM, đã có định hướng khá rõ về "số và xanh". Nếu như chuyển đổi số trụ cột là hạ tầng số, thì trụ cột chuyển đổi xanh là năng lượng xanh.
“Đầu tiên là chuyển đổi công nghiệp, chuyển đổi chức năng một số khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoạt động 30 năm qua. Chúng ta không bỏ công nghiệp truyền thống, mà nâng cấp công nghiệp truyền thống lên một tầm cao mới, áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0, lấy tôn chỉ giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng là mục tiêu quan trọng”, TS. Trần Du Lịch cho biết.
Theo TS. Trần Du Lịch, từ năm 2015, Việt Nam đã bắt đầu quy trình sử dụng tín dụng xanh. Thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước và IMF đã ban hành sổ tay hướng dẫn cho 15 ngành về ứng dụng phát triển tín dụng xanh. Đến nay, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tương đối cao, nhưng chiếm tỷ trọng khá nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng. “Vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao mở rộng tín dụng xanh với các DN nhỏ và vừa?”, TS. Trần Du Lịch đặt câu hỏi.
Phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, như điện sinh khối, giảm khí thải… đòi hỏi lượng tín dụng rất lớn cho DN. Để giải quyết được bài toán này, TS. Trần Du Lịch đặt ra loạt kiến nghị. Về mặt khung pháp lý đã có một số quy định nhưng để các DN có thể tiếp cận dụng tín dụng, phải làm rõ tiêu chí xanh, thước đo môi trường như thế nào? Về nguồn vốn, hiện nay không chỉ có NH thương mại mà phải tận dụng nguồn vốn quốc tế, các quỹ đầu tư… ưu tiên cho kinh tế xanh.
Về phía các tổ chức tín dụng (TCTD), TS. Trần Du Lịch cho rằng phải xây dựng đội ngũ chuyên viên chuyên nghiệp về tín dụng xanh để tiếp cận với DN để tư vấn, giảm rủi ro cho DN. Bên cạnh đó, các TCTD cũng phải đa dạng hóa sản phẩm, tín dụng xanh không chỉ tài trợ cho điện gió, điện mặt trời, mà tín dụng phải hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa nằm trong hệ sinh thái kinh tế xanh.
TS. Trần Du Lịch cảnh báo nếu không quản lý rủi ro, có thể tăng nợ xấu. Vì vậy, cần phải giảm rủi ro nợ xấu, có những giải pháp liên quan đến việc tư vấn tín dụng xanh. Về phía DN, nếu chậm bước trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thì chúng ta sẽ lạc hậu, đi sau.
Thách thức của biến đổi khí hậu
Mở đầu bài tham luận của mình, TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Vương quốc Anh, đặt vấn đề biến đổi khí hậu: “Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức rõ ràng của thời đại chúng ta. Bởi chúng gây ra một loạt hậu quả có thể quan sát với môi trường, kinh tế, xã hội. Chẳng hạn, giá cà phê đã tăng mạnh ở châu Âu do hậu quả của mất mùa. Siêu bão Yagi hay Milton đã gây ra hậu quả rất nặng nề và gây ra rủi ro cho ngành bảo hiểm”.
TS. Hồ Quốc Tuấn trích dẫn câu nói của cựu Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Moon: “Không có kế hoạch B cho môi trường vì chúng ta không có trái đất B”. Từ đó có thể thấy tác động lớn từ biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, chúng ta phải đưa khái niệm này vào quản trị tài chính chính, đó là “tài chính bền vững”.
TS. Hồ Quốc Tuấn dẫn chứng Liên minh châu Âu (EU) sắp tới sẽ yêu cầu các NH phải báo cáo rủi ro tài chính liên quan đến biến đổi khí hậu. Qua đó tác động đến bảng cân đối tài sản của các NH. Thực tế NH không cho vay tài chính xanh vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu.
Nuôi dưỡng thế hệ DN mới
Ths. Nguyễn Thị Thu Hà, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), cho biết trong quá trình chuyển đổi xanh có cơ hội, nhưng có cả rủi ro. Các sản phẩm dịch vụ hiện có có phục vụ mục tiêu này không và đáp ứng thế nào? Câu trả lời là chưa được và cần nhiều sản phẩm mới hơn để đáp ứng nhu cầu này. Do vậy, cần chuẩn bị các nguồn vốn đa dạng để hỗ trợ cho DN chuyển đổi sang sản xuất bền vững.
Theo Ths. Nguyễn Thị Thu Hà, có 2 mục tiêu chính để hỗ trợ DN. Mục tiêu thứ nhất là hỗ trợ DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa trong chuyển đổi sang sản xuất xanh, ít phát thải. Mục tiêu thứ hai là nuôi dưỡng thế hệ DN mới. Đó là các startup công nghệ khí hậu để họ có thể tăng trưởng.
Bà Vũ Thị Kim Hạnh: "Đôi khi chúng ta nghe than phiền rằng NH dư vốn mà DN lại không tiếp cận được. Nếu có giải pháp công nghệ khả thi kết nối, tháo gỡ được, sẽ yên tâm hơn, có thể giám sát tốt hơn việc nhận được tín dụng".
Để làm được điều này, Ths. Nguyễn Thị Thu Hà, phân tích: "Dòng vốn không chỉ đến từ NH mà còn từ quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà tài trợ tổ chức, nhà đầu tư thiên thần và các tổ chức tài chính phát triển (DFI). Đồng thời, nhìn nhận xu hướng hợp tác chéo giữa các nguồn vốn công và tư, giúp giảm rủi ro và thu hút đầu tư vào các dự án khí hậu".
Nông nghiệp đón đầu kinh tế xanh
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng DN của HDBank chia sẻ thẳng thắn về phát triển khách hàng tín dụng xanh: “Chúng tôi may mắn tiếp cận với nhiều định chế tài chính nước ngoài, họ đều mong muốn các DN phát triển theo hướng xanh. HDBank có vốn từ các định chế tài chính này, hiểu được mong muốn của họ, từ đó có kinh nghiệm thuyết phục các DN đi theo hướng chuyển đổi xanh”.
Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn này, DN phải chủ động chuyển đổi xanh và phải trình bày được mô hình xanh mà mình đang theo đuổi với các NH. Chẳng hạn, DN xuất khẩu đặc biệt là giày, trên mái nhà phân xưởng là điện mặt trời. Chính họ phải chủ động giữ các khách hàng và tìm kiếm các đối tác liên quan. Theo ông Trần Hoài Phương, các doanh nghiệp nông nghiệp xuất khẩu là khó khăn nhất bởi đây là lĩnh vực chịu nhiều điều kiện khắt khe hơn.
Là một trong những DN nông nghiệp tiên phong mô hình kinh tế xanh, bền vững, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn, chia sẻ: "Mô hình kinh tế xanh trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ đơn giản là bắt tay với các đối tác ngoại. Điều cần nhất là chúng ta phải tầm nhìn dài hạn từ 10-20 năm. Bởi trong ngắn hạn, dự án có thể không có lãi, nhưng hiệu quả trong dài hạn là rất lớn".
Ông Vũ Mạnh Hùng cho biết thêm, các dự án của Hùng Nhơn đều ứng dụng công nghệ tiên tiến với quy trình khép kín từ con giống, thức ăn, cho đến chế biến giết mổ theo tiêu chuẩn, ISO, Global GAP & các tiêu chuẩn chuyên ngành quốc tế. Đặc biệt, các dự án của Hùng Nhơn đều sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời nối lưới, sử dụng 30% điện sạch, giảm phát thải một lượng lớn CO2 so với sử dụng nguồn điện truyền thống.
"Theo chiến lược phát triển mô hình kinh tế xanh tầm nhìn đến năm 2030, chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại, đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu. Doanh thu của mô hình này ước đạt 2 tỷ USD vào năm 2030", Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn tự tin nói.
DN nhỏ và vừa phải tiếp cận được ESG
Ông Tôn Thất Hạc Minh, Tư vấn trưởng, Công ty cổ phần Năng lượng và Môi trường thông minh, cho biết cách đây 1 năm, chúng ta bàn về thị trường carbon, tín chỉ carbon thúc đẩy cho Nghị quyết 98. Nếu nói về khả năng tiếp cận tài chính xanh, thị trường carbon, thì chúng ta phải hiểu đây là kết quả, chứ không phải nguyên nhân. Nó đến từ năng lực xanh, tức năng lực con người, năng lực về hạ tầng. Tức là năng lực về ESG, năng lực tài chính.
“Khi tiếp xúc với các cộng đồng DN, đa phần gặp thách thức về ESG. Lâu nay, các DN hay nói ESG thuộc về công ty lớn trong khi tôi đang phải vật lộn tồn tại hằng ngày. Do vậy, Chúng ta phải bình dân hóa ESG, một DN nhỏ vẫn có thể làm được”, ông Tôn Thất Hạc Minh phân tích.
Bà Bùi Thị Thu Hà, Quản lý Dự án Sáng kiến tài chính công bằng Việt Nam (FFV) đánh giá, từ năm 2020-2022 đã có thay đổi tích cực trong cam kết chính sách về ESG ở phần lớn các NH tại Việt Nam. Giai đoạn 2022-2024, qua phân tích của FFV cho thấy xu hướng tích cực là các NH đã công bố thông tin nhiều hơn, hệ thống, khung quản lý rủi ro môi trường - xã hội rõ ràng hơn.
TS Trần Du Lịch: "Chỉ khi nào tín dụng xanh của nền kinh tế, từ khoảng 3-4% lên 30-40% tổng dư nợ tín dụng, thì sự chuyển biến kinh tế xanh mới được đánh giá là kết quả tốt. Đây là chỉ báo quan trọng đánh giá sự chuyển đổi xanh".
"Một số NH đã bắt đầu có chính sách yêu cầu về ESG đối với DN nhận tài trợ/tín dụng. Chính sách tiếp nhận và xử lý phản hồi về các vấn đề ESG cho cá nhân, cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các khoản đầu tư, tín dụng của NH. Từ đó, cũng có ảnh hưởng và lan tỏa đến DN", bà Bùi Thị Thu Hà nhận định.
Ông Lê Đăng Khoa, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp OCB, chia sẻ phát triển tín dụng xanh là một hành trình dài, có ba chủ thể chính trong hành trình này. Về cơ quan quản lý, NH mong cơ quan quản lý có chính sách cụ thể, tổng thể hơn để giúp các bên liên quan dễ ứng xử trong các tình huống cụ thể. Như định nghĩa tài sản nào là tài sản xanh, vì chưa có nên chúng tôi khó xử trong nhiều tình huống.
Về phía khách hàng DN, ông Lê Đăng Khoa mong muốn doanh nghiệp hiểu đây là xu hướng tất yếu, đi theo hướng rõ ràng minh bạch hơn. Về phía NH, cái khó đôi khi là phải đánh đổi lợi nhuận ngắn hạn. Tới đây, OCB cũng có chương trình cho các start-up, đóng góp nhiều cho hành trình xanh. NH cam kết đồng hành cụ thể, không phải đợi mọi thứ trọn vẹn rồi mới làm.
DN cần chú trọng tiêu chuẩn xuất khẩu xanh
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết các thị trường lớn của dệt may Việt Nam như EU, Mỹ, Hàn Quốc hay Trung Quốc cũng bắt đầu đưa ra hàng loạt đòi hỏi về chứng chỉ xanh của ngành dệt may. Tiêu chuẩn xanh là khâu đầu tiên trong chuỗi dệt may và có đến 86 chỉ tiêu đánh giá để một đơn hàng. Chẳng hạn, theo quy định, các nhãn hàng lớn không còn được đốt nồi hơi bằng than, củi mà phải dùng nồi hơi điện để đốt vải vụn, làm tăng 15% chi phí trên giá sản xuất. Như vậy, xu thế xanh là xu thế tất yếu, DN phải đầu tư để đạt được 86 chỉ tiêu đánh giá.
Nói về mối quan hệ giữa DN và NH, ông Vũ Đức Giang cho rằng NH nên chủ động hợp tác với tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ cho DN, để từ đó NH an tâm cho vay. NH cũng phải suy nghĩ cho vay xanh trung và dài hạn, trong đó phải có gói cho vay để đầu tư hạ tầng xanh, bao gồm cả gói chi phí đánh giá, vì phí đánh giá hiện nay rất cao. Thực tế, hiện có nhiều DN đã đầu tư xanh nhưng chưa mời đánh giá, hoặc có chứng chỉ đánh giá nhưng ngại truyền thông để thấy được sự phát triển xanh.
Chủ động pháp lý trong bối cảnh chuyển đổi xanh
Luật sư Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), nhận xét rằng các DN vẫn chưa có sự chuẩn bị về mặt pháp lý trong bối cảnh chuyển đổi xanh. Nếu quản trị, chuyển đổi không tốt sẽ gây ra một số hệ quả. Điều này đòi hỏi DN phải có phương án xử lý rủi ro, trong đó có việc giải quyết các tranh chấp.
“Trong xu thế xanh hiện nay, sẽ có những áp đặt liên quan đến các hợp đồng mua bán hàng hóa nên DN cần chủ động chuẩn bị những phương án giải quyết tranh chấp”, LS. Châu Việt Bắc khuyến cáo.
GS.TS Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cảnh báo luật chưa đề cập đến việc bảo vệ rủi ro liên quan đến khí hậu. Phát triển tín dụng xanh dài hạn thì rủi ro pháp lý lớn. Nếu Quốc hội không ghi vào Luật Ngân hàng Nhà nước về bảo đảm các "cú sốc" trước biến đổi khí hậu thì khó để ngành cho vay xanh phát triển mạnh, bởi chỉ số rủi ro sẽ cao hơn.
"Vì vậy, cần phải có sự vào cuộc của Chính phủ và không chỉ nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước, mà của tất cả. Từ đó mới đẩy được tín dụng xanh như chúng ta mong muốn", GS.TS Trần Ngọc Thơ kiến nghị.
Đồng tình với ý kiến của GS.TS Trần Ngọc Thơ, Giám đốc BSA Vũ Kim Hạnh, cho biết Thủ tướng Chính phủ đã cam kết trước quốc tế về mục tiêu Net Zero vào năm 2050, nhưng nhìn lại luật về NHNN chưa "đả động" gì đến vấn đề này.
Phát biểu kết luận hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá hội thảo đã mang đến nhiều thông tin bổ ích. "Chúng ta có rất nhiều công cụ trung gian để giảm thiểu rủi ro. Trước hết, bảo hiểm là công cụ rất tốt. Bảo hiểm tiêu chí, hoặc bảo hiểm phi nhân thọ, hoàn toàn có thể thiết kế các sản phẩm để giảm thiểu rủi ro cho tín dụng xanh. Đặc biệt, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ có thể giúp giảm thiểu rủi ro. Thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ, chưa cần chính sách mà có thể tự thân vận động".
Ông Phan Đức Hiếu: "Đề nghị Báo SGGP, Ban tổ chức hội thảo cần báo cáo tổng kết gửi đến các cơ quan Quốc hội, Chính phủ. Từ góc độ cơ quan nghiên cứu chính sách, nên tiếp tục thảo luận chuyên sâu hơn về vấn đề này để hình thành được các chính sách phát triển tài chính xanh trong tương lai".