Đối mặt nhiều thách thức
Trong 4 tháng đầu năm nay, kinh tế Việt Nam ghi nhận tín hiệu phục hồi tích cực nhưng lại đối mặt thách thức trước chính sách bảo hộ thương mại toàn cầu ngày càng gay gắt.
Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng HIDS cho biết, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 43,4 tỷ USD, trong đó khu vực doanh nghiệp FDI chiếm hơn 57%, còn lại là doanh nghiệp trong nước đóng góp với các ngành xuất khẩu chủ lực: dệt may, gỗ, thủy sản. Thế nhưng cả 3 ngành này đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế đối ứng, tiêu chuẩn lao động và yêu cầu truy xuất chuỗi cung ứng. Mặt khác, tính đến tháng 4, Việt Nam đã trở thành đối tượng của 284 vụ điều tra phòng vệ thương mại, nhiều nhất là tại Mỹ và châu Âu.

Khách hàng và doanh nghiệp tham quan triển lãm hàng hóa xuất khẩu tại ITPC. Ảnh: Hoàng Hùng
Trong khi đó, sức tiêu thụ nội địa cũng chưa thể trở thành trụ đỡ bền vững. Mặc dù quy mô thị trường bán lẻ năm 2024 đạt khoảng 190 tỷ USD nhưng năng lực sản xuất, phân phối trong nước còn manh mún. Các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng, công nghệ và mặt bằng sản xuất.
Bên cạnh đó, theo TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn trưởng kinh tế Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, chính sách thuế quan mới của các nước mang tính chất địa chính trị rõ nét, vượt ra ngoài khía cạnh kinh tế thông thường. Nếu doanh nghiệp không chủ động nâng sức cạnh tranh và khả năng thích ứng thì rất dễ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.
TS. Cấn Văn Lực dẫn chứng, khu vực kinh tế tư nhân hiện chiếm gần 99% tổng số doanh nghiệp cả nước, đóng góp trên 50% GDP và 82% việc làm. Tuy nhiên, trình độ công nghệ còn hạn chế, tốc độ chuyển đổi số và xanh còn chậm, năng lực liên kết trong, ngoài nước vẫn yếu.
Vì vậy, việc triển khai các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân cùng các chương trình đào tạo 10.000 CEO (giám đốc điều hành), phát triển 1.000 doanh nghiệp tư nhân tiêu biểu... là những động lực cần thiết giúp doanh nghiệp bứt phá.
Kinh tế tư nhân trước vận hội mới
Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới hiện nay, Diễn đàn CEO 2025 không chỉ để lắng nghe tâm tư doanh nghiệp, mà còn là nơi kết nối chính sách với thực tiễn, phản ánh tiếng nói của doanh nhân trong chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, là cầu nối chính sách, khơi thông điểm nghẽn thể chế, mở rộng dư địa thị trường và định hình vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong kỷ nguyên mới.
Đặc biệt, kinh tế tư nhân đang đứng trước vận hội mới khi đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm, “cởi trói” các rào cản, cùng với đó là các cơ chế chính sách vượt trội chưa từng có theo Nghị quyết 68.
Tham luận của các chuyên gia gửi đến Diễn đàn CEO 2025 phác họa thực tế là để tồn tại và phát triển, doanh nghiệp không thể tiếp tục đi theo lối mòn gia công giá rẻ, mà cần xuất khẩu và mở rộng thị phần bằng chính thương hiệu của mình.
Muốn vậy, doanh nghiệp cần đầu tư truy xuất nguồn gốc, tăng sức chống chịu trước biến động toàn cầu. Đồng thời, việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), khung hợp tác song phương và đa phương, cùng chính sách hỗ trợ từ trung ương sẽ là “lối mở” để doanh nghiệp tư nhân thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Là cơ quan ngôn luận, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, Báo SGGP xác định rõ trách nhiệm không chỉ thông tin mà còn kiến tạo các nền tảng đối thoại thực chất, có giải pháp chất lượng đóng góp cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Với tinh thần đó, Diễn đàn CEO 2025 không chỉ là nơi để doanh nghiệp lắng nghe mà còn được phản biện, lan tỏa và chuyển hóa thành các gợi mở chính sách thiết thực. Diễn đàn là hoạt động trọng điểm nằm trong chuỗi sự kiện “Tự hào bản sắc - Vị thế hội nhập”, hướng đến xây dựng hình ảnh doanh nhân bản lĩnh - hội nhập nhưng không hòa tan, cạnh tranh nhưng không đơn độc.

Giới thiệu công nghệ in kỹ thuật số ứng dụng trong sản xuất vải tại Triển lãm thiết bị ngành may mặc vừa được tổ chức ở TPHCM. Ảnh: Hoàng Hùng
Một điểm đáng chú ý là diễn đàn quy tụ nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành đang phải chịu tác động trực tiếp từ các hàng rào kỹ thuật và chính sách phòng vệ thương mại như dệt may, gỗ, thép, thực phẩm... Điều này giúp nội dung thảo luận có chiều sâu thực tiễn, phản ánh được nhiều góc nhìn ngành nghề đa dạng, từ đó làm rõ hơn những đòi hỏi cụ thể về thể chế, tài chính và hỗ trợ chuyển đổi số.
Theo Ban tổ chức, diễn đàn năm nay quy tụ hơn 200 CEO, chuyên gia và đại diện các cơ quan trung ương, địa phương cùng thảo luận xoay quanh các nhóm chủ đề: Chiến lược mở rộng thị phần xuất khẩu giữa bối cảnh rào cản thương mại gia tăng; Phát triển thị trường nội địa với tâm thế mới, chú trọng giá trị thật, xây dựng thương hiệu Việt; Đổi mới mô hình tài chính, tiếp cận vốn xanh, tín dụng thông minh; Tăng tốc chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử; Liên kết chuỗi giá trị - hình thành các liên minh sản xuất - phân phối - tiếp thị quốc tế.
Trong các nhóm chủ đề này, các CEO sẽ giữ vai trò trung tâm, vừa phản ánh khó khăn cụ thể, vừa trực tiếp đề xuất sáng kiến đổi mới từ thực tiễn vận hành. Đồng hành cùng các CEO là các chuyên gia, các đại diện ngân hàng, tổ chức tài chính và các đơn vị chuyển đổi số.
Thông điệp mà Diễn đàn CEO năm nay muốn truyền tải rõ ràng: Chính sách chỉ có thể hiệu quả nếu thấm được nhịp đập của doanh nghiệp. Và ngược lại, doanh nghiệp chỉ thật sự bền vững khi tư duy phát triển được gắn với bối cảnh mới của thị trường, từ nội địa đến quốc tế, từ truyền thống đến số hóa.
Diễn đàn CEO 2025 không chỉ là dịp gặp gỡ, mà là sự kiện hành động - nơi khơi nguồn những ý tưởng cải cách, tập hợp các kiến nghị thực tiễn và thúc đẩy kết nối hệ sinh thái kinh tế địa phương. Từ không gian đối thoại này, các doanh nghiệp có thể nhận diện rõ hơn nhu cầu hợp tác theo chuỗi, qua đó mở ra khả năng hình thành những liên minh doanh nghiệp cùng ngành hoặc liên ngành để tương hỗ phát triển.
Đây là điều đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp Việt đang ở quy mô nhỏ và vừa, cần liên kết để cùng nâng cao sức cạnh tranh trước các rào cản mới và xu hướng tiêu chuẩn hóa toàn cầu.
Với định hướng này, Báo SGGP mong muốn tiếp tục đóng vai trò cầu nối chiến lược, khơi nguồn những ý tưởng cải cách, tập hợp các kiến nghị thực tiễn và thúc đẩy kết nối hệ sinh thái kinh tế địa phương, góp phần thúc đẩy những thay đổi tích cực trong môi trường kinh doanh Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng.
Tham dự Diễn đàn CEO 2025 có: đại diện lãnh đạo TPHCM, lãnh đạo các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp như: bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, ông Lê Trường Sơn - Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, ông Lê Duy Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn, ông Trần Văn Chín - Giám đốc Sàn thương mại điện tử Arobid, ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM.
Cùng tham dự có các chuyên gia như: TS. Cấn Văn Lực; TS. Phạm Bình An, Phó Viện trưởng HIDS; PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Kinh tế tuần hoàn... Ngoài ra, còn có đại diện các ngân hàng, tổ chức tài chính.
ÁI VÂN