Thị trường chứng khoán đã khép lại tháng 8 với phiên tăng điểm trên cả sàn HoSE và HNX.
Dù cả VN-Index và HNX-Index đều chịu những phiên điều chỉnh trong nửa sau của tháng 8, nhưng cả 2 chỉ số này vẫn ghi nhận mức tăng so với cuối tháng 7 liền trước. Trong đó, VN-Index vẫn tăng 1,52% trong tháng 8, trong khi HNX-Index tăng tới 8,6%.
Trái ngược với xu hướng tăng của cả 2 chỉ số thị trường kể trên, các cổ phiếu ngành ngân hàng trong tháng 8 lại chịu tác động điều chỉnh mạnh khiến 19/27 cổ phiếu nhóm ngành này giảm điểm. Đáng chú ý, một số cổ phiếu ghi nhận mức giảm 2 chữ số.
Cụ thể, trong 27 cổ phiếu ngân hàng niêm yết trên HoSE, HNX và giao dịch trên UPCoM hiện nay, có tới 19 mã ghi nhận xu hướng giảm tháng 8 vừa qua. Trong đó, VIB và ACB là 2 mã giảm mạnh nhất, đều đạt trên 10%.
Cổ phiếu ngân hàng suy yếu
Thị giá VIB trong tháng 8 đã giữ xu hướng giảm liên tục từ vùng 41.750 đồng/cổ phiếu xuống 36.250 đồng (cuối ngày 31-8), tương đương mức giảm ròng 13% trong tháng. Xu hướng này cũng nối dài chuỗi ngày giảm giá của cổ phiếu VIB kể từ khi đạt đỉnh trên 53.000 đồng vào đầu tháng 7.
Tương tự, đầu tháng 8, cổ phiếu ACB vẫn được giao dịch với giá 35.550 đồng/đơn vị. Tuy nhiên, dưới tác động của nhiều phiên điều chỉnh tháng 8, thị giá cổ phiếu này đã giảm liên tục xuống mức 32.000 đồng/đơn vị hiện tại, mức giảm hơn 10%.
Đây cũng là vùng giá thấp nhất mà cổ phiếu ACB giao dịch kể từ tháng 5 đến nay. Tuy vậy, tương tự VIB, dù giảm 2 chữ số trong tháng 8 nhưng so với đầu năm, thị giá ACB hiện vẫn cao hơn gần 40%.
Ngoài 2 nhà băng nói trên, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng cùng ghi nhận mức giảm sâu trong tháng 8 này, trong đó, chủ yếu là các cổ phiếu niêm yết trên HoSE.
Cụ thể, cổ phiếu BID (BIDV) và LPB (LienVietPostBank) có cùng mức giảm 8% trong tháng 8, hiện lần lượt giao dịch ở mức 38.950 đồng/cổ phiếu và 23.050 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, cổ phiếu HDB (HDBank), STB (Sacombank), OCB (OCB) có cùng mức giảm 7% trong tháng; cổ phiếu CTG (VietinBank) giảm 6%; TCB (Techcombank) giảm 5%; NAB (NamABank) giảm 4%...
Ngoài 19 cổ phiếu ngân hàng giảm giá trong tháng 8, BAB (BacABank), KLB (Kienlongbank) và BVB (Vietcapital Bank) là 3 cổ phiếu đi ngang trong tháng.
Ngược lại với nhóm kể trên, dù cũng chịu xu hướng điều chỉnh nhưng một số cổ phiếu ngân hàng lại vẫn giữ được mức tăng tích cực trong tháng 8 vừa qua.
Trong đó, cổ phiếu NVB (Ngân hàng Quốc Dân) ghi nhận mức tăng mạnh nhất, lên tới 17%, hiện giao dịch ở mức 28.900 đồng/cổ phiếu.
Thực tế, NVB đã tăng liên tục từ cuối tháng 7, khi ngân hàng này công bố thay đổi loạt nhân sự trong ban quản trị và điều hành doanh nghiệp. Trong đó, nhân sự chủ tịch HĐQT mới tại Ngân hàng Quốc Dân là bà Bùi Thị Thanh Hương, người trước đó đảm nhiệm vai trò tổng giám đốc tại Sun Group.
Sau thông tin nhân sự kể trên, thị giá NVB đã tăng một mạch từ vùng 17.000 đồng/cổ phiếu cuối tháng 7 lên xấp xỉ 30.000 đồng vào giữa tháng 8, tương đương mức tăng gần 80% và duy trì mặt bằng giá này đến cuối tháng.
So với đầu năm, thị giá NVB hiện đã tăng tới 165% và là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất từ đầu năm đến nay.
Một cổ phiếu khác ghi nhận mức tăng 2 chữ số trong tháng 8 là PGB (PGBank) khi tăng từ 19.900 đồng/cổ phiếu lên 21.800 đồng, tương đương 10%.
Ngoài ra, một số cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn vẫn giữ được mức tăng trong một tháng qua như VCB (Vietcombank) và VPB (VPBank) tăng 2%; SHB và VAB (VietABank) cùng tăng 1%.
Triển vọng ngân hàng cuối năm
Đánh giá về triển vọng cổ phiếu ngân hàng từ nay đến cuối năm, chuyên gia phân tích tại các công ty chứng khoán đều cho rằng lợi nhuận các ngân hàng sẽ chịu tác động trong bối cảnh lãi suất cho vay giảm để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, chi phí dự phòng của VietinBank cũng được dự báo tăng trong năm nay và 2022 để phản ánh ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch. Điều này có thể khiến lợi nhuận kỳ vọng của ngân hàng giảm xuống.
Tương tự với Vietcombank, ngân hàng này ước tính đợt giảm lãi suất lần thứ 8 bắt đầu từ 18/8 kéo dài đến cuối năm sẽ khiến thu nhập lãi của ngân hàng giảm khoảng 1.000 tỷ đồng, nâng tổng số thu nhập lãi giảm trong cả năm nay lên mức 7.100 tỷ đồng.
Ngoài ra, các biện pháp giãn cách xã hội tại các tỉnh phía Nam kéo dài có thể khiến tỷ lệ hình thành nợ xấu mới tăng nhanh và thu nhập lãi thuần chịu áp lực trên một số mặt.
Tương tự, báo cáo phân tích ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho biết khoản trích lập dự phòng của các ngân hàng đã tăng gấp rưỡi trong quý II và dự báo còn tăng thêm vào cuối năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia tại đây kỳ vọng lợi nhuận ngân hàng có thể cải thiện một phần nhờ việc tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm tốt khi dịch bệnh được khống chế.
Yuanta Việt Nam dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong thời gian tới nhằm thúc đẩy nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch và tăng trưởng tín dụng cả năm nay có thể đạt 14%, cao hơn cả năm 2020.
Bên cạnh đó, do các ngân hàng đã được yêu cầu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên NHNN cũng sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách tiền tệ nới lỏng trong nửa cuối năm.
Điều này khiến thu nhập lãi của ngân hàng có thể bị ảnh hưởng do lãi suất cho vay giảm nhưng chi phí huy động vốn cũng sẽ thấp hơn. Do đó, NIM dự kiến của ngành ngân hàng sẽ đi ngang hoặc chỉ giảm nhẹ so trong nửa cuối năm nay.
Theo công ty chứng khoán này, việc gia tăng thu nhập phí sẽ là yếu tố tạo sự khác biệt giữa các ngân hàng trong thời gian tới.