Ngày 26-8, Eximbank áp dụng biểu lãi suất huy động mới đối với khách hàng cá nhân. Tại biểu lãi suất này, NH điều chỉnh giảm 0,2%/năm lãi suất huy động đối với kỳ hạn 12 tháng, xuống mức 5,9%/năm cho hình thức gửi tại quầy. Tương tự, kỳ hạn 15-36 tháng, Eximbank cũng giảm 0,2%/năm xuống mức 6,1%/năm.
Techcombank cũng giảm lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng và 36 tháng đối với khách hàng thường, mức giảm 0,1%.
Tại Sacombank, từ 19-8, lãi suất gửi tại quầy giảm khoảng 0,2-0,4%/năm ở nhiều kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng giảm 0,3%/năm, lần lượt về mức 5,7%/năm và 5,8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng chỉ còn 5,3%/năm, giảm 0,2%/năm.
TPBank mới đây mạnh tay điều chỉnh so với biểu lãi suất trước đó, giảm đến 0,8%/năm đối với kỳ hạn 18 tháng, xuống 6%/năm. Ở kỳ hạn 9 tháng, nhà băng này giảm mạnh 0,5% điểm % xuống còn 5,7%/năm.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm trực tuyến tại NH này giảm tới 0,75%/năm so với hồi đầu tháng 8. Theo đó, lãi suất các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng lùi về mức 6,15%/năm.
Tại các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 36 tháng, Agribank và BIDV chỉ giảm nhẹ 0,1%, lãi suất đang áp dụng cho các kỳ hạn này là 5,5%/năm.
Xu hướng giảm lãi suất tiền gửi, nhất là ở kỳ hạn dài đã xuất hiện trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều NHTM chọn điều chỉnh giảm mạnh lãi suất tiền gửi từ 9 tháng trở lên, vẫn còn khá nhiều NH có mức lãi suất “hấp dẫn” cho hình thức lãnh lãi cuối kỳ trong thời điểm này.
Theo ghi nhận với hình thức gửi tại quầy, hiện NCB và CB là NH có lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng cao nhất hệ thống, cùng mức 6,25%/năm. Đứng thứ hai là BacABank với 6,1%/năm và tiếp theo là NamABank, với 6%/năm.
Đối với kỳ hạn 9 tháng, NCB là quán quân với mức lãi suất 6,4%/năm. Tiếp theo, CBBank áp dụng mức 6,35%/năm, SCB và BacABank là 6,2%/năm, NamABank là 6%/năm.
Các NH còn lại áp dụng lãi suất từ 4-5,9% cho kỳ hạn này.
Với kỳ hạn 12 tháng, SCB có lãi suất huy động cao nhất hệ thống, với 6,8%/năm. Bên cạnh đó, CBBank áp dụng lãi suất 6,55%/năm, BacABank và Kienlongbank cùng 6,5%/. NCB 6,4%/năm, BaoVietBank 6,35%/năm, NamABank và VietCapital Bank 6,2%/năm.
Đối với kỳ hạn 18 tháng, SCB và NCB cùng có lãi suất cao nhất với 6,8%/năm. Kienlongbank huy động với lãi suất 6,75%/năm. BacABank, CBBank, NamABank cùng huy động lãi suất 6,7%/năm.
NH Liên doanh Việt-Nga (VRB) hiện tại có mức lãi suất cao nhất là 7%/năm, áp dụng cho khoản tiền gửi dưới hình thức tiết kiệm thường lĩnh lãi cuối kỳ tại kỳ hạn 24 tháng, 36 tháng. Cùng kỳ hạn này, SCB có mức lãi cao thứ nhì với 6,8%/năm.
Ngoài ra, để tối ưu lãi suất tiền gửi, các NH đang khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm online thông qua việc áp dụng lãi suất gửi trực truyến cao hơn nhiều so với gửi tại quầy. Chẳng hạn, lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 12 tháng của NamABank đã tăng lên 6,8%, cao hơn 0,6% so với tiết kiệm tại quầy; kỳ hạn 7 tháng là 6,5%/năm, cao hơn 0,5% so với tại quầy.
Tại báo cáo tình hình lãi suất của các tổ chức tín dụng tháng 7-2021 vừa công bố, NHNN cũng cho biết, lãi suất tiền gửi bằng VNĐ bình quân của các NHTM trong nước ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; mức 3,3-3,5%/năm cho tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.
Đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng, lãi suất từ 4,2-5-7%/nam. Mức 5,4-6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12- 24 tháng và 6,1-6,9% đối với kỳ hạn trên 24 tháng.
Theo một chuyên gia tài chính, một vài NH có động thái giảm lãi suất đầu vào trong tháng 8 là vì họ vừa đồng loạt giảm lãi suất cho vay. Tuy nhiên, giảm lãi suất huy động chủ yếu tập trung ở những NH có quy mô lớn. Nhóm còn lại phải giữ lãi suất để tránh hụt nguồn vốn huy động khi lãi suất ở mức thấp.