Chiếc ấm rất đẹp, không tỳ vết ngoại trừ gãy quai. Lòng ấm bám đầy cao trà nâu sẫm, màu thời gian trong phút giây hiện tại thực vô cùng buồn bã và lộng lẫy!
Chạm tay vào chiếc ấm, tôi dường như đối mặt với chủ nhân của nó - một người Nhật xa xôi tôi chưa từng biết, có thể đã rời xa thế giới này trong một đợt sóng thần hay trong một thảm họa hạt nhân năm nào của nước Nhật.
Giờ khắc cho trà vào lòng ấm, vốn đã được phu quân làm lại cái tay cầm bằng một nhánh trúc Quan Âm khô vàng nhặt ở Đồng Nai về, tôi thật thấu hiểu về vô thường, về triết học tánh không, về nhân quả luân hồi, về những gì mà thế gian gọi là nhân duyên và bất khả tư nghì!
Chế nước sôi vào trà, khói trà bay lên, nước mắt tôi trào ra vì lòng biết ơn người chủ cũ của chiếc ấm mỗi ngày hẳn đã nâng niu. Và tôi chợt nhớ, trong đời mình cũng đã từng chứng kiến rất nhiều người luôn chung thủy với một cái chung trà mẻ miệng hay một cái ấm tích sứt vòi…

Người chơi gốm, sứ thường là người sống nội tâm, hay mẫn cảm, dễ mủi lòng. Một cái ấm trà thân quen tri kỷ với mình hàng ngày, phút chốc vì một cái quơ tay bất cẩn, hay rửa lỡ va chạm, hoặc vô tình con mèo nhảy lên bàn… đều có thể trở thành sứt mẻ, cũng có khi là vỡ vụn tan tành, thử hỏi có ai mà không đau lòng, đứt ruột.
Người Việt Nam dán hoặc hàn đồ gốm, sứ bể thật đa dạng, từ khoan lỗ nhỏ, xiên cọng đồng hay bạc qua rồi tán ri-vê. Nếu món đồ bị mẻ vành, mẻ miệng thì đem đi bịt bạc, món quý thì bịt vàng, cho đến phương pháp đơn giản nhất là dán keo rồi chờ khô dính lại.
Người Việt gắn đồ gốm vỡ đơn giản như thế! Gắn là để nhớ, để trân trọng. Gắn là để tiết kiệm vì nó vẫn còn xài rất tốt, không ai nỡ bỏ đi món đồ thân thuộc hàng ngày. Đó chính là tình thương, tình yêu và đức chung thủy mang đầy tính nhân văn.
Người Nhật cũng gần giống như người Việt trong lĩnh vực hàn đồ gốm vỡ. Nhưng người Nhật biến việc hồi sinh mảnh vỡ đó thành một câu chuyện đầy triết học.
Nghệ thuật hàn gốm vỡ đó được gọi là Kintsugi, tức Mộc Vàng. Kintsugi là phương pháp dùng một loại keo đặc biệt trộn với vàng hoặc nhũ vàng hàn dính các mảnh gốm rời lại tạo thành một độc bản mang tính bi tráng độc đáo! Mỗi món đồ bể sau khi hồi sinh đều rạng rỡ đầy vinh quang.
Món đồ gốm sau tái sinh sẽ hùng tráng như một Samurai bách chiến bách thắng. Từ không biến thành có, từ bất toàn trở thành bất tử. Đồ gốm Kintsugi khiến người ta ngưỡng mộ, khiến người ta trân trọng và cao nhất là khiến người ta minh triết đến tận cùng.
Chén trà rót ra ly vẫn muôn đời xanh ngát. Chén đầu tiên tôi cung kính để sang một bên âm thầm mời người chủ cũ. Hẳn người đó rất vui, vì trong bước đường luân lạc nó lại đến được cõi trà u nhã.