Hiện nay, liên kết chuỗi cung ứng, tiêu thụ thủy sản đang được Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy để các doanh nghiệp, hợp tác xã có thể liên kết được với nhau, góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ hiệu quả.
Đặc biệt là trong bối cảnh 19 tỉnh thành phía Nam cùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg để chống bệnh COVID-19.
Xuất khẩu cần nguồn hàng lớn
Các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất thủy sản lớn của cả nước. Lượng thủy sản của khu vực này không chỉ đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà còn phục vụ cho việc xuất khẩu đến các thị trường trên khắp thế giới.
Khâu sản xuất trong khu vực được thực hiện liên tục, bởi có như vậy, nguồn thủy sản mới được gối đầu, cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người dân cả nước.
Bất kể vào thời điểm hoạt động phát triển kinh tế-xã hội diễn ra bình thường, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn xoay đều cung cấp vật tư nông nghiệp cho sản xuất, hay thời điểm giãn cách giữa người với người để ứng phó dịch bệnh.
Chính vì vậy, khi các tỉnh thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, đồng thời tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp.
Hàng hóa làm ra không được lưu thông trôi chảy; vụ nuôi mới lại đến, lượng thủy sản cũ đang chờ bán. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản lại cần một nguồn hàng lớn để xuất khẩu, cung ứng ra thị trường quốc tế theo các hợp đồng đã ký.
Ông Hoàng Văn Duy, Giám đốc Kinh doanh Công ty Trách nhiệm hữu hạn MeKong Food Connect, thuộc Tập đoàn MeKong Food cho biết, MeKong Food Connect có 500 khách hàng tại 85 thị trường trên khắp thế giới, chuyên tiêu thụ các loại nông sản của Việt Nam như cá tra, tôm càng xanh, tôm thẻ, tôm sú, cá rô phi, cá điêu hồng, đùi ếch, cua, cá thác lác, cá ngừ … Mỗi tháng, MeKong Food Connect xuất khẩu từ 1.000-1.500 tấn các loại sản phẩm này.
Không những vậy, MeKong Food Connect còn đang tiếp tục mở rộng các thị trường tiềm năng, cũng như sẽ khai thác các sản phẩm thủy sản khác đầy tiềm năng của Việt Nam để xuất khẩu ra thị trường thế giới. Đặc biệt, sản phẩm của MeKong Food Connect cũng được cung ứng cho chuỗi nhà hàng sushi lớn nhất thế giới của Nhật Bản.
Với đơn đặt hàng tháng 8/2021, MeKong Food Connect đang cần 40 container cá tra, 4 container cá ngừ, 8 container cá tra sữa sạch kích cỡ từ 400-600gram, từ 600-800gram, lườn cá ngừ đi Bỉ, cá rô phi, cá diêu hồng nguyên con cạo vảy, bỏ vỏ, phile.
Các mặt hàng này đều phải được qua sơ chế, hoặc các hợp tác xã có thể cung ứng cho MeKong Food Connect, để công ty thuê nhà máy sơ chế bên thứ 3 thực hiện sơ chế trước khi giao hàng, bà Lê Ngân, đại diện MeKong Food Connect cung cấp thông tin.
Sẵn sàng hợp tác cung ứng
Trước nhu cầu cần nguồn hàng lớn phục vụ cho xuất khẩu của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho biết sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu về chỉ tiêu sản xuất, chất lượng, truy xuất nguồn gốc. Từ đó, có thể hỗ trợ cho nguồn thủy sản của nông dân được tiêu thụ tốt.
Theo ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là chiến lược phát triển ngành thủy sản của tỉnh Kiên Giang từ nay đến năm 2030 là mở rộng và phát triển nuôi biển, nuôi thủy sản nước mặn, lợ.
Ước tính, mỗi năm tỉnh Kiên Giang sản xuất khoảng 400.000 tấn thủy sản nuôi và 1 triệu tấn thủy sản nuôi biển bền vững. Riêng thủy sản nước lợ có các loại như tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ, cua, sò huyết, cá bớp, cá mú, cá bè quýt, cá chim vây vàng có sản lượng rất lớn cần được tiêu thụ.
Trong tháng 8/2021, nông dân tỉnh Kiên Giang dự kiến sản xuất khoảng 1.500 tấn thủy sản các loại; trong đó, tôm càng xanh hơn 1.000 tấn, tôm thẻ 65 tấn, cá bớp 15 tấn, sò huyết 40 tấn, cá bè quỵt 5 tấn và cua biển 100 tấn.
Với sản lượng này, tỉnh Kiên Giang có thể cung ứng nguồn nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu ra thị trường thế giới, đáp ứng hợp đồng đã ký nhanh chóng.
Cùng với Kiên Giang, các địa phương khác như An Giang, Sóc Trăng cũng có nguồn hàng thủy sản dồi dào, sẵn sàng cung ứng cho các đơn hàng xuất khẩu.
Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang chia sẻ, tỉnh An Giang sẵn sàng thực hiện các tiêu chí do doanh nghiệp đề ra khi liên kết sản xuất nguyên liệu với nông dân tỉnh An Giang. Bởi hiện nay, tất cả các thị trường đều có tiêu chí an toàn thực phẩm riêng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Chỉ cần nhà nhập khẩu, doanh nghiệp liên kết thu mua đưa ra yêu cầu, ngành nông nghiệp An Giang sẽ hướng dẫn các nông dân sản xuất theo đúng tiêu chí, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, xoay vòng sản xuất.
Đặc biệt, để người dân an tâm sản xuất lâu dài và bền vững, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang sẵn sàng ký kết “Hợp đồng quy tắc” với các doanh nghiệp, để ngành nông nghiệp đưa ra định hướng sản xuất cụ thể và hiệu quả cho người dân.
Để có được những sự tự tin trên, mỗi địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều đã được Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn phân công sản xuất theo 3 khu vực cụ thể đó là vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất trái cây và vùng sản xuất lúa, hoa màu.
Ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục thủy sản cho rằng, để tránh chồng chéo trong các hợp đồng ghi nhớ khi liên kết với doanh nghiệp, mỗi địa phương cần phát triển các sản phẩm chủ lực, lựa chọn thế mạnh để có kế hoạch sản xuất và phát triển hiệu quả.
"Các địa phương cũng cần rà soát các hợp tác xã, chọn ra hợp tác xã sản xuất sản phẩm cùng loại, có thể nâng chất các hợp tác xã đủ năng lực sơ chế sản phẩm trước khi cung ứng cho nhà xuất khẩu. Có như vậy, khâu liên kết mới thuận lợi theo mong muốn. Bởi, các nhà xuất khẩu thường có thế mạnh trong việc tìm kiếm khách hàng để giao thương hàng hóa với giá có lợi nhất cho nông sản Việt Nam. Khi đó, mỗi đơn vị đảm nhận một vai trò thế mạnh thì chuỗi liên kết này mới bền vững, giúp nông dân sản xuất ổn định, lâu dài," ông Trần Đình Luân chia sẻ thêm.