Mặt trái tham vọng
Kết quả kinh doanh 9 tháng niên độ tài chính 2017-2018 (từ 1-10-2017 đến 30-9-2018) vừa được HSG công bố, doanh thu thuần đạt 25.867 tỷ đồng (tăng 34,7%) nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 512 tỷ đồng (giảm 54,6%). Doanh thu tăng trưởng mạnh do HSG sử dụng chiến lược giá thấp để giành thị phần trên thị trường tôn mạ nội địa, và nhiều dự án nhà máy mới được đưa vào vận hành.
Thế nhưng, cũng chính chiến lược này đã khiến tỷ suất lợi nhuận gộp giảm mạnh trong bối cảnh chi phí đầu vào và chi phí khấu hao tăng, nhưng không thể chuyển hoàn toàn sang giá bán cho khách hàng.
Theo thống kê, lợi nhuận gộp giảm từ 17,2% xuống còn 12,5% do chi phí đầu vào bình quân tăng 25% so với cùng kỳ trong 3 quý đầu, trong khi đó giá bán bình quân chỉ tăng 18% so với cùng kỳ.
Một yếu tố ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận của HSG là chi phí khấu hao từ các nhà máy mới tăng cao. Thống kê cho thấy, HSG ghi nhận tổng cộng 748 tỷ đồng chi phí khấu hao (tăng 50,2% so với cùng kỳ) do các nhà máy mới đi vào hoạt động. Với việc đầu tư vào nhiều nhà máy mới khiến cho chi phí bán hàng và quản lý của HSG tăng 27% so với cùng kỳ lên 2.047 tỷ đồng (tương đương 7,9% doanh thu thuần).
Trong đó, chi phí bán hàng tăng 27,5% so với cùng kỳ lên 1.362 tỷ đồng, do doanh thu tăng trưởng mạnh hơn trong bối cảnh công ty mở rộng mạng lưới phân phối, tập trung vào thị trường nội địa.
Tại thời điểm cuối tháng 6, số lượng chi nhánh vào khoảng 410-420 chi nhánh (tại thời điểm cuối năm ngoái là 350 chi nhánh). HSG dự kiến nâng số lượng chi nhánh lên 450 chi nhánh vào cuối niên độ tài chính 2017-2018 (tháng 9-2018). Tương tự, chi phí quản lý tăng 26% so với cùng kỳ lên 685 tỷ đồng chủ yếu do lương đội ngũ quản lý tăng 38,2%.
Nhiều nhà máy mới của HSG đưa vào vận hành cũng khiến tỷ suất lợi nhuận giảm mạnh.
Khó khăn cân đối tài chính
Có thể nói, việc đẩy mạnh mở rộng công suất và mạng lưới bán hàng quá nhanh gây ảnh hưởng đến tình hình tài chính của HSG. Theo thống kê, tính đến 30-6, vay và nợ thuê tài chính (cả ngắn hạn và dài hạn) của HSG đã tăng thêm khoảng 4.000 tỷ đồng và đạt đến con số xấp xỉ 16.000 tỷ đồng (tăng 34% so với đầu năm và tăng 46,7% so với cùng kỳ).
Trong đó, vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng 22% so với đầu năm lên 3.460 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng đạt 12.400 tỷ đồng (tăng 38% so với đầu năm). Mặc dù nợ ngắn hạn đã giảm so với mức đỉnh điểm 13.900 tỷ đồng (thời điểm cuối quý I), nhưng với tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đạt mức kỷ lục 3,02 lần như hiện tại đang là hồi chuông báo động, bởi thời điểm đầu niên độ tỷ lệ này chỉ ở mức 2,2 lần.
Với tỷ lệ đòn bẩy quá lớn, chi phí tài chính của HSG cũng tăng chóng mặt. Thống kê cho thấy, chi phí lãi vay của HSG 9 tháng đầu năm của HSG đã lên đến 577 tỷ đồng (tăng 75%). Như vậy, nếu làm phép toán đơn giản sẽ thấy, cứ làm ra được 10 đồng lợi nhuận thì HSG phải dùng 2 đồng để trả lãi ngân hàng.
Ngoài gánh nặng nợ vay, HSG đang chịu áp lực rất lớn về lượng hàng tồn kho. Hàng tồn kho chủ yếu nằm ở nguyên liệu, vật liệu và thành phẩm; tài sản cố định tập trung ở máy móc thiết bị. Theo thống kê, hàng tồn kho và tài sản cố định cùng tăng gần gấp đôi so với niên độ trước. Tính đến thời điểm ngày 30-6, giá trị hàng tồn kho của HSG đạt 8.337 tỷ đồng.
Nếu ở những niên độ trước, hàng tồn kho là “vũ khí” lợi hại của HSG nhờ mua vào ở mức giá thấp, thì ở thời điểm hiện tại, hàng tồn kho đang “kết hợp” với chi phí lãi vay bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Nguyên nhân phần lớn hàng tồn kho được HSG mua vào ở mức giá cao hơn giá thị trường ở thời điểm hiện nay là 12%.
Cổ đông cạn niềm tin
Những con số đáng báo động trên đã khiến cho cổ đông lo lắng, nhất là trong bối cảnh lợi nhuận tỷ lệ nghịch với quy mô phát triển của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, trong khi các hoạt động đầu tư vẫn chưa mang lại hiệu quả, thậm chí còn góp phần đẩy HSG vào tình cảnh khó khăn, nhưng HĐQT của doanh nghiệp này vẫn đặt nhiều tham vọng vào các dự án đầu tư mới. Đơn cử là dự án thép tại Cà Ná (Ninh Thuận).
Cổ đông cạn niềm tin
Những con số đáng báo động trên đã khiến cho cổ đông lo lắng, nhất là trong bối cảnh lợi nhuận tỷ lệ nghịch với quy mô phát triển của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, trong khi các hoạt động đầu tư vẫn chưa mang lại hiệu quả, thậm chí còn góp phần đẩy HSG vào tình cảnh khó khăn, nhưng HĐQT của doanh nghiệp này vẫn đặt nhiều tham vọng vào các dự án đầu tư mới. Đơn cử là dự án thép tại Cà Ná (Ninh Thuận).
Năm 2016, HĐQT của HSG đã thông qua phương án đầu tư vào dự án này với tổng vốn đầu tư lên đến 10,6 tỷ USD. Theo kế hoạch, dự án được đầu từ thành 5 giai đoạn (từ năm 2017 đến năm 2031) và chia làm nhiều phân kỳ với công suất mỗi phân kỳ đầu tư dự kiến đạt 1,5 triệu tấn/năm. Đến tháng 4-2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu dừng triển khai dự án này để làm rõ thêm một số vấn đề môi trường.
Thế nhưng, tại ĐHCĐ thường niên 2018, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT vẫn tỏ rõ quyết tâm theo đuổi dự án. Theo ông Vũ, HSG đang triển khai xúc tiến, hoàn thiện, chuẩn bị các thủ tục pháp lý cần thiết để đăng ký đầu tư dự án, đồng thời tiếp tục làm việc với các đơn vị tư vấn có uy tín để lựa chọn giải pháp công nghệ và máy móc thiết bị phù hợp cho việc triển khai dự án.
Tham vọng của ông Vũ chắc chắn không nhận được sự đồng thuận từ nhiều cổ đông, vốn đã cạn dần niềm tin vào khả năng điều hành và sự minh bạch của các thành viên HĐQT trong thời gian vừa qua. Đơn cử là hoạt động lướt sóng CP HSG của vợ chồng Chủ tịch HĐQT, thay vì tập trung tìm giải pháp để “lèo lái” doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Có thể lấy dẫn chứng từ hiệu quả kinh doanh của HSG trong quá khứ, thời điểm chưa phình to như hiện nay để thấy khả năng điều hành không thể bắt kịp quy mô phát triển. Cụ thể, ở niên độ tài chính 2013-2014, hoạt động của HSG tỏ ra rất hiệu quả với ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) đạt trên 17%. Thậm chí, ROE niên độ tài chính 2015-2016 lên đến mức 36,5%. Tuy nhiên, kể từ mức đỉnh này, HSG bắt đầu lao dốc, cùng với lo ngại về khả năng mất cân đối về tài chính như đã nói ở trên.
Tính đến cuối quý III của niên độ tài chính 2017-2018, ROE giảm đến 23 điểm phần trăm xuống chỉ còn 13%. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho NĐT trong và ngoài nước bán tháo và đẩy giá CP lao dốc không phanh. Thậm chí, có thời điểm HSG giảm dưới mệnh giá (10.000 đồng/CP). Tính từ đầu năm 2018 đến nay, HSG đã giảm hơn 56% giá trị. |