Hứa Thị Phấn "diễn xiếc" rút ruột ngân hàng (Bài 1)

(ĐTTCO) - LTS: Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ điều tra và lời khai nhận của các bị can, sắp tới Tòa án Nhân dân TPHCM sẽ xét xử vụ án Hứa Thị Phấn, nguyên Cố vấn cao cấp HĐQT, nguyên Cố vấn Hội đồng tín dụng NH Đại Tín và 28 đồng phạm, về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.
 Đây là vụ án được nhiều người quan tâm, do số tiền thất thoát to lớn, gây hậu quả nặng nề, khó khắc phục.

Bài 1: Vi phạm pháp luật nghiêm trọng

Gây thiệt hại 12.005 tỷ đồng
NH Đại Tín (Trust Bank) là một NH quy mô nhỏ, thương hiệu không nổi trội trong hệ thống các NHTM nước ta. Xuất phát điểm của tổ chức tín dụng (TCTD) này là NH Nông thôn cổ phần Rạch Kiến ở huyện Cần Đước, thành lập theo Quyết định 1114 ngày 4-7-1989 của UBND tỉnh Long An. Ngày 29-12-1993, NHNN cấp giấy phép hoạt động NH Nông thôn Rạch Kiến, và năm 2007 được nâng cấp, đổi tên thành NHTMCP Đại Tín, đặt trụ sở tại số 145-147-149 đường Hùng Vương, Tân An, Long An.
Đến năm 2013, NH được bán lại cho Phạm Công Danh và được đổi tên thành NHTMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB). Lai lịch NH này trải qua nhiều đời chủ, bộc lộ nhiều sai phạm với các vụ án đình đám đã xét xử. Tính đến tháng 6-2010, vốn điều lệ của Đại Tín là 3.000 tỷ đồng; người đại diện theo pháp luật là ông Hoàng Văn Toàn, Chủ tịch HĐQT; ông Trần Sơn Nam làm Tổng giám đốc.
 Trong vụ án sắp đưa ra xét xử, cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn. Ngày 22-3-2017, bà Hứa Thị Phấn bị khởi tố, 3 hôm sau, ngày 6-3 bà Phấn nhập viện tại quận 7, TPHCM cấp cứu. Từ đó đến nay, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã nhiều lần đến gặp bà để tiến hành hỏi cung, nhưng bị can luôn chối từ vì lý do sức khỏe kém, gọi điện hỏi thì không trả lời.
Ngã rẽ của NH này bắt đầu từ đây: Đầu năm 2007, bà Hứa Thị Phấn cùng CTCP Đầu tư phát triển Phú Mỹ, cùng 14 cá nhân có quan hệ gia đình và họ hàng đứng tên mua 254.751.970 cổ phần NH Đại Tín, tương ứng với 2.547 tỷ đồng, chiếm 84,92% vốn điều lệ, và bà Hứa Thị Phấn giữ chức Cố vấn cao cấp HĐQT NH Đại Tín; tư vấn cho Thường trực HĐQT và hoạch định chiến lược phát triển; chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động tín dụng, thu-chi tiền mặt… tại NH này.
Lợi dụng vai trò của mình và việc nắm giữ cổ phần lớn, chỉ sau 5 năm “cầm càng” NH Đại Tín, bà Phấn đã thực hiện các hành vi trái pháp luật để rút ruột, chiếm đoạt tài sản tại TCTD này, gây thiệt hại cho Đại Tín số tiền lên đến 12.005 tỷ đồng. Điều đáng nói là thông qua các đồng phạm, bà Phấn đã chiếm đoạt tài sản NH một cách công khai, trắng trợn. Mọi hoạt động kiểm tra-kiểm soát ở NH này dường như vô hiệu.

Thao túng mọi hoạt động
Bản kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra nêu 5 hành vi phạm tội của bị can Hứa Thị Phấn, diễn ra trong thời gian dài.
NH Đại Tín có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, vốn pháp định 1.000 tỷ đồng; các chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc chỉ là người quản lý và điều hành trên danh nghĩa, người chỉ đạo mọi hoạt động là bà Cố vấn Hứa Thị Phấn. Thông qua các công ty bà Phấn thành lập và các cá nhân có quan hệ họ hàng hoặc dưới quyền, bà Hứa Thị Phấn đứng tên mua 26 bất động sản rồi dùng thủ đoạn mua đi bán lại trong nhóm để nâng khống giá trị.
Sau đó, bà Phấn dùng ảnh hưởng của mình chỉ đạo NH Đại Tín định giá cao, tăng từ 2-8 lần giá thị trường; mua lại 26 bất động sản này với tổng trị giá 3.580 tỷ đồng (tương ứng 119% vốn điều lệ NH này) để chiếm đoạt tiền. Theo kết quả định giá thời điểm tháng 9-2014, 26 bất động sản này có trị giá chỉ 1.360 tỷ đồng, gây thiệt hại cho NH Đại Tín - nay là NH Xây Dựng đến 2.129 tỷ đồng!
Hứa Thị Phấn "diễn xiếc" rút ruột ngân hàng (Bài 1) ảnh 1 Bị can Hứa Thị Phấn (hàng đầu, bên trái) tại phiên tòa. 
Tình tiết đáng chú ý của vụ án là căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, TPHCM, có diện tích 621,78m2. Căn nhà này bà Phấn nhận chuyển nhượng của tư nhân vào tháng 1-2008 với 21.762,3 lượng vàng SJC (tương đương 311 tỷ đồng). Sau đó bà Phấn “làm xiếc”, chuyển nhượng cho nhiều công ty con và điểm đến cuối cùng là NH Đại Tín với giá 1.260 tỷ đồng, gây thiệt hại cho NH 1.105 tỷ đồng.
Ông Hoàng Văn Toàn, nguyên Chủ tịch HĐQT thừa nhận sai phạm khi mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với số tiền trên, cao 8 lần so với định giá thời điểm đó, tương ứng với 20% vốn điều lệ NH; vừa không xin ý kiến Đại hội cổ đông, không họp HĐQT để quyết định.
Điều đáng nói là việc đầu tư này vượt quá tỷ lệ mua sắm tài sản cố định; NH không kiểm tra, thẩm định giá tài sản theo quy định pháp luật. Nguyên thành viên HĐQT, Phó Tổng giám đốc NH Đại Tín, Ngô Kim Huệ khai là cháu của bị can Phấn, được Phấn nuôi ăn học, tạo việc làm nên đã thực hiện biên bản họp HĐQT về việc quyết định mua căn nhà trên. Thực chất, lúc NH Đại Tín mua căn nhà này, HĐQT không họp mà chỉ làm biên bản đưa cho từng thành viên HĐQT ký. Huệ thừa nhận làm hợp đồng mua giá này là theo chỉ đạo của bị can Phấn, giúp bà Phấn chiếm đoạt 1.105 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho NH Đại Tín!
Số liệu do NH Xây Dựng Việt Nam (CB) - đơn vị mua lại NH Đại Tín, cho biết từ tháng 5-2010 đến tháng 2-2012, Đại Tín đã giải ngân cho Công ty Đầu tư Phương Trang cùng 18 công ty và 22 cá nhân có quan hệ hợp tác tổng cộng 82 khoản vay và các khoản nhận nợ, phát hành trái phiếu với tổng số tiền trên sổ sách là 16.486 tỷ đồng. Thực tế có đúng như vậy?
Từ hồ sơ, chứng từ lưu trữ tại NH và qua lời khai 14 bị can là cán bộ, nhân viên NH Đại Tín, cho biết: NH này đang gặp khó khăn lớn về thanh khoản, tồn quỹ tiền mặt trung bình chỉ khoảng 20 tỷ đồng, không đủ tiền để giải ngân cho khách hàng. Trong tình thế này, bà Phấn đã chỉ đạo các phòng ban thu chi khống không dùng tiền mặt; thực hiện hạch toán khống trên hệ thống Smartbank; không chuyển tiền hoặc chuyển tiền không đủ cho Công ty Phương Trang, sau đó mới lấy chữ ký khách hàng để hoàn thiện thủ tục (chiêu thức chiếm đoạt tiền qua Công ty Phương Trang sẽ phân tích bài sau).
Với thủ đoạn nêu trên, chỉ trong 2 năm (2010-2012) bà Hứa Thị Phấn đã chỉ đạo NH Đại Tín lập chứng từ thu khống cho nhóm Phú Mỹ (của bà Phấn) 5.256 tỷ đồng.
Coi trời bằng vung
Hành vi làm trái quy định gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của bà Phấn diễn ra nghiêm trọng, bất chấp luật lệ, thể hiện thái độ coi trời bằng vung. Như thông qua 29 khoản vay của nhóm Phú Mỹ, chiếm đoạt 3.581 tỷ đồng; chỉ đạo NH Đại Tín đầu tư trái pháp luật 4 dự án bất động sản, sử dụng 1.037 tỷ đồng; nâng khống giá trị 25 bất động sản khác bán cho Đại Tín chiếm đoạt 1.024 tỷ đồng!
Đại Tín là một NHTM, phải hoạt động theo khuôn phép của Luật Các TCTD nhưng ở đây lại diễn ra việc kinh doanh trái phép tắc. Bị can Ngô Thị Ngân, nguyên thủ quỹ chính của Đại Tín - chi nhánh Sài Gòn và Lam Giang, là cháu bà Phấn, đã giữ vai trò đắc lực giúp sức bà Phấn chiếm đoạt tiền NH. Ngân ký 27 chứng từ thu khống 953,6 tỷ đồng; lập và ký 21 bảng kê thu khống 879,1 tỷ đồng để bị can Phấn sử dụng bất hợp pháp, làm Đại Tín thiệt hại số tiền lớn; trực tiếp ký khống 3 giấy nộp tiền 42 tỷ đồng với vai trò khách hàng đứng tên mua cổ phần NH Đại Tín, giúp bị can Phấn chiếm đoạt số tiền trên.
Bị can Phấn còn chịu trách nhiệm số tiền 208,4 tỷ đồng nằm trong khoản 4.554,2 tỷ đồng nhận tiền mặt từ NHNN. Số tiền này Ngân không đem về nộp vào kho quỹ NH theo lệnh điều chuyển vốn, mà tự ý đem đến phòng làm việc của bà Phấn tùy ý sử dụng mà không có chứng từ nào. Đến nay vẫn chưa chứng minh được số tiền này đi đâu, dùng vào việc gì!?
Bị cáo Hứa Thị Phấn là chủ mưu trong toàn bộ các hành vi tiêu cực tại NH Đại Tín. Riêng vụ căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, ngày 7-2-2012 bà Phấn mua của CTCP Địa ốc Lam Giang với giá 450 tỷ đồng; ngày 13-2-2012 bán lại cho NH Đại Tín với giá 1.260 tỷ đồng nhưng chỉ nộp thuế thu nhập cá nhân 25,2 tỷ đồng! Giám định thuế của Bộ Tài chính ngày 27-2-2015 kết luận: Số thuế thu nhập cá nhân bà Phấn kê khai nộp thuế căn nhà này sai lệch quá lớn, chỉ kê khai có 25,2 tỷ đồng trong khi đó qua giám định thuế là 202,4 tỷ đồng. Hành vi trên của bị can Phấn có dấu hiệu phạm tội trốn thuế.
Kết hợp với hành vi bán căn nhà này gây thiệt hại cho NH Đại Tín 1.105,5 tỷ đồng, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phấn về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Nói chung xuyên suốt qua quá trình điều tra vụ án này, điều nổi lên thấy rõ là bà Phấn vi phạm pháp luật nghiêm trọng, phải chịu trách nhiệm trước tòa. Bản án sẽ dành cho bà Phấn đến đâu sẽ được trả lời nhưng hậu quả để lại cả NH Đại Tín, NH Xây Dựng đều rất khó khắc phục. Các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trên là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng hoạt động của NH Đại Tín rất xấu.
Tính đến tháng 2-2012, tổng tài sản thực NH này chỉ còn 20.846 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu âm 2.854 tỷ đồng; lỗ lũy kế 6.061 tỷ đồng, gấp 2 lần vốn điều lệ.
Cũng cần hiểu rõ chân dung “người làm xiếc” này: Bà Hứa Thị Phấn sinh năm 1947, tại Đồng Tháp, chỗ ở hiện nay Thủ Đức, TPHCM. Tại bản án hình sự sơ thẩm ngày 29-9-2017, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã xử phạt bị can Hứa Thị Phấn 17 năm tù giam về tội “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các TCTD”. Sau đó, bị can Phấn kháng cáo, chờ xét phúc thẩm nên bản án chưa có hiệu lực pháp luật.
------------------------
Bài 2: Lừa dối khách hàng, quả đắng Phương Trang

Các tin khác