Hướng tới chân giá trị APEC

(ĐTTCO) - Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã chính thức kết thúc ngày 11-11. Một tuần sôi động với ngồn ngộn các cuộc họp của quan chức cấp cao, các nhà lãnh đạo.


Hướng tới chân giá trị APEC
Đồng thời với những phiên thảo luận của Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO APEC) - nơi có sự góp mặt của hơn 2.000 doanh nghiệp trong khu vực - kéo dài 3 ngày...
Kinh tế, vấn đề chính yếu của diễn đàn, trở nên nóng với hai bài phát biểu của hai nhà lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ nhất và thứ nhì thế giới vào ngày áp chót của tuần lễ cấp cao. Thông qua APEC, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trình bày hai quan điểm cạnh tranh và đối chọi về thương mại toàn cầu với các nhà lãnh đạo toàn khu vực. Các nhà lãnh đạo trong vùng kinh tế năng động nhất thế giới, tạo ra hơn 60% của cải thế giới, chờ Tổng thống Donald Trump làm sáng tỏ nhãn quan một vùng châu Á-Thái Bình Dương tự do và rộng mở trong chủ trương“Hoa Kỳ trước hết”.
Và quan điểm này đã một lần nữa được ông Donald Trump tái khẳng định tại APEC: Hoa Kỳ không muốn tham gia các hiệp định đa phương nữa; sẵn sàng đối thoại, thỏa thuận song phương với các đối tác.
Trong khi Hoa Kỳ co cụm trong chủ thuyết “kinh tế quốc gia chủ nghĩa” thì Trung Quốc tiến lên một bước với hàng loạt đề án hợp tác trong vùng. Đối đầu với “Hoa Kỳ trước hết”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố tự do thương mại là xu thế lịch sử không thể đảo ngược và đồng thời thông báo Bắc Kinh nới rộng thị trường đón tiếp doanh nghiệp thế giới. Ông Tập Cận Bình ủng hộ mậu dịch tự do, giúp các nước đang phát triển hưởng được lợi nhuận thương mại và đầu tư.
Trên thực tế, quan điểm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được thấy ở gần như tất cả phiên thảo luận của CEO APEC. Những diễn giả tại CEO APEC từ Thủ tướng Australia Malcom Turnbull, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương Victoria Kwakwa, Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới Philipp Roesler... đều cho rằng quá trình toàn cầu hóa đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của các nền kinh tế trong khu vực, giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo.
Nhiều thí dụ sinh động về thành tựu của tự do hóa thương mại được các diễn giả đưa ra, trong đó nhiều ý kiến thống nhất Việt Nam là một nền kinh tế điển hình trong khu vực cất cánh nhờ tiến trình toàn cầu hóa. 2 nước chủ nhà của APEC 2018 và 2020 lần lượt là Papua New Guinea và Malaysia, tại CEO APEC 2017, cũng khẳng định tiếp tục theo đuổi Mục tiêu Bogor (tự do hóa thương mại và đầu tư là yếu tố cốt lõi).
Trong phiên đối thoại có tên “Tương lai toàn cầu hóa” vào ngày 8-11, các diễn giả đều khẳng định tự do hóa thương mại, toàn cầu hóa sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. Vấn đề hiện nay APEC cần quan tâm là giải quyết các thách thức của toàn cầu hóa, xuất phát từ những sự thay đổi mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, biến đổi khí hậu...
Một điểm nhấn nữa được các diễn giả, quan chức cấp cao và lãnh đạo các nền kinh tế APEC đề cập đến rất nhiều trong hội nghị lần này là phát triển bao trùm. Mục đích cuối cùng của phát triển kinh tế chính là để chất lượng cuộc sống của người dân trên toàn cầu tốt hơn, để những nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương không bị bỏ lại bởi quá trình toàn cầu hóa.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra là điều không thể đảo ngược, mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng đầy thách thức. Trong phiên thảo luận về xây dựng kết nối và cộng đồng trong một thế giới phụ thuộc vào công nghệ ngày 10-11, khi được hỏi cần làm gì để công nghệ tạo ra việc làm cho tương lai, Giám đốc vận hành của Facebook Sheryl Sandberg, đã lấy thí dụ về một công ty ở Singapore giúp những người tàn tật có công ăn việc làm, với khởi đầu từ các thành viên quen biết nhau qua mạng xã hội Facebook.
Bà Sander cho rằng mỗi công việc mất đi bởi công nghệ có 4 công việc khác được tạo ra. Điều cần làm hiện nay là phải trang bị cho người lao động những kỹ năng phù hợp với thời đại số, để họ có thể đáp ứng được những yêu cầu các công việc liên quan đến công nghệ. Công việc giản đơn trong tương lai sẽ không còn chỗ đứng khi bị máy móc thay thế, vì vậy đào tạo, giáo dục lại cho người lao động sẽ là chìa khóa giúp họ làm chủ được các công việc sử dụng công nghệ cao.
Theo bà Victoria Kwakwa, để thực hiện được mục tiêu trên cần phải có sự chung tay của chính phủ các nước cũng như các tập đoàn, công ty trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói riêng và thế giới nói chung. Về phía chính phủ, đó là các chính sách thuận lợi cho phát triển bao trùm như đầu tư nhiều hơn cho giáo dục đào tạo, tạo ra các nền tảng cơ bản tốt để người dân có thể tiếp cận công nghệ thuận lợi... Còn về phía doanh nghiệp, đó là tạo điều kiện cho người lao động được học tập, đào tạo lại như một số công ty hiện nay đã làm khi cho người lao động được nghỉ làm nửa ngày để đi học...
Đúng như lời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC ngày 11-11: “APEC phải khẳng định và phát huy vai trò tiên phong trong việc tìm kiếm các động lực mới cho tăng trưởng, thương mại, đầu tư, kết nối, cũng như cách thức để người dân được thụ hưởng đồng đều từ quá trình toàn cầu hóa và liên kết kinh tế. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đóng góp vào tạo dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng”. Phát triển kinh tế phải đi cùng với nâng cao cuộc sống con người mới thực sự là chân giá trị các nền kinh tế thành viên APEC cần hướng tới.

Các tin khác