Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, khẳng định VIPC 2025 là cơ hội để Việt Nam khẳng định chiến lược quốc gia phát triển theo Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chủ đạo của tăng trưởng kinh tế.
Để hiện thực hóa các tiềm năng về kinh tế số, Chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Theo đó, Phó Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng, cơ hội tại thị trường Việt Nam hãy “hành động nhanh chóng, quyết liệt hơn” để biến tiềm năng, cơ hội tại thị trường Việt Nam, biến những cam kết thành giá trị.

Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục có những cơ chế, chính sách khuyến khích, nhằm thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thông tin tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm, cho biết Việt Nam được ghi nhận là điểm sáng về đổi mới sáng tạo, thuộc nhóm 15 quốc gia hấp dẫn FDI nhất toàn cầu; chỉ số đổi mới sáng tạo liên tục tăng và được xếp hạng 44/132 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Thời gian qua, Việt Nam hợp tác, thu hút được các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đầu tư, kinh doanh và chuyển giao công nghệ như: NVIDIA, Marvell, Google, Meta, Cadence, Qualcomm, Siemen...

“Diễn đàn được tổ chức là sự kiện nhằm tiếp tục khẳng định vai trò là kênh kết nối chính sách giữa Nhà nước và khu vực tư nhân, hướng tới thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư cho các lĩnh vực công nghệ chiến lược. Không chỉ là một sự kiện mang tính kết nối, VIPC 2025 đã góp phần định vị Việt Nam là điểm đến đầy tiềm năng của dòng vốn đổi mới sáng tạo trong khu vực Đông Nam Á”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Vinnie Lauria, Hội đồng quản trị của VPCA, cho biết trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu suy giảm, các quỹ ngoại vẫn đầu tư khoảng 2,3 tỷ USD vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong năm 2024. Đồng thời, tin tưởng sự kiện sẽ thu hút dòng vốn toàn cầu vào thời điểm Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển then chốt, trở thành “điểm hẹn chiến lược”, nơi niềm tin gặp gỡ của các nguồn vốn đầu tư.
VIPC 2025 quy tụ hơn 1.000 đại biểu và hơn 200 nhà đầu tư đến từ châu Á và châu Âu. Diễn đàn có các phiên thảo luận về các ngành trọng tâm, đồng thời công bố chính sách và tầm nhìn của Việt Nam tới nhà đầu tư quốc tế, chia sẻ về cơ hội thoái vốn, cơ hội phát triển xuyên biên giới trong các lĩnh vực fintech, AI và deep tech.
Cũng tại sự kiện, NIC và VPCA đã ký loạt biên bản ghi nhớ song phương với 3 hiệp hội đầu tư hàng đầu châu Á, bao gồm: Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc; Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm tư nhân Singapore và Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm tư nhân Hồng Kông (Trung Quốc).
Hiện 3 tổ chức này đang quản lý tổng tài sản lên tới 5.000 tỷ USD.