Đầu vào thấp, đầu ra cao
Theo công bố của Vietcombank, 6 tháng đầu năm 2021, dư nợ tín dụng đạt trên 920.000 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, huy động vốn trên thị trường 1 đạt trên 1 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 1,8% so với năm 2020. Tại VietinBank, tốc độ tăng trưởng dư nợ trong 6 tháng đầu năm 2021 cải thiện đáng kể so cùng kỳ năm 2020, ước đạt 1,06 triệu tỷ đồng, tăng 4,8% so với cuối năm 2020. Còn tổng nguồn vốn huy động ước đạt 1,2 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 3,4% so với năm 2020.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng tăng cao hơn tăng trưởng huy động cũng là tình hình chung của hệ thống NHTM trong nửa đầu năm nay. Tính đến ngày 30-6-2021, tổng dư nợ tín dụng của các TCTD trên địa bàn TPHCM ước đạt gần 2,69 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 6% so với cuối năm 2020. Mức tăng trưởng này cao gần gấp đôi so với mức tăng 3,07% của 6 tháng đầu năm 2020. Trước đó vào cuối tháng 4-2021, tín dụng cũng chỉ mới tăng 3,64%.
Đại diện NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, tín dụng trên địa bàn thành phố đã duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực, ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong đó, dư nợ tín dụng bằng VNĐ ước đạt gần 2,5 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 93% và tăng 5,7% so với cuối năm 2020; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ ước đạt 188.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 7% và tăng 9,8% so với cuối năm 2020. Về kỳ hạn, dư nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng 45,9% trong tổng dư nợ tín dụng và tăng 4,66% so với cuối năm 2020; còn dư nợ trung, dài hạn tăng tới 7,19%.
Tuy nhiên, huy động vốn đầu vào lại tăng rất chậm. Tốc độ tăng trưởng huy động vốn của các NH trên địa bàn trong 6 tháng đầu năm tương đương với cùng kỳ năm trước, ước khoảng 3,5% so với cuối năm 2020, đạt 3,01 triệu tỷ đồng. Trong đó, huy động ngoại tệ sụt giảm 5,6% so với cuối năm 2020, ước đạt 345.000 tỷ đồng (chiếm 11,5% tổng huy động). Huy động bằng VNĐ tăng lên 4,8%, ước đạt 2,665 triệu tỷ đồng.
Tính chung cả nước, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 21-6 đạt 5,47% so với cuối năm 2020. Con số này cao gấp đôi mức tăng trưởng 2,45% của cùng kỳ năm trước. Trong khi huy động vốn đầu vào của các TCTD chỉ tăng 3,13%, cùng thời điểm năm 2020 mức tăng là 4,35%.
NH chuyển hướng huy động
6 tháng đầu năm nay, tiền nhàn rỗi chảy mạnh sang kênh chứng khoán, với kỳ vọng kiếm được lợi nhuận nhiều hơn trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 kéo dài, người dân và DN gặp nhiều khó khăn, tiền gửi tiết kiệm cũng ít hơn. Các yếu tố này ảnh hưởng đến đầu vào của NHTM. Huy động tăng chậm nhưng tín dụng tăng nhanh, vậy nguồn vốn để cho vay của NHTM đến từ đâu?
Một chuyên gia tài chính cho rằng, bên cạnh huy động vốn từ thị trường 1, đầu vào của NHTM được hỗ trợ từ tiền nhàn rỗi của Kho bạc Nhà Nước. Tính tới cuối tháng 5, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước ở hệ thống các NHTM đã tăng lên mức 63.000 tỷ đồng, cao hơn so với trước đây. Năm 2020, các NH cũng đã tăng vốn thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, bổ sung thêm nguồn lực cho hoạt động kinh doanh. Và một nguồn quan trọng nữa đến từ hoạt động huy động trái phiếu ồ ạt trong các tháng qua.
Thông tin về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) 6 tháng đầu năm 2021, Vụ Tài chính NH (Bộ Tài chính) cho biết, thị trường TPDN duy trì đà tăng trưởng và có một số kết quả tích cực. Khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ đạt 168.702 tỷ đồng, khối lượng phát hành ra công chúng là 15.375 tỷ đồng.
Trong đó, TCTD là nhà phát hành lớn nhất, chiếm 40,2% tổng khối lượng phát hành; khối lượng trái phiếu của DN bất động sản giảm 55,5% so với cùng kỳ năm 2020, chỉ chiếm 13,2% tổng khối lượng phát hành. Cụ thể hơn, Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, nhóm các NHTM dẫn đầu trên thị trường TPDN trong 6 tháng đầu năm với tổng giá trị phát hành đạt 68.113 tỷ đồng.
Ghi nhận từ các NHTM cho thấy, phát hành giấy tờ có giá cũng là một mục tiêu lớn trong năm nay. Đơn cử, HDBank có kế hoạch phát hành 11.500 tỷ đồng trái phiếu năm 2021, VIB cũng dự kiến phát hành 25.000 tỷ đồng giấy tờ có giá trong năm nay. Sở dĩ kênh này được đẩy mạnh là vì phát hành trái phiếu có nhiều lợi ích hơn so với huy động vốn từ thị trường 1, như có thể bổ sung cho vốn cấp 2, tăng tỷ trọng nguồn vốn trung, dài hạn và cải thiện hệ số an toàn vốn CAR.
Theo nhiều dự báo, lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 40% hiện tại xuống mức 30% vào năm 2023 quy định tại Thông tư 08/2020 của NHNN, sẽ tiếp tục là cú hích thúc đẩy các NHTM phát hành trái phiếu trong thời gian tới. Vì trên thị trường 1, các NH dù đang điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhưng mức tăng cũng không thể quá cao trước yêu cầu giảm lãi suất cho vay của nền kinh tế. Nếu chỉ trông chờ vào tiền gửi của khách hàng (chủ yếu là vốn ngắn hạn), NH dễ dẫn tới tình trạng mất thanh khoản.
Việc NHTM có thể chuyển đổi kênh huy động để tạo ra nguồn lực vững mạnh để hỗ trợ nền kinh tế như vậy lẽ ra là một điều đáng mừng. Song đằng sau các đợt phát hành TPDN mang lại nguồn vốn trung và dài hạn khối lượng lớn cho các NHTM lại đang có những điểm cần quan tâm. Cụ thể là trái phiếu do NHTM phát hành tuy có lãi suất thấp hơn phân nửa so với lãi suất huy động cùng kỳ hạn đều được hấp thụ toàn bộ. Nhưng tại nhiều NH, bên mua toàn bộ các lô trái phiếu được phát hành là các công ty chứng khoán.
Trong đó, có một số trường hợp TCTD phát hành và công ty chứng khoán mua trái phiếu có liên hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với nhau. Diễn biến này đặt ra nghi vấn về việc ủy thác vốn để đầu tư chéo trái phiếu lẫn nhau giữa TCTD và công ty chứng khoán để làm tăng nguồn vốn trung và dài hạn, nhằm đối phó với quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn khi mà huy động vốn dài hạn trên thị trường 1 vẫn còn khó khăn.