Trong khi các dự án còn lại trong quy hoạch mạng lưới 8 dự án thậm chí chưa đến bước khởi động.
Nhà thầu ngoại dừng thi công
Giữa tháng 9, sau rất nhiều chờ đợi vì khó khăn do đại dịch Covid-19, đoàn tàu cuối cùng trong tổng số 10 đoàn tàu đóng tại Pháp đã cập cảng Hải Phòng và được chở về depot dự án tại Nhổn.
Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị (MRB) Hà Nội cho biết đang chạy thử nghiệm liên động hệ thống các đoàn tàu. Dù vậy, tiến độ các phần hạ tầng trên cao và ngầm của dự án khó lòng đáp ứng tiến độ đề ra.
Báo cáo HĐND TP.Hà Nội tại kỳ họp cuối tuần trước, UBND TP.Hà Nội cho biết đoạn ga ngầm S11 thuộc dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội vẫn vướng mặt bằng (nhà 23 Quốc Tử Giám, Q.Đống Đa) và các hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến hầm chưa được di dời do khung chính sách đền bù chưa được phê duyệt.
Với lý do chưa có mặt bằng theo hợp đồng, liên danh nhà thầu là Hyundai ((Hàn Quốc)) - Ghella (Ý) đã tạm dừng thi công trên toàn bộ gói thầu ga ngầm từ tháng 7.2021 tới nay.
Đáng chú ý, đây không phải lần đầu tiên gói thầu thi công hầm và ga ngầm bị ảnh hưởng tiến độ do chậm bàn giao mặt bằng. Tháng 4.2019, liên danh nhà thầu này đã đòi bồi thường tới 81 triệu USD do chủ đầu tư là UBND TP.Hà Nội chậm bàn giao mặt bằng tại gói CP3 (gồm 4 ga ngầm: S9, S10, S11, S12) đi ngầm từ công viên Thủ Lệ về ga Hà Nội.
Theo kế hoạch, nhà thầu phải được bàn giao mặt bằng từ năm 2017, chậm nhất tới 30.9.2018. Nhưng đến hết quý 1/2019, liên danh nhà thầu mới nhận được mặt bằng ga S9, một phần ga S10, hai ga S11 và S12 chưa bàn giao mặt bằng.
Dự án Nhổn - ga Hà Nội khởi công tháng 9.2010, dự kiến hoàn thành vào tháng 9.2016, tổng mức đầu tư ban đầu 783 triệu euro, trong đó 80% vốn vay ODA Pháp, Ngân hàng ADB và 20% vốn đối ứng của VN.
Dự án sau đó được lùi tiến độ hoàn thành tới tháng 9.2017, tổng mức đầu tư cũng được điều chỉnh tăng thêm gần 400 triệu USD, lên 1,176 tỉ euro. Tuy nhiên, tới đầu năm 2017, UBND TP.Hà Nội báo cáo lùi tiến độ dự án đến sau năm 2021.
Năm 2018, Chính phủ đã chấp thuận cho dự án hoàn thành vào 2 mốc thời gian năm 2020 với đoạn trên cao Nhổn - Công viên Thủ Lệ, năm 2022 với đoạn đi ngầm Công viên Thủ Lệ - ga Hà Nội.
Cuối năm 2019, dự án được điều chỉnh tiến độ khai thác đoạn trên cao vào tháng 4.2021 và toàn tuyến vào tháng 12.2022. Mốc này sau đó tiếp tục bị lùi tới cuối năm 2021 sẽ hoàn thành khai thác đoạn trên cao.
Tuy nhiên, khi chỉ còn 3 tháng nữa là hết năm 2021, theo thông báo mới nhất từ MRB Hà Nội, mục tiêu khai thác đoạn trên cao cuối năm nay là không khả thi. Tính đến tháng 8 vừa qua, tiến độ tổng thể của dự án đạt 74%, trong đó tiến độ triển khai đoạn trên cao từ khu depot tới ga S8 (Q.Cầu Giấy) đạt 89,4%.
Một số gói thầu như hệ thống thẻ vé, lắp đặt thiết bị tại Trung tâm điều hành OCC, đào tạo nhân sự đều đang chậm tiến độ. Với việc ngưng trệ thi công các đoạn ga ngầm hiện nay, nguy cơ dự án vỡ tiến độ tổng thể cuối năm 2022 là rất lớn.
Theo Phó trưởng ban MRB Lê Trung Hiếu, diễn biến của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động của dự án, làm gián đoạn quá trình triển khai thi công. Ngoài mặt bằng, ngầm hạ tầng điện nước cũng đang vướng.
Dù các đơn vị đang đẩy nhanh thi công các gói thầu trong điều kiện vừa làm vừa chống dịch, nhưng khả năng dự án sẽ không đạt được mốc tiến độ khai thác, vận hành đoạn trên cao vào cuối năm 2021.
Những dự án nhiều năm vẫn... bất động
Các dự án đường sắt đô thị đều đang chịu tiếng xấu về trễ tiến độ, đội vốn. Càng kéo dài càng tốn kém, lãng phí. Những vấn đề có thể giải quyết sớm như mặt bằng thì các địa phương không nên để chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ dự án, vì càng kéo dài thì không chỉ lãi vay mà có nguy cơ phải đền bù chi phí cho tư vấn, nhà thầu do kéo dài thời gian hợp đồng. TS Nguyễn Xuân Thủy |
Theo quy hoạch đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 318 km để kết nối xuyên tâm TP. Song cả 2 dự án đã triển khai là Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội đều đã có thời gian thi công dài ít nhất 10 - 12 năm. Với 8 năm còn lại của quy hoạch, khả năng Hà Nội có một mạng lưới đường sắt đô thị đồng bộ gần như không tưởng.
Cụ thể, dự án đường sắt đô thị số 2 đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, tháng 4.2021, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản tạm dừng việc giao cho Tập đoàn Vingroup chuẩn bị đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BT, do hình thức hợp đồng BT không còn được áp dụng theo quy định.
Trong khi đó, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sau 15 năm khởi động (phê duyệt năm 2008), tới nay vẫn gần như bất động, ngoại trừ một số hạng mục nhỏ đã được giải phóng mặt bằng. Một dự án khác là tuyến số 5 Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc vẫn đang trong bước chuẩn bị đầu tư.
Đây cũng là một dự án vốn “khủng”, vì theo đề xuất của Hà Nội vào tháng 9.2020, tổng mức đầu tư ước khoảng 65.400 tỉ đồng, nhưng thực hiện đầu tư một lần mà không phân kỳ.
Dự án có thể về đích duy nhất hiện nay là Cát Linh - Hà Đông, dù đã được tư vấn đánh giá an toàn hệ thống ACT cấp chứng nhận (ngày 5.5), song vẫn đang phải chờ cái gật đầu từ phía Hội đồng kiểm tra nhà nước các công trình xây dựng mới có thể hoàn tất thủ tục bàn giao dự án để khai thác thương mại.
Đáng chú ý, do hợp đồng EPC kéo dài không hoàn thành đúng tiến độ, đã làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát thêm 7,8 triệu USD, song phía nhà tài trợ Trung Quốc không đồng ý bổ sung vào Hiệp định vay vốn.