Trong đó, tại huyện Nhà Bè, người dân địa phương phản ánh khá bức xúc về tình trạng thi công ì ạch cầu Long Kiểng, khiến giao thông qua lại trên tuyến đường huyết mạch Lê Văn Lương nối giữa Long An và TPHCM càng thêm khó khăn.
Thi công cầm chừng
Những ngày cuối tháng 7-2020, chúng tôi đến công trường xây dựng cầu Long Kiểng mới bắc qua sông Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TPHCM). Quan sát khắp công trường nhưng chúng tôi không thấy bóng dáng lực lượng thi công, ngổn ngang những vật liệu xây dựng, có cái đã gỉ sét; văn phòng làm việc đặt trên công trường cũng trong tình trạng “cửa đóng then cài”.
Theo phản ánh của người dân địa phương, do là tuyến đường ngắn nhất nối giữa 2 xã trọng điểm của huyện Nhà Bè là Nhơn Đức và Phước Kiển, xung quanh là khu dân cư, trường học, các chợ dân sinh, nên hàng ngày cây cầu sắt Long Kiểng cũ kỹ vẫn phải gánh hàng ngàn lượt ô tô và xe máy qua lại.
Bên cạnh cầu Long Kiểng đang xây dựng với những trụ cầu dở dang, chúng tôi chạy xe trên cây cầu sắt tạm mà tim như muốn rớt ra ngoài vì sợ lộn nhào xuống sông, những tấm sắt trên cầu va vào nhau kêu rầm rầm. Mặt cầu rất hẹp, người và phương tiện lưu thông dày đặc nên chỉ cần một ô tô cỡ nhỏ chạy qua là cả đoàn xe máy phía sau bị ùn lại, thậm chí có thể gây nguy cơ sập cầu bất kể lúc nào.
Ông Lê Văn Thân, người dân ở ấp 1, xã Phước Kiển cho hay: “Dù đã thi công cây cầu mới được một thời gian nhất định, đến nay chính quyền địa phương vẫn chưa đưa ra phương án đền bù thỏa đáng cho người dân. Chúng tôi rất mong công trường hoạt động trở lại, cây cầu sớm hoàn thành để việc đi lại của người dân huyện Nhà Bè nói riêng và người dân TPHCM, Long An nói chung được thuận tiện, an toàn, tránh cảnh kẹt xe diễn ra dai dẳng như hiện nay”.
Vướng đền bù giải tỏa
Dự án xây dựng cầu Long Kiểng mới được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2001. Nhưng do thành phố chưa bố trí được nguồn vốn và vướng mắc bồi thường giải phóng mặt bằng nên dự án “giậm chân tại chỗ”. Tới năm 2007 và 2017, UBND TP có 2 quyết định (Quyết định số 4126/QĐ-UBND ngày 13-9-2007 và Quyết định số 301/QĐ-UBND ngày 20-1-2017) điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng cầu Long Kiểng.
Theo phê duyệt điều chỉnh năm 2017, cầu Long Kiểng có chiều dài 318m, rộng 15m, được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách thành phố với trị giá 557 tỷ đồng, trong đó kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 150 tỷ đồng. Trong lúc dự án chưa được triển khai thì đầu năm 2018, một tài xế xe tải chở đá nặng khoảng 15 tấn, chạy lên cầu Long Kiểng cũ (chỉ cho phép xe dưới 3,5 tấn lưu thông), khiến một nhịp trên khoang thông thuyền bị sập hoàn toàn.
Tháng 8-2018, Sở GTVT mới gấp rút khởi công xây dựng cầu Long Kiểng mới và dự kiến hoàn thành vào tháng 11-2019. Ấy vậy mà, sau khi xây được 7 trụ cầu, thì nay công trường ngừng thi công vì vướng mặt bằng 2 đầu cầu.
Tại buổi làm việc với HĐND TPHCM vào cuối tháng 5 vừa qua, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, thông tin, dự án xây dựng cầu Long Kiểng có tổng cộng 138 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó đã bồi thường giai đoạn 1 cho 25 hộ, còn giai đoạn 2 với 113 hộ vẫn đang được địa phương triển khai. Khó khăn của địa phương là không có sẵn quỹ nền đất tái định cư cho các hộ dân vùng dự án.
Trong khi đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (chủ đầu tư) lý giải, do mặt bằng bàn giao chậm nên tiến độ thi công cũng chậm theo. Hiện nay, tiến độ bồi thường chậm trễ và còn kéo dài nên chủ đầu tư không thể xác định lúc nào cầu Long Kiểng mới hoàn thành.
Phát triển hạ tầng, kết nối giao thông đô thị là yếu tố cơ bản để TPHCM phát triển kinh tế - xã hội. Là công trình giao thông trọng điểm, cầu Long Kiểng mới được kỳ vọng giúp gia tăng kết nối liên vùng cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội cho toàn khu vực. Với tính chất quan trọng như vậy, chính quyền địa phương cần đeo bám và phối hợp chặt chẽ với các bên có liên quan, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư thỏa đáng cho người dân vùng dự án. Đồng thời, có kế hoạch tuyên truyền, vận động hỗ trợ bàn giao để cầu Long Kiểng mới nhanh chóng “về đích”.