Trước ngày IPO, doanh nghiệp này đã có những động thái nhằm mang đến những hình ảnh khả quan nhất về doanh nghiệp, nhưng xem ra, khả năng thành công của đợt IPO và tìm kiếm NĐT chiến lược không hề đơn giản nếu dựa trên các tiêu chí mà doanh nghiệp đưa ra.
Thế mạnh KCN
IDICO sẽ thực hiện niêm yết trên HOSE trong thời hạn 90 ngày sau khi IPO. Đặt kế hoạch trong 3 năm tới, IDICO dự kiến tốc độ tăng trưởng trung bình về cả doanh thu và lợi nhuận là 15%/năm. |
Trong các lĩnh vực kinh doanh kể trên, hoạt động phát triển KCN được đánh giá là thế mạnh lớn nhất của IDICO. Theo đánh giá, IDICO hiện là 1 trong 5 nhà phát triển KCN hàng đầu Việt Nam với khoảng 13 dự án KCN được đầu tư phát triển (tổng diện tích trên 5.000ha, tổng mức đầu tư trên 13.000 tỷ đồng). Và lẽ dĩ nhiên, thế mạnh về phát triển KCN được IDICO mang ra giới thiệu tại buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp vừa được tổ chức tại TPHCM mới đây.
Theo IDICO, những KCN mà doanh nghiệp đầu tư phát triển đều nằm trên địa bàn các tỉnh kinh tế trọng điểm của cả nước như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Thuận, Hà Nội, Thái Bình… Có thể kể đến KCN Mỹ Xuân A (302ha), Mỹ Xuân B1 (227ha), Phú Mỹ II (621ha), Phú Mỹ II mở rộng (403ha) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đây là các KCN có điều kiện thuận lợi về hạ tầng cấp điện, đặc biệt là nguồn khí hóa lỏng, gần cảng quốc tế nên rất thuận lợi về giao thông đường biển, phù hợp với các dự án phát triển công nghiệp nặng. Tại địa bàn các tỉnh phía Bắc, IDICO cũng ghi nhận thành công ở các dự án KCN như Quế Võ - Bắc Ninh (269ha), Kim Hoa - Vĩnh Phúc (50ha), Cầu Nghìn - Thái Bình (184ha). Các KCN này đều nằm trong tứ giác phát triển kinh tế phía Bắc, sát các trục quốc lộ nên rất thuận lợi về giao thông cũng như việc xuất nhập khẩu hàng hóa trong các KCN.
Những gam màu tối
Những gam màu tối
Tuy nhiên, có những dự án mà lãnh đạo IDICO không muốn nhắc tới tại buổi roadshow này, bởi không phải tất cả những dự án KCN mà IDICO tham gia đều dẫn đến thành công. Đơn cử như dự án KCN Sơn Mỹ 1 (Bình Thuận). Dự án có quy mô lên đến 1.070ha, tổng vốn đầu tư trên 2.295 tỷ đồng và bắt đầu triển khai từ năm 2010. Đến nay, IDICO đã phải ngừng triển khai dự án do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và thu hút đầu tư. Một dự án khác là KCN Thế Kỷ (120ha) được triển khai từ năm 2015 với tổng vốn đầu tư 578 tỷ đồng, đã bị UBND tỉnh Long An ra quyết định thu hồi.
Buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào IDICO.
Thực tế này cho thấy, lĩnh vực đầu tư phát triển KCN dù là thế mạnh của IDICO nhưng không đơn giản là chỉ đầu tư là thắng. Ngoài 2 dự án trên, IDICO còn gặp khó khăn tại các dự án KCN chiến lược sắp tới là Cầu Nghìn - Thái Bình (184ha) và Hựu Thạnh - Long An (524ha).
Cả 2 dự án đều trong tình trạng chậm triển khai xây dựng do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Trong khi đó, các KCN đã hoàn thiện cũng gặp không ít khó khăn khi cho thuê. Theo thống kê, hiện còn hơn 900ha diện tích KCN của IDICO chưa lấp đầy, trong đó Quế Võ II (giai đoạn 1) mới lấy đầy 24%, KCN Phú Mỹ II (mở rộng) lấp đầy chỉ 15%.
Trong giai đoạn từ năm 2008-2015, IDICO đã thực hiện đầu tư xây dựng và hoàn thành hàng loạt dự án giao thông theo hình thức BOT. Theo thống kê, tập đoàn này hiện đang đầu tư 12.262 tỷ đồng cho 7 dự án hạ tầng giao thông.
Theo IDICO, BOT là lĩnh vực kinh doanh dù lợi nhuận không cao, nhưng gần như không có rủi ro trong việc thu hồi vốn. Khẳng định này chắc chắn không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay khi hình thức đầu tư này đang trong giai đoạn hết sức nhạy cảm sau hàng loạt sự cố có liên quan.
Khó thu hút NĐT
Khó thu hút NĐT
Hiện tổng giá trị vốn nhà nước ở IDICO sau khi định giá lại là 2.563 tỷ đồng, tương đương 256,3 triệu cổ phần. Theo phương án cổ phần hóa, IDICO sẽ phát hành thêm 46,7 triệu cổ phần mới, nhằm đưa vốn điều lệ sau cổ phần hóa lên 3.000 tỷ đồng, tương đương 300 triệu cổ phần.
Trong đợt IPO sắp tới, IDICO đấu giá 55,3 triệu cổ phần (tương đương 18,44% vốn điều lệ) giá khởi điểm là 18.000 đồng/cổ phần. Sau khi IPO, Nhà nước sẽ bán tiếp 45% vốn cho NĐT chiến lược (tương ứng 135 triệu cổ phần) với mức giá không thấp hơn giá IPO thành công bình quân. Như vậy, nếu IPO và bán vốn cho NĐT chiến lược thành công tại mức giá 18.000 đồng/CP thì IDICO sẽ giữ lại được 704 tỷ đồng cho kế hoạch đầu tư và phát triển trong thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Văn Đạt, Tổng giám đốc IDICO, hiện có 12 NĐT muốn trở thành cổ đông chiến lược và doanh nghiệp đã nhận cọc của 3 NĐT. Tuy nhiên, IDICO vẫn đang trong quá trình đàm phán nên chưa thể công bố danh sách cụ thể. Nhiều NĐT cho rằng, có thể đây chỉ là “đòn gió” của doanh nghiệp nhằm thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong đợt IPO sắp tới. Trên thực tế, khó lòng tìm được NĐT chấp nhận bỏ số tiền lớn vào doanh nghiệp chưa niêm yết để nhận lại cổ tức 4%/năm. Đó là chưa nói đến những tiêu chí hết sức khắt khe mà tập đoàn này đưa ra trong việc lựa chọn NĐT.
Theo đó, NĐT chiến lược phải có thời gian hoạt động liên tục tối thiểu 5 năm tính đến hết năm 2016. Báo cáo tài chính 3 năm gần nhất (2014-2016) đảm bảo đủ khả năng tài chính để mua tối thiểu 15% vốn điều lệ. Chưa hết, tổng tài sản tối thiểu phải đạt 2.500 tỷ đồng, hoặc 115 triệu USD đối với NĐTNN tính đến cuối năm 2016.
Cùng với đó, vốn chủ sở hữu hợp pháp tối thiểu 1.500 tỷ đồng hoặc 68 triệu USD đối với NĐTNN. Về tiêu chí về hoạt động, NĐT chiến lược phải có lợi nhuận tối thiểu bằng 5% doanh thu trong 3 năm gần nhất trước thời điểm đăng ký. Tình hình tài chính tại thời điểm nộp hồ sơ không có nợ quá hạn và lỗ lũy kế, không nợ xấu, doanh nghiệp không vi phạm pháp luật. Đặc biệt, NĐT chiến lược phải có cam kết không chuyển nhượng số cổ phần đã mua trong thời gian tối thiểu 10 năm.