Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch thu thuế giá trị gia tăng (VAT) từ các công ty kỹ thuật số nước ngoài như Google, Facebook, Amazon, Twitter, Netflix… vốn không có trụ sở ở nước này song lại đang có doanh thu từ người tiêu dùng Indonesia.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết nội dung trên sẽ được lồng ghép trong Dự luật gồm nhiều mục về thuế (omnibus) nhằm cung cấp các cơ sở pháp lý mạnh mẽ hơn cho Chính phủ Indonesia để đánh thuế các công ty hoạt động dựa trên nền tảng kỹ thuật số.
Theo Dự luật mới này, đối với hiện tượng được gọi là “nền kinh tế kỹ thuật số xuyên biên giới”, định nghĩa về một “cơ sở thường trú” sẽ không còn dựa trên sự “hiện diện vật lý”. Nói một cách đơn giản, ngay cả khi không mở bất kỳ văn phòng nào ở Indonesia thì các công ty nói trên vẫn có nghĩa vụ trả thuế do có những tác động quan trọng đối với nền kinh tế nước này.
Hơn nữa, các công ty hoạt động dựa trên nền tảng kỹ thuật số sẽ được xem là “đối tượng chịu thuế nước ngoài”. Điều này buộc họ phải thu thuế VAT từ các hoạt động kinh tế được thực hiện ở Indonesia và nộp lại cho cơ quan thuế nước sở tại.
Được sửa đổi lần cuối vào năm 2000, Luật thuế hiện hành của Indonesia quy định chỉ các công ty có trụ sở tại Indonesia mới phải nộp thuế. Điều này khiến nhiều công ty kỹ thuật số nước ngoài không phải nộp thuế VAT khi cung cấp dịch vụ trực tuyến cho khách hàng tại Indonesia như đối với các đối tác địa phương. Với việc sửa đổi Luật thuế, Indonesia đang theo chân Singapore và Australia - hai quốc gia vừa triển khai cái gọi là "Luật Netflix". Trong khi đó, các chính phủ trên khắp thế giới cũng đang cố gắng tìm cách thu thuế từ những dịch vụ truyền thông trực tuyến hàng đầu và các công ty tương tự.
Chính phủ Indonesia cũng sẽ sửa đổi cách thức thu thuế đối với những người nước ngoài sinh sống tại Indonesia cũng như người Indonesia sinh sống ở nước ngoài. Theo đó, người Indonesia sinh sống hơn 183 ngày, hoặc 6 tháng ở nước ngoài sẽ không phải trả thuế thu nhập đối với các nguồn thu ở ngoại quốc.
Theo Bộ trưởng Indrawati, bất cứ ai nhận được cổ tức từ nước ngoài sẽ không phải trả thuế cho cơ quan thuế Indonesia. Những người này sẽ trở thành đối tượng chịu thuế của nước ngoài. Ngược lại, người nước ngoài cư trú hơn 6 tháng tại Indonesia sẽ phải trả thuế thu nhập đối với các nguồn thu được tạo ra ở nước này.
Cũng theo Bộ trưởng Indrawati, Chính phủ Indonesia cũng đang tìm cách cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 25% hiện nay xuống 22% vào năm 2021 và 20% vào năm 2023. Điều này sẽ giúp Indonesia tránh một cú sốc về giảm doanh thu thuế. Hiện dự luật về thuế nói trên vẫn đang được chính phủ bàn bạc trước khi trình lên Quốc hội.
Dự luật thuế mới sẽ sửa đổi một phần Luật thuế thu nhập hiện hành, thuế VAT và Luật thuế chung nhằm tạo sức hút đối với các nhà đầu tư. Theo đó, các công ty niêm yết lần đầu vào năm 2021 và những năm sau đó sẽ được giảm thêm 3% thuế thu nhập trong vòng 5 năm. Các cổ đông là doanh nghiệp hoặc cá nhân sẽ không còn phải nộp thuế đối với cổ tức mà họ nhận được từ các công ty địa phương. Hiện các cổ đông phải nộp tới 10% cổ tức cho nhà nước.
Bộ trưởng Indrawati cũng cho hay Chính phủ Indonesia sẽ cắt giảm thuế thu nhập đối với tiền lãi ngân hàng, từ 20% hiện nay xuống mức chưa được tiết lộ. Mức giảm sẽ được chính phủ quy định mà không cần tham khảo ý kiến của Hạ viện. Chính phủ Indonesia cũng sẽ điều chỉnh quy định về khấu trừ thuế và tiền phạt thuế nhằm mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp. Hiện các công ty ở Indonesia có thể được khấu trừ thuế VAT mà họ phải trả khi mua nguyên liệu thô hoặc các dịch vụ và nguyên liệu đầu vào khác.
Chính phủ cũng sẽ điều chỉnh tiền phạt thuế, từ mức lãi suất cố định 2% mỗi tháng hiện nay xuống tương đương mức lãi suất chuẩn hiện hành. Theo Bộ trưởng Indrawati, chính phủ hy vọng chương trình mới sẽ giảm bớt gánh nặng cho những người vi phạm về thuế và khuyến khích họ trả tiền. Ngược lại, mức bồi thường của cơ quan thuế cho người nộp thuế cũng sẽ dựa trên lãi suất chuẩn.