Phóng viên đài Al Jazeera tại Gaza cho biết tối 18/5 Israel đã tiến hành một làn sóng 60 cuộc không kích nhằm vào hai thành phố Khan Younis và Rafah ở phía nam Gaza.
Theo Cơ quan Y tế Gaza, một phụ nữ Palestine thiệt mạng và 8 người khác bị thương trong làn sóng đánh bom mới nhất này, nâng tổng số người Palestine tử vong lên 218 người.
Đáp lại, các nhóm vũ trang Palestine tiếp tục nã rocket về phía Israel. Hamas tuyên bố đã phóng rocket nhằm vào 6 căn cứ của Không quân Israel (IAF) ở miền nam và trung Israel trong đợt tấn công mới nhất.
"Các căn cứ mà Lữ đoàn Al Qassam nhắm tới là Hatzor, Hatzerim, Nevatim, Tel Nof, Palmachim, và Ramon", Hamas thông báo. Hiện chưa có báo cáo về thương vong hay thiệt hại từ đợt oanh tạc này.
Cũng theo đài Al Jazeera, ít nhất 218 người Palestine, trong đó có 63 trẻ em đã thiệt mạng tại Gaza kể từ khi làn sóng tấn công bắt đầu. Khoảng 1.500 người Palestine bị thương, hàng nghìn người phải sơ tán. Phía Israel chịu tổn thất 12 người, gồm 2 trẻ em, và ít nhất 300 người bị thương.
Ngày 18/5, Tổng thống Mỹ Biden đã có cuộc điện đàm thứ ba với Thủ tướng Israel Netanyahu kể từ khi bạo lực bùng phát hôm 10/5 và bày tỏ ủng hộ một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn chưa lên tiếng yêu cầu chấm dứt bạo lực.
Theo tờ Times of Israel, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi cùng ngày cũng đã kêu gọi một lệnh ngừng bắn giữa Israel và các nhóm vũ trang ở Gaza.
“Hamas đã khai thác tình huống bất ổn để bắt đầu các cuộc chiến chống lại Israel, phóng hơn 3.000 quả rocket và như mọi khi, Israel có quyền tự vệ", bà Pelosi tuyên bố, đồng thời gọi Israel là “bạn và đồng minh của chúng tôi”. Bà nói: “Lúc này, sau hơn một tuần giao tranh, càng ngày càng rõ ràng rằng một lệnh ngừng bắn là cần thiết. Cần phải có một nỗ lực nghiêm túc từ phía cả hai bên để chấm dứt bạo lực và tôn trọng quyền của cả người dân Israel và Palestine".
Hội đồng Quan hệ Mỹ-Hồi giáo (CAIR) cùng ngày kêu gọi ông Biden ngừng kế hoạch bán vũ khí trị giá 735 triệu USD cho Israel. Theo Giám đốc điều hành CAIR Nihad Awad, thương vụ này "bao gồm những loại tên lửa giống như được Israel sử dụng để giết trên 200 người ở Gaza".
Cũng trong ngày 18/5, Ngoại trưởng Palestine, Riyad al-Maliki đã gửi thư lên Văn phòng Công tố Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) kêu gọi điều tra về "tội ác chiến tranh" của Israel tại Gaza, Bờ Tây và Jerusalem.
Trong khi đó, quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu EU Josep Borrell đã kêu gọi thực hiện lệnh ngừng bắn sau một cuộc họp video của các ngoại trưởng EU, nói thêm rằng lời kêu gọi này được tất cả các nước thành viên của khối ủng hộ, ngoại trừ Hungary.
Nhật báo Haaretz (Israel) dẫn lời một quan chức cấp cao Israel cho biết, nếu không có bất kỳ diễn biến bất ngờ nào, lệnh ngừng bắn giữa Israel và các nhóm vũ trang Gaza sẽ có hiệu lực vào ngày 20/5. "Tất cả chúng tôi đều mệt mỏi", quan chức này nói.
Các phương tiện truyền thông tiếng Do Thái khác nhau cũng đưa tin - hầu hết không trích dẫn nguồn - rằng một lệnh ngừng bắn thực sự được dự kiến trong vòng 2-3 ngày vì cả hai bên đã đạt được các mục tiêu chính trong cuộc xung đột hiện tại.
Tuy nhiên, một nguồn tin ngoại giao quen thuộc với những nỗ lực trung gian của Ai Cập nói với tờ Times of Israel rằng các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra và chưa đạt được thỏa thuận nào như vậy.
Kênh tin tức Channel 12 Israel đã trích dẫn “các báo cáo nước ngoài” - không nêu chi tiết - cho biết Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã thông báo với Washington rằng ông đã sẵn sàng cho một lệnh ngừng bắn bắt đầu từ 20/5. Một báo cáo trước đó cho biết Ai Cập đã đề xuất một thỏa thuận ngừng bắn bắt đầu lúc 6 giờ sáng 20/5 và Hamas đã đồng ý với đề nghị này.