Cuộc tấn công đẫm máu
Ít nhất 16 người Palestine đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của Israel tại Rafah. Xe tăng Israel cùng lúc tiến về phía các khu dân cư. Cuộc tấn công của Israel vào một trại di dời ở Rafah hôm 26-5 đã làm ít nhất 45 người chết và 200 người khác bị thương.
Đây là một trong những cuộc tấn công đẫm máu nhất của quân đội Israel vào thành phố cực Nam của Gaza kể từ khi Israel bắt đầu chiến không kích ở Gaza vào ngày 7-5.
Người dân tại Rafah cho biết xe tăng của Israel đã đóng quân trên và xung quanh đỉnh đồi Zurub, một vùng đất cao nhìn ra phía Tây Rafah, tiến từ khu vực gần cửa khẩu biên giới Ai Cập, nơi lực lượng Israel tiến hành cuộc tấn công 3 tuần trước. Khu vực Tel Al-Sultan, nơi xảy ra vụ tấn công chết người hôm 26-5, vẫn đang bị ném bom dữ dội.
Theo Cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA), khoảng một triệu người đã chạy trốn khỏi cuộc tấn công của Israel ở Rafah kể từ đầu tháng 5. Bộ Y tế Gaza cho biết hơn 36.000 người Palestine đã thiệt mạng trong cuộc tấn công của Israel kể từ 8-10-2023. Israel phát động chiến dịch này sau khi lực lượng Hamas tấn công các cộng đồng miền Nam Israel vào ngày 7-10, giết chết khoảng 1.200 người và bắt giữ hơn 250 con tin.
LHQ, EU và Mỹ có biện pháp mạnh
Phản ứng trước cuộc tấn công, các nhà lãnh đạo toàn cầu kêu gọi thực hiện lệnh của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) thuộc Liên hợp quốc (LHQ) đưa ra ngày 24-5 nhằm ngăn chặn cuộc tấn công của Israel.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên án cuộc không kích của Israel làm 45 người chết ở Rafah. Ông đăng trên mạng xã hội X: “Tôi lên án hành động của Israel giết chết hàng chục thường dân vô tội, những người chỉ đang tìm nơi trú ẩn khỏi cuộc xung đột chết người này. Không có nơi nào an toàn ở Gaza. Nỗi kinh hoàng phải chấm dứt”.
Hội đồng Bảo an LHQ tổ chức họp trong ngày 28-5 (giờ New York) sau vụ tấn công của Israel vào Rafah. Cuộc họp được Algeria, đại diện Saudi Arabia trong hội đồng kêu gọi và được Slovenia ủng hộ.
Về phần Liên minh châu Âu (EU), Ngoại trưởng Ireland Micheal Martin cho biết cuộc họp của các Ngoại trưởng EU tại Brussels hôm 27-5 lần đầu tiên thảo luận về việc trừng phạt Israel nếu nước này không tuân thủ phán quyết của ICJ. Theo CNN, phát biểu với các nhà báo, ông Martin cho biết có sự đồng thuận rất rõ ràng về sự cần thiết phải duy trì phán quyết của các thể chế nhân đạo và pháp lý quốc tế như ICJ.
Trong khi đó, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez trong buổi phát sóng truyền hình trực tiếp thông báo, Chính phủ Tây Ban Nha phê chuẩn việc công nhận chính thức nhà nước Palestine vào ngày 28-5. Ông gọi sự công nhận này là “một quyết định lịch sử - góp phần giúp người Israel và người Palestine sống trong hòa bình”.
Na Uy và Ireland cũng chính thức công nhận một nhà nước Palestine kể từ ngày hôm 28-5, một động thái sẽ củng cố chính nghĩa của người Palestine trên toàn cầu, nhưng lại làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa châu Âu và Israel.