Keith Kellogg liệu có chấm dứt được xung đột Ukraine?

(ĐTTCO) - Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã cam kết, sẽ chấm dứt xung đột tại Ukraine trong vòng 24 giờ sau khi ông quay lại Nhà Trắng. Vì vậy, mọi ánh mắt đang đổ dồn vào đặc phái viên Nga - Ukraine của ông Trump là Keith Kellogg.

Keith Kellogg (phải) với Donald Trump vào năm 2017.
Keith Kellogg (phải) với Donald Trump vào năm 2017.

Keith Kellogg là ai?

Kellogg, 80 tuổi, là một Trung Tướng đã nghỉ hưu. Ông là Chánh văn phòng của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump từ năm 2017-2021. Ông cũng là Cố vấn an ninh quốc gia cho Mike Pence, Phó Tổng thống của ông Trump vào thời điểm đó.

Ông Kellogg sinh ra ở Dayton, bang Ohio, lớn lên ở California, đã tham gia 23 chiến dịch quân sự toàn cầu (bao gồm cả Việt Nam) và tại Mỹ, có thành tích xuất sắc, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực quân sự và kinh doanh quốc tế, hiện đang sống ở bang Virginia. “Ông ấy đã ở bên tôi ngay từ đầu!” - ông Trump viết trên nền tảng Truth Social của mình, khi công bố đề cử Kellogg vào vị trí đặc phái viên. Điều này cho thấy sự nhấn mạnh của ông Trump vào ngoại giao để chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.

Vậy kế hoạch của Kellogg để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine là gì? Vào tháng 4-2024, Kellogg đã đồng sáng tác một báo cáo chiến lược với cựu quan chức Chính phủ Mỹ Fred Fleitz, nói rằng Mỹ nên đàm phán lệnh ngừng bắn ở Ukraine. Bài báo đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống Joe Biden về cuộc chiến tranh Ukraine đang tiếp diễn.

Cụ thể, các tác giả chỉ trích quyết định của Mỹ về cung cấp vũ khí cho Ukraine, và sự thất bại trong ngoại giao với Nga. Bài báo cũng cáo buộc ông Biden thúc đẩy một cuộc chiến tranh ủy nhiệm với Nga thông qua Ukraine.

Kế hoạch của Kellogg kêu gọi áp dụng cách tiếp cận "Nước Mỹ trên hết" đối với cuộc chiến. Bài viết của Kellogg đồng tình với ông Trump theo nhiều cách và lập luận rằng: "Một tổng thống mạnh mẽ và quyết đoán, người đã đứng lên chống lại Tổng thống Nga Vladimir Putin, sẽ ngăn chặn được cuộc xâm nhập toàn diện của Moscow vào Ukraine vào tháng 2-2022”.

Kế hoạch của Kellogg đưa ra lập luận cho một chính sách chính thức của Mỹ nhằm chấm dứt chiến tranh, đó là tìm kiếm một "lệnh ngừng bắn và giải quyết thông qua đàm phán". Theo kế hoạch này, Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine để nước này có thể tự vệ trước Nga.

Tuy nhiên, viện trợ quân sự trong tương lai của Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc Ukraine có tham gia đàm phán hòa bình với Nga hay không. Để thuyết phục Nga tham gia các cuộc đàm phán hòa bình, các nhà lãnh đạo NATO nên đề nghị hoãn đơn xin gia nhập NATO của Ukraine.

Ngoài ra, Nga có thể được giảm nhẹ một số lệnh trừng phạt, tùy thuộc vào việc nước này ký thỏa thuận hòa bình với Ukraine. Kế hoạch cũng kêu gọi đánh thuế vào doanh số bán năng lượng của Nga để sử dụng cho mục đích tái thiết Ukraine.

Keir Giles, một thành viên tư vấn cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Chatham House, có trụ sở tại London, nói rằng Kellogg phải giải quyết được thực tế: “Nga sẽ đàm phán cho đến khi họ cảm thấy mình ở vị thế thoải mái.

Trong khi đối với Ukraine, việc tạm dừng chiến đấu có thể là thảm họa”. Giles nói thêm rằng, Kellogg cũng sẽ phải đảm bảo rằng, ông có được sự hợp tác của các viên chức khác trong chính quyền Trump sắp tới.

Những đề xuất của Kellogg nhìn chung trái ngược với "kế hoạch chiến thắng" của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho cuộc xung đột. Việc Ukraine gia nhập NATO là trọng tâm trong kế hoạch đó.

Giles cho biết ý tưởng trì hoãn việc Ukraine gia nhập NATO là một trong những cách mà Mỹ có thể gây ảnh hưởng lên Ukraine, nhưng đó là một nỗ lực sai lầm, đồng thời nói thêm rằng việc Ukraine gia nhập NATO là giải pháp duy nhất lâu dài cho tình trạng khó khăn của khu vực.

Quan điểm của ông Trump

Trong khi ông Trump cam kết sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, ông vẫn chưa nêu rõ chi tiết về hành động cụ thể mà ông sẽ thực hiện để đạt được điều này. “Tôi có một kế hoạch rất chính xác về cách ngăn chặn Ukraine và Nga. Nhưng tôi không thể đưa cho bạn những kế hoạch đó vì nếu tôi đưa cho bạn những kế hoạch đó, tôi sẽ không thể sử dụng chúng. Chúng sẽ không thành công” - ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn podcast vào tháng 9.

Tờ Washington Post đưa tin, ông Trump đã nói chuyện với ông Putin trong một cuộc điện đàm vào ngày 7-11, yêu cầu ông không leo thang chiến tranh và bày tỏ mong muốn có thêm các cuộc trò chuyện để giải quyết xung đột. Nga phủ nhận cuộc gọi đã diễn ra.

Vào ngày 11-11, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, mô tả các báo cáo về cuộc gọi là "hoàn toàn hư cấu", và nói với các phóng viên rằng ông Putin không có kế hoạch cụ thể nào về việc nói chuyện với ông Trump.

Tổng thống đắc cử của đảng Cộng hòa lập luận rằng, chính quyền Biden đang tài trợ và cung cấp vũ khí cho một cuộc chiến tranh không hồi kết ở Ukraine mà không mang lại lợi ích cho Mỹ.

Trong khi đó, Phó Tổng thống của ông Trump là JD Vance đã nêu rõ một số chi tiết về kế hoạch tiềm năng của ông Trump trong một cuộc phỏng vấn cho Shawn Ryan Show. Theo đó, Vance cho biết ông Trump sẽ bắt đầu đàm phán với các nhà lãnh đạo từ Moscow, Kyiv và châu Âu để đạt được một giải pháp hòa bình.

Không nêu rõ vị trí chính xác của khu phi quân sự, Vance cho biết khu vực này sẽ được tăng cường mạnh mẽ để đảm bảo Nga không tấn công lần nữa. Tuy nhiên, kế hoạch của Vance cho thấy Ukraine sẽ phải nhượng lại một số lãnh thổ bị chiếm đóng cho Nga.

Điều này bao gồm một số khu vực Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhia - những khu vực mà Nga đã kiểm soát từ đầu cuộc chiến ngoài Crimea. Nga đã chiếm khoảng 20% lãnh thổ của Ukraine kể từ năm 2014.

Ukraine nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải bao gồm việc buộc Nga trả lại các vùng lãnh thổ của Ukraine, bao gồm cả Crimea.

Các tin khác