Kênh tiền gửi đang được “đốt nóng”

(ĐTTCO) - Trong lúc các kênh đầu tư như ngoại tệ, vàng vẫn yên ả, kênh chứng khoán, bất động sản (BĐS), trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) rơi vào vùng ảm đạm, trong khi các NHTM lại đang vào guồng tăng lãi suất huy động (LSHĐ). 
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
Kênh tiền gửi từng kém hấp dẫn trong một thời gian dài, thì cuối tháng 9 và đầu tháng 10 không chỉ được hâm nóng mà còn bước lên vị thế kênh đầu tư hấp dẫn nhất thị trường.
LSHĐ liên tục tăng
Cuối tháng 9, câu chuyện lãi suất tiền gửi được “đốt nóng” khi NH Bản Việt tung ra sản phẩm chứng chỉ tiền gửi chỉ từ 10 triệu đồng, các kỳ hạn 6, 9, 12, 15 và 18 tháng áp dụng lãi suất lần lượt 7,5%/năm, 7,8%/năm, 8%/năm, 8,2%/năm và 8,4%/năm.
Đầu tháng 10, kênh tiền gửi tiếp tục gia tăng sức nóng khi các nhà băng thêm chất xúc tác trên biểu lãi suất. SCB tuần trước đã công bố chương trình ưu đãi tặng coupon lãi suất 0,5% cho khách hàng tham gia sản phẩm tiền gửi tại quầy có kỳ hạn từ 6-11 tháng lên đến  8,9%/năm.
Các NHTMCP khác cũng đang bám sát ngưỡng 9%/năm, như ABBank trước đây có mức lãi suất lên tới 8,8%/năm cho kỳ hạn 13 tháng nhưng với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng, nay NH tiếp tục áp dụng lãi suất cao cho cả các khoản tiền nhỏ. Mở mới tài khoản tiết kiệm với giá trị bất kỳ tại quầy kỳ hạn 6 tháng nhận lãi suất 7,8%/năm, 12 tháng là 8,5%/năm và 15 tháng lên tới 8,6%/năm. Kienlongbank cũng đã tăng lãi suất cao nhất lên 8,6%/năm khi gửi tiền từ 1 năm trở lên... 
Trong báo cáo vĩ mô quý III-2022, nhiều NHTMCP đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn với mức tăng 0,9-1,1%. Tại những NHTMCP nhỏ, mức tăng lãi suất có thể lên đến 1,5% cho kỳ hạn trên 12 tháng.
Ở thời điểm hiện tại, kỳ hạn 6 tháng có khoảng 10 NH có lãi suất dao động từ 7-7,95%/năm. Xu hướng tăng LSHĐ của các NHTM cũng được xem là phản ứng hợp lý khi mặt bằng lãi suất ở nhiều quốc gia đang trong xu hướng tăng. Hơn nữa, việc hút tiền gửi của các NHTM nửa đầu năm nay không mấy khả quan. 
Theo thống kê được công bố gần đây nhất của NHNN, tính đến cuối tháng 7, tiền gửi của các tổ chức kinh tế ở mức 5,76 triệu tỷ đồng, chỉ tăng 2,13% so với cuối năm 2021.
Trước đó cuối tháng 3-2022, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào các tổ chức tín dụng (TCTD) đạt kỷ lục với 5,86 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với thời điểm cuối năm 2021. Con số này đồng nghĩa với việc các tổ chức kinh tế đã có xu hướng rút bớt tiền ra khỏi các TCTD. Và nay đã quay trở lại bởi mặt bằng LSHĐ tăng cao. 

Kênh tiền gửi hấp dẫn
Cũng đã lâu lắm rồi kênh tiền gửi mới sôi động trở lại. Năm 2020, NHNN có 3 lần điều chỉnh giảm đồng bộ các mức lãi suất với tổng mức giảm tới 1,5-2%/năm. Cùng thời điểm, các NHTM không cho vay được khiến LSHĐ giảm mạnh.
Cuối năm đó, mức LSHĐ 7%/năm rất hiếm hoi. Năm 2021, LSHĐ dần tăng nhưng sức nóng của kênh BĐS và chứng khoán đã hấp thụ cả tiền gửi từ kênh NH, huy động vốn tăng rất chậm, đồng thời NHTM chưa có sức ép về thanh khoản nên vẫn “bình chân như vại”. 
Hiện nay, các NHTM đã trở lại đường đua hút vốn và bối cảnh hiện tại cũng hỗ trợ kênh tiền gửi trở lại “ngôi vua” sau một thời gian dài mờ nhạt. Các chuyên gia của NH UOB dự báo, trong bối cảnh Fed có lập trường sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất, đồng USD tiếp tục tăng giá, VNĐ sẽ mất giá thêm và tỷ lệ lạm phát gần mức mục tiêu của NHNN, có khả năng NHNN sẽ tăng thêm 1% đối với lãi suất tái cấp vốn trong vòng 2 quý tới.
Điều này sẽ đưa lãi suất tái cấp vốn lên 5,5% vào cuối năm 2022 và sau đó là 6% vào cuối quý I-2023. Trong trường hợp như vậy, LSHĐ sẽ tiếp tục tăng trong khi các kênh đầu tư khác chưa có nhiều tín hiệu khả quan.
Trên kênh ngoại tệ, tỷ giá USD/VNĐ cũng đang trong xu hướng tăng nhưng chưa thấy sự hấp dẫn do NHNN còn đang điều tiết để giảm thiểu biến động. Đồng thời, nhà điều hành còn tác động đến lãi suất để nâng giá trị VNĐ, giảm sức hấp dẫn đối với đồng USD.
Kênh vàng tiếp tục kém hấp dẫn, nhất là khi vàng “SJC một mình một chợ”, tách biệt hoàn toàn với các diễn biến kinh tế, địa chính trị trên thế giới. Chênh lệch giá trong nước và thế giới liên tục duy trì ở mức 16-19 triệu đồng/lượng, đầu tư không chỉ khó kiếm lợi nhuận mà còn mang lại rủi ro. Nếu mua vàng miếng trong những ngày đầu tháng 3-2022 ở vùng giá 74 triệu đồng/lượng, thì hiện nay người nắm giữ vàng đang âm gần 9,5% vốn vì vàng SJC chỉ còn 67 triệu đồng/lượng.
Chứng khoán vốn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất trong 2021 cũng đang đi vào vùng ảm đạm. Thị trường chứng khoán từ đầu năm 2022 đến nay trở thành nỗi ám ảnh của nhà đầu tư khi liên tục lao dốc. Thậm chí, có thời điểm chỉ số VN Index giảm xuống dưới mốc 1.000 điểm.
Với mức giảm hơn 11,5%, thị trường chứng khoán Việt Nam vào top các thị trường giảm mạnh nhất thế giới trong tháng 9 vừa qua. Vốn hóa của sàn HoSE cũng bị “bốc hơi” hơn 588.000 tỷ đồng, tương đương 25 tỷ USD. Cùng với điểm số là sự suy yếu của dòng tiền, từ mức trung bình trên 20.000 tỷ đồng/phiên, thanh khoản của thị trường giảm về chỉ còn 10.000 tỷ đồng/phiên.
Số lượng nhà đầu tư mở mới tài khoản trong tháng 9 chỉ đạt hơn 100.000 tài khoản, thấp nhất kể từ tháng 7-2021. Đây cũng là tháng thứ 3 liên tiếp số tài khoản chứng khoán mở mới giảm. 
Kênh TPDN khi Nghị định 65 quy định về nhà đầu tư trái phiếu được siết lại, được cho là sẽ đẩy tiền nhàn rỗi sang kênh khác và kênh tiền gửi là đối tượng hưởng lợi lúc này. Cùng với đó, kênh BĐS cũng chững lại. Nguồn cung nhà ở thương mại đang ghi nhận mức giảm dần qua các năm, BĐS nghỉ dưỡng vẫn chìm trong khó khăn pháp lý…
Thêm vào đó, sau khi NHNN siết chặt dòng vốn vào các lĩnh vực rủi ro khiến việc đầu tư BĐS cũng bị tác động mạnh, đặc biệt là các cơn sốt đất nền đã hạ nhiệt sau hành động này. 
Nhìn toàn cảnh lúc này, kênh tiền gửi đang được cả thiên thời và địa lợi. Gần đây, lãnh đạo một số nhà băng cho biết, các NH đang vào guồng tăng lãi suất nên họ cũng khó có thể đứng ngoài cuộc. Theo dự báo của tổ chức, xu hướng tăng LSHĐ tiếp diễn và mặt bằng LSHĐ có thể tăng 1,5-2% trong cả năm 2022.
 Đã lâu lắm rồi kênh tiền gửi mới sôi động trở lại. Năm 2021, LSHĐ dần tăng nhưng sức nóng của kênh BĐS và chứng khoán đã hấp thụ cả tiền gửi từ kênh NH, huy động vốn tăng rất chậm, đồng thời NHTM chưa có sức ép về thanh khoản nên vẫn “bình chân như vại”. 

Các tin khác