Nếu để tiếp tục kéo dài, theo nhiều doanh nghiệp, sẽ cản trở nhu cầu đi lại của hành khách, thậm chí ảnh hưởng đến sự phục hồi của ngành hàng không và du lịch. Ngoài lý do về năng lực tổ chức, điều hành, ùn tắc trầm trọng còn liên quan đến một quy định mà Cục Hàng không Việt Nam vừa "áp" xuống?
Mệt nhoài ở sân bay!
Anh Nguyễn Văn Năng (Q.Bình Thạnh), hành khách có chuyến bay từ TP.HCM - Đà Nẵng, cho biết đến sân bay lúc 5h sáng để kịp khởi hành chuyến bay 6h30. Anh đã check-in online và khai báo y tế đầy đủ.
Sáng 17-4, anh tính chỉ tốn 10-15 phút để hoàn tất thủ tục an ninh, vẫn dư thời gian để tranh thủ ăn sáng. Tuy nhiên, anh sững sờ khi đến sân bay và chứng kiến dòng người đông nghẹt đang xếp hàng dài chờ đợi.
Ngay cả lối đi ưu tiên cũng đông kín khách, người già, trẻ em cùng hành khách cận giờ bay chật vật chờ "giải cứu".
"Tôi nhích từng chút, tới được 50% đoạn đường tới lối soi chiếu là mướt mồ hôi vì chật chội chen lấn rất nóng nực. Nhiều người phản ứng thủ tục an ninh quá chậm, không có phương án giải tỏa khách. Xếp hàng gần 40 phút chưa xong. Để kịp giờ chuyến bay, tôi muối mặt vừa nói lời xin lỗi, vừa len tới nơi soi chiếu vì sắp trễ giờ dù biết nhiều người khó chịu. Khi qua được khu soi chiếu, tôi mới thực sự hoàn hồn. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh này" - anh Năng nói.
Nhiều hành khách khác lại không được may mắn như anh Năng. Như chị Thu Thủy (Q.6) đi chuyến bay của Vietnam Airlines từ TP.HCM - Huế sáng 15-4.
Chị Thủy cho biết đã bị "choáng" tới 2 lần, một là xếp hàng chờ ở lối lên cầu thang hướng vào khu soi chiếu. Hai là đến sảnh soi chiếu thì đối diện với trùng điệp người "chôn chân".
Chị Thủy đã mất tới 45 phút để chờ tới lượt qua soi chiếu. Đến cửa ra máy bay thì chị nhận thông báo như "sét đánh ngang tai": máy bay đã lăn ra khỏi đường băng và chị bị lỡ chuyến bay. Nhân viên hướng dẫn chị quay lại quầy đại diện của hãng để được hỗ trợ mua vé khác, nếu có nhu cầu bay tiếp.
"Khách phải đóng phí sử dụng dịch vụ cảng, phí soi chiếu... mà chất lượng phục vụ từ phía sân bay lại gây hậu quả lỡ chuyến, gây thiệt hại cho khách. Cuối cùng chỉ khách hàng chịu thiệt thòi là không công bằng. Tôi cho rằng chất lượng phục vụ của sân bay chưa tốt, nếu thấy đông đúc, có nguy cơ vỡ trận thì phải phản ứng nhanh như tăng thêm nhân viên, bố trí lối đi phù hợp" - chị Thủy bức xúc nói.
Thực tế, ghi nhận nhiều ngày qua tại cảng HKQT Tân Sơn Nhất cho thấy tình hình đi lại của hành khách luôn đông đúc, trong khi nhiều hành khách vẫn còn lúng túng trong việc khai báo y tế. Không ít khách sợ trễ chuyến, nhốn nháo chen lấn khiến tình hình thêm căng thẳng.
Riêng trong ngày 17-4, đã có 40 - 60 hành khách của Vietjet, Bamboo Airways lỡ chuyến bay vì một số lý do, trong đó có người bị kẹt ở khâu an ninh.
Rất đông hành khách xếp hàng chen chúc trước cửa khu vực an ninh soi chiếu tại nhà ga quốc nội, sân bay Tân Sơn Nhất trưa 18-4 - Ảnh: DUYÊN PHAN
Càng ùn tắc hơn khi thêm quy định mới
Đại diện cảng HKQT Tân Sơn Nhất lên tiếng cho biết tình trạng ùn tắc ở sân bay này là do nhu cầu đi lại của hành khách tăng mạnh, trong đó có khách du lịch.
Cảng này dẫn số liệu thống kê cho thấy khách hàng đi lại đông như ngày 14-4 có khoảng 64.000 lượt khách, ngày 15-4 đón 77.000 lượt khách, ngày cuối tuần 17 và 18-4 đạt 80.000 - 85.000 lượt khách đi đến/ngày. Trung bình mỗi ngày Tân Sơn Nhất đạt 500 - 570 chuyến bay.
Tuy nhiên, lý do mà đại diện cảng HKQT lý giải việc ùn tắc ở khâu soi chiếu do khách đi lại đông chỉ đúng một phần và chưa đầy đủ. Bởi lượng hành khách đi lại ở Tân Sơn Nhất hiện nay vẫn nằm trong khả năng đủ đáp ứng, nếu tổ chức tốt.
Ghi nhận cho thấy từ ngày 15-4, ngoài việc kiểm tra thủ tục giấy tờ, soi chiếu hành lý, lực lượng an ninh ở sân bay còn "gánh" thêm một nhiệm vụ là kiểm tra ngẫu nhiên trực quan 10% hành khách qua khâu soi chiếu an ninh.
Việc kiểm tra trực quan ngẫu nhiên được thực hiện tại điểm kiểm tra an ninh hàng không hoặc đưa hành khách vào buồng lục soát khi có yêu cầu (của hành khách hoặc cấp có thẩm quyền).
Việc kiểm tra trực quan bảo đảm tỉ lệ kiểm tra được phân đều, liên tục trong thời gian hoạt động của điểm kiểm tra an ninh trong ngày. Việc kiểm tra bổ sung ngẫu nhiên 10% này đang thí điểm tại Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất trong tháng 4.
Một cán bộ an ninh soi chiếu ở sân bay Tân Sơn Nhất cho rằng việc triển khai này vô hình trung gây ra khó khăn cho khách hàng. Kiểm tra ngẫu nhiên 10% số lượng hành khách xuất phát từ Tân Sơn Nhất mỗi ngày là rất lớn, chắc chắn sẽ thêm ùn tắc trầm trọng.
Trường hợp tổ chức kiểm tra 10% ngẫu nhiên, theo vị này là phải tính ở thời điểm nào, máy soi nào chứ không phải tổ chức tất cả, thậm chí cần bố trí thêm nhân sự hoặc có bàn, làn kiểm tra riêng để tránh trường hợp hành khách bị bất ngờ hoặc cho rằng nhân viên an ninh làm khó dễ...
Nhân viên hàng không yêu cầu khách hàng xuất trình tờ khai báo y tế mới được vào quầy làm thủ tục - Ảnh: DUYÊN PHAN
Khách đông hay năng lực quản lý quá kém?
Tuy vậy, theo tìm hiểu, năng lực bố trí giải tỏa khách cũng như năng lực soi chiếu của hệ thống máy ở sân bay Tân Sơn Nhất vẫn chưa hoạt động hết công suất.
Về hạ tầng, riêng ga quốc nội Tân Sơn Nhất mới đây đã mở rộng sảnh nhà ga, tăng máy soi chiếu, tổng cộng gồm 24 máy. Trung bình một máy soi chiếu phục vụ 180 khách/giờ, nếu hoạt động đúng công suất, 24 máy sẽ phục vụ cho hơn 100.000 lượt khách/ngày.
Thực tế hiện nay sản lượng khai thác ở sân bay Tân Sơn Nhất cao điểm đạt 70.000 - 80.000 khách/ngày. Mới đây, 1-3 là ngày cao điểm, lượng khách qua Tân Sơn Nhất đạt 85.492 lượt hành khách, nhưng cơ bản không ùn tắc.
Như vậy, có thể thấy số lượng hành khách qua Tân Sơn Nhất có tăng nhưng không nhiều đến nỗi để phải ùn tắc kéo dài như hiện nay. Nên có ý kiến đặt vấn đề quản lý quá kém ở cảng.
Hãng bay, công ty phục vụ mặt đất thì đang phải tính tốn thêm nhân sự, đội thêm chi phí. Như đại diện Pacific Airlines cho biết đã nắm bắt tình hình ùn ứ ở sân bay nên hãng tăng cường thêm nhân viên hỗ trợ, tìm kiếm khách hàng cận giờ bay để ưu tiên phối hợp với an ninh nhanh chóng hoàn tất thủ tục. Vị này cho rằng tình trạng này nếu không được giải quyết sẽ diễn ra trầm trọng hơn vào dịp lễ 30-4 và 1-5.