Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Bộ Công Thương đã tổ chức các chuyến đưa hàng về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và khu công nghiệp, khu chế xuất thông qua Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và Chương trình Bình ổn thị trường với gần 4.000 đợt bán hàng.
Bộ Công Thương cũng tiến hành xây dựng các mô hình thí điểm Điểm bán hàng cố định và bền vững với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, triển khai Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động, trong đó nhiều điểm bán hàng được thiết lập tại khu vực có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, hàng hóa chủ yếu phục vụ công nhân và người lao động.
Những hoạt động này cũng giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, nhất là người lao động, công nhân trong việc ưu tiên sử dụng hàng Việt. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối đã có thêm sự liên kết, thiết lập các hình thức bán hàng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, thông qua các chương trình, đã góp phần thúc đẩy tiêu dùng nội địa, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
"Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 khó khăn như vậy, trong khi xuất khẩu cũng gặp rất nhiều khó khăn, thị trường trong nước cũng đã đóng một vai trò hết sức quan trọng và chúng ta cũng giúp cho các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm ngay tại thị trường trong nước, ngoài việc cung ứng những mặt hàng thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân cũng như là đối tượng mà các doanh nghiệp chúng ta hướng tới", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ.