TS. Lê Đỗ Mười cho hay trong những năm gần đây, hạ tầng giao thông kết nối giữa TPHCM với các tỉnh trong vùng được đẩy mạnh, nhiều khu đô thị mới được hình thành với tốc độ phát triển nhanh chóng.
Sự phát triển về hạ tầng, kéo theo dòng đầu tư dịch chuyển về vùng lân cận, giúp “giải cứu” TPHCM khỏi áp lực gia tăng dân số và đô thị hóa. Tuy nhiên, các dự án phát triển đô thị, bất động sản tập trung nhiều tại các khu vực vệ tinh phía Đông như Bình Dương, Đồng Nai, khiến sự phát triển mất cân bằng, giá đất tăng nhanh chóng, gấp 2-3 lần, thậm chí nhiều khu vực như quận 2, quận 9, Thủ Đức tăng 5-7 lần trong vòng 2 năm.
Theo ông Mười, việc phát triển tập trung khiến hạ tầng giao thông kết nối TPHCM với các địa phương lân cận, đặc biệt là khu vực phía Đông trở lên quá tải, tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra tại khu vực cửa ngõ dẫn vào Thành phố.
Theo Quy hoạch các tuyến kết nối TPHCM với các tỉnh trong vùng bao gồm 5 trục (QL và cao tốc song hành), hiện nay ngoài trục kết nối với các tỉnh khu vực phía Đông (QL1 và cao tốc Bắc – Nam) được đầu tư cơ bản theo quy hoạch, các trục còn lại hiện chỉ khai thác trên cơ sở hệ thống đường quốc lộ, các dự án đường cao tốc song hành đều chậm triển khai.
Các tuyến vành đai TPHCM (vành đai 2, 3, 4) đều đầu tư chậm, không đảm bảo tiến độ theo quy hoạch, chưa khép kín, đặc biệt là tuyến đường vành đai 3 với vai trò giảm tải lưu lượng di chuyển xuyên qua khu vực trung tâm và hỗ trợ kết nối giữa với khu vực Tây Nam Bộ, gây ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ và trục kết nối.
Cùng với đó, các tuyến giao thông kết nối tới các cửa khẩu quốc tế đều phụ thuộc vào hệ thống quốc lộ hiện hữu (QL22, QL22B, QL13), không đáp ứng nhu cầu vận tải…
Về giải pháp, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT Bộ Giao thông vận tải cho hay theo định hướng các quy hoạch liên quan, để phát huy hết lợi thế của Vùng TPHCM, giúp giãn dân và giảm áp lực hạ tầng, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên các tuyến trục kết nối với TPHCM theo quy hoạch, trong giai đoạn tới cần tập trung đầu tư vào một số công trình có tính chất động lực, lan toả, tăng cường khả năng kết nối giữa TPHCM với các tỉnh trong vùng.
Cụ thể, đối với kết cấu hạ tầng đường bộ, cần hoàn thiện hệ thống đường vành đai gắn kết với chuỗi đô thị vệ tinh; tập trung đầu tư hoàn thiện 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 456km phục vụ kết nối Vùng, trong đó ưu tiên đầu tư các đoạn tuyến kết nối trực tiếp với CHKQT Long Thành và khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu.
Cùng với đó, cần đẩy nhanh tiến độ khép kín hệ thống đường vành đai TPHCM: hoàn thành vành đai 2 trước năm 2023, vành đai 3 và vành đai 4 trước năm 2030 cũng như tiếp tục đầu tư, nâng cấp cải tạo 10 tuyến đường bộ trong Vùng với tổng chiều dài 785 km theo đúng quy hoạch, đồng thời nghiên cứu triển khai đầu tư 3 tuyến giao thông quan trọng hỗ trợ kết nối với CHKQT Long Thành…