Khai thông điểm nghẽn kết nối TPHCM
Thông tin từ Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) cho biết, trong quý III-2019 sẽ khởi công 8 dự án thuộc cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020. Trong đó có tuyến cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây được xem là cửa ngõ vùng Đông Nam bộ kết nối với TPHCM, và thời điểm hiện tại đã được điều chỉnh quy hoạch với quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/giờ.
Trong giai đoạn 1, dự án sẽ xây dựng 4 làn xe có chiều rộng từ 25-27m, tổng mức đầu tư giai hơn 18.100 tỷ đồng, chi phí xây dựng khoảng 11.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong 36 tháng xây dựng.
Tôi cho rằng cầu Cát Lái là dự án mà TPHCM phải triển khai từ lâu, vì nó có ý nghĩa lớn về mặt kinh tế - xã hội và cả an ninh quốc phòng. Hiện lượng xe từ Nhơn Trạch qua phà Cát Lái để đến TPHCM và ngược lại rất lớn. Vì vậy, cầu sẽ có ý nghĩa về mặt giao thông, nhất là giao thông đối ngoại của TPHCM, giúp nối kết giữa TP với tỉnh Đồng Nai và cả tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông Phạm Sanh, chuyên gia giao thông |
Theo tính toán của đơn vị tư vấn, để hoàn vốn cho dự án nhà đầu tư được thu phí trong thời gian khoảng 17 năm. Từ năm 2014, dự án đã được cắm cọc mốc bàn giao cho tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đồng Nai để chuẩn bị công tác giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên do trước đây chỉ quy hoạch 4 làn xe, sau đó Quốc hội phê duyệt lên 6 làn xe, vì vậy các đơn vị liên quan phải làm lại hồ sơ điều chỉnh diện tích đất bị thu hồi.
Đây là dự án hạ tầng giao thông thí điểm theo hình thức đối tác công-tư (PPP), với nguồn tài chính bao gồm vốn nhà nước, vốn vay và vốn chủ sở hữu.
Một dự án giao thông không kém phần quan trọng đang được người dân vùng Đông Nam bộ mong chờ, đó là cầu Cát Lái nối quận 2 (TPHCM) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), với tổng mức đầu tư lên đến hơn 8.000 tỷ đồng. Nói quan trọng là bởi cầu Cát Lái nối hai địa phương hùng mạnh về kinh tế của cả phía Nam, qua đó giúp kết nối, phát triển kinh tế-xã hội khu vực rất quan trọng của miền Đông Nam bộ. Theo phương án do tỉnh Đồng Nai xây dựng, cầu Cát Lái có chiều dài khoảng 4km, phần cầu chính dài 650m, kết cấu bằng dây văng 2 trụ tháp.
Cầu có tĩnh không thông thuyền 55m, rộng gần 38m, gồm 6 làn xe cơ giới và 3 làn xe thô sơ, lề bộ hành mỗi bên 1,5m. Dự kiến khởi công vào năm 2020. Trước đó vào tháng 5-2017, Thủ tướng đồng ý giao TPHCM nghiên cứu dự án xây cầu Cát Lái. Tháng 8-2018, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và TPHCM có cuộc họp bàn. Theo đó, tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề xuất TPHCM để tỉnh này chủ trì triển khai dự án.
Hiện tượng kẹt xe đường vào phà Cát Lái như thế này vẫn thường tái diễn.
Theo ghi nhận của ĐTTC, hầu hết người dân phường Cát Lái (quận 2, TPHCM) đang rất mong chờ cầu Cát Lái sớm khởi công, bởi lâu nay có việc gì đi Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đều phải “lụy phà”. Bên cạnh đó, hiện lưu lượng xe ra vào cảng Cát Lái vượt gần gấp đôi năng lực, nhưng khu vực này chỉ có cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, nối TPHCM với các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu…
Vì vậy, nhu cầu đi lại, kết nối giữa quận 2, TPHCM với Đồng Nai cùng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu phụ thuộc nhiều vào phà Cát Lái, nên tình trạng kẹt xe cục bộ thường xuyên xảy ra ở cả 2 đầu phà. Dự án cầu Cát Lái cũng mang nhiều kỳ vọng của tỉnh Đồng Nai, khi khai thông khu đô thị Nhơn Trạch được xây dựng cách đây hàng chục năm gần như bỏ hoang; rồi dự án sân bay quốc tế Long Thành sắp được thực hiện. Ngoài ra, việc xây cầu Cát Lái kết nối Đồng Nai-TPHCM còn giúp năng lực vận tải từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến cả các tỉnh khu vực ĐBSCL tăng mạnh.
Vẫn còn những khúc mắc thủ tục
Vẫn còn những khúc mắc thủ tục
Tuyến cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây có chiều dài gần 100km, trong đó phần thuộc địa phận tỉnh Đồng Nai là 51km. Theo quan sát, tuyến cao tốc này khi đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai chủ yếu chạy trên diện tích đất nông nghiệp và các vườn cao su, không qua các khu dân cư nên việc phải bố trí tái định cư là không nhiều. Diện tích đất phải giải phóng mặt bằng nhiều nhất thuộc huyện Xuân Lộc.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đồng Thanh, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Đồng Nai, kể từ khi dự án được điều chỉnh mở rộng lên 6 làn xe, hồ sơ thu hồi đất phải làm lại. Hiện nay vẫn chưa thấy các cơ quan của Bộ GTVT bàn giao cọc mốc mới để thực hiện công tác thu hồi đất. Những công việc như đo vẽ, kiểm đếm để đền bù nếu không làm chặt chẽ, đúng quy cách sau này sẽ phát sinh phức tạp.
Trong khi đó, đối với dự án cầu Cát Lái, trong lúc người dân tỉnh Đồng Nai và TPHCM vô cùng mong mỏi ngày khởi công, thì phía cơ quan chức năng đang lừng khừng. Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM cho biết đã có báo cáo gửi UBND TPHCM về dự án cầu Cát Lái, trong đó có nêu về trường hợp tỉnh Đồng Nai xin được đầu tư dự án thay TP, sở cũng tham mưu đưa ra các phương án cho UBND TP. Mọi việc sẽ do UBND TP quyết định cuối cùng và đến nay Sở GTVT đang chờ.