Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Kết nhưng khó nối?

(ĐTTCO) - Hàng loạt chi nhánh của NHNN tại các tỉnh, thành đã cấp tập tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (NH-DN) trong những ngày cuối tháng 2. Phải chăng thời gian dài các NH đã “quên” DN, chạy theo các mảng cho vay có lợi nhuận cao hơn? Và liệu ở thời điểm này các DN có cơ hội tiếp cận vốn NH cũng như vay lãi suất rẻ hay không?
Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Kết nhưng khó nối?

Khó trăm bề, chờ kết nối?

Những ngày cuối tháng 2, việc kết nối NH-DN triển khai trên diện rộng, tương ứng có nhiều DN đã được tiếp cận tín dụng. Đơn cử, hơn 11.000 tỷ đồng được 8 NHTMCP ký kết hỗ trợ vốn các DN trên địa bàn TPHCM trong hội nghị kết nối ngày 28-2. Đây là tin vui cho cộng đồng DN trong đầu năm 2023, nhưng phía sau vẫn ẩn chứa nhiều nỗi buồn. DN Việt Nam chủ yếu hoạt động dựa vào vốn vay NH, còn NH cũng chủ yếu dựa vào tín dụng để “thổi nồi cơm” lợi nhuận.

Đó là cả 2 cùng có lợi, nhưng không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái”. Hồi đầu năm, hàng loạt buổi tọa đàm, hội thảo, hội nghị lớn diễn ra nhằm tìm cách gỡ khó cho thị trường bất động sản (BĐS), khi các DN BĐS liên tục kêu khó khăn vì dòng tín dụng từ NH đứt gãy từ năm ngoái. Trong khi đó, nhóm DN sản xuất kinh doanh (SXKD), nhiều năm nay hầu như sống trong tình cảnh thiếu vốn nhưng đến NH không đáp ứng điều kiện.

Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Xuân Nguyên, cho biết đất nông nghiệp được định giá thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường, khiến DN khó khăn khi sử dụng đất làm tài sản đảm bảo vay vốn.

Còn các DN thuê đất để SXKD ở các khu công nghiệp, theo bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH sản xuất - thương mại Mebipha, rất khó vay vốn vì NH không nhận thế chấp đất thuê. Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa, cũng chia sẻ hiện rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay, ngay cả khi tiếp cận được cũng không dám vay vì lãi suất tăng cao.

Nhìn một cách công bằng trong quan hệ vay mượn tín dụng, các nhà băng cũng tùy theo khẩu vị, tùy theo đánh giá sức khỏe DN để quyết định cho vay. Đồng nghĩa DN muốn vay phải đủ “điều kiện” của NH. Thế nhưng, nhìn vào bức tranh tín dụng thời gian qua, các NH lại tập trung cho vay các nhóm ngành có lợi nhuận cao hơn, trong đó có BĐS đầy rủi ro.

Chính vì thế, những DN trong lĩnh vực SXKD rất mong nhà quản lý đứng ra kết nối họ với NH. Và khi các hội nghị kết nối liên tục được tổ chức, các DN SXKD đã rất hào hứng tham gia.

Cơ hội vay vốn có dễ thông?

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng tại Hà Nội và TPHCM ước tăng lần lượt 2% và 0,4% so với đầu năm, thấp hơn đáng kể so với mức tăng của cùng kỳ năm trước.

Với quy mô tín dụng ở 2 TP lớn này chiếm hơn 50% tổng quy mô tín dụng nền kinh tế, VDSC ước tính tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 2 khoảng 1,1%, thấp hơn mức tăng 2,7% cùng kỳ 2022. Nhưng điều quan trọng là lãi suất huy động hạ nhiệt dần trên biểu lãi suất của các NHTM kể từ đầu năm, đã dẫn đến kỳ vọng NH sẽ giảm lãi suất cho vay.

Song đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Ghi nhận tại báo cáo của NHTMCP K., đến cuối năm 2022, tổng huy động vốn cao gấp 1,6 lần tổng dư nợ tín dụng. Số liệu về vốn huy động dồi dào như vậy nhưng mới đây, nhân viên của NHTMCP K. vẫn gọi điện thoại mời chào khách hàng gửi tiền với lãi suất 11%/năm kỳ hạn 12 tháng, cộng thêm 0,5% ưu đãi nếu gửi tiền trong tháng 2.

Tại NHTMCP H., một khách hàng gửi tiền vào ngày cuối tháng 2 cho biết được nhận lãi suất tiết kiệm 11,5%/năm (theo diện khách VIP), trong khi lãi suất thể hiện trên sổ tiết kiệm chỉ 9,3%, 2,2% còn lại được cam kết bằng một thỏa thuận riêng… Như vậy trên thực tế lãi suất huy động vẫn rất cao.

Lãi suất cho vay được tính bằng lãi suất huy động cao nhất trên biểu lãi suất cộng với biên độ 3-4%. Nếu nhìn vào cơ sở lãi suất ở trên, lãi suất cho vay từ 6 tháng tương ứng phải ở mức 14,5-15,5%/năm. TS. Nguyễn Trí Hiếu tính toán, khi lãi suất vay 14%/năm, DN phải có biên độ lợi nhuận trước thuế và trước khi trả nợ cho NH 20%. Ông nhận định, khả năng DN SXKD đạt được biên độ lợi nhuận này rất hạn chế.

“Khi nào vẫn còn nhiều NH huy động lãi suất cao, cạnh tranh huy động vốn vẫn còn tiếp diễn” - TS. Hiếu nói và cho rằng, các nhà băng khó “đạp phanh” trong cuộc đua lãi suất, bởi họ huy động chưa hẳn chỉ để cho vay mà còn giải quyết rất nhiều vấn đề khác. Hiện các NH đang nắm giữ lượng lớn trái phiếu của DN BĐS. Năm 2023 là đỉnh nợ trái phiếu của nhóm này và hàng loạt DN đang xin “khất nợ”, cũng tức dòng tiền mua trái phiếu chưa thể trở về với NH trong 1-2 năm tới.

Lý do nữa khiến nhiều nhà băng cần tiền vì tiền cho vay ra đang đọng trong các khoản tín dụng BĐS, tức nợ xấu của NH đang tăng trở lại. Cá biệt trong năm 2021, hàng loạt lãnh đạo tập đoàn BĐS trở thành chủ tịch hay cổ đông lớn của NHTM, cũng dấy lên suy nghĩ có thể dòng tín dụng chảy từ NH qua sân sau hoặc qua kênh mua trái phiếu của các DN có liên quan đến tập đoàn này. Gần đây, NHNN đã yêu cầu kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng hoặc nhóm khách hàng lớn, khách hàng có liên quan đến cổ đông lớn, người có liên quan của cổ đông của TCTD...

Mỗi nơi có vấn đề của riêng mình, nhưng nhìn chung những nguyên nhân đó sẽ khiến dòng vốn đã được đẩy ra chưa thể thu về, các nhà băng phải huy động thêm để bù đắp thanh khoản. Cứ như vậy, mong lãi suất cho vay thấp là điều khó khăn. Bởi DN SXKD muốn vay vốn phải có kế hoạch, dự án tốt, có tài sản đảm bảo thỏa tiêu chí NH và phải chấp nhận được lãi suất vay theo quy luật thị trường.

Gần đây, để có thể tạo ra mặt bằng lãi suất hợp lý hơn, NHNN đã liên tục yêu cầu các NHTM tiết giảm chi phí, giảm thêm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay; thông báo và điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 đối với từng NH căn cứ một số tiêu chí cơ bản, trong đó có tiêu chí lãi suất. Nhưng cho vay hay không, lãi suất bao nhiêu là quyền của NHTM.

Kết nối NH-DN được tổ chức cũng chỉ đến với phần nhỏ DN đủ điều kiện, chưa thể dàn trải đại trà cho hàng triệu DN đang hoạt động trên thị trường.

Các tin khác