Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém vừa qua chậm hơn so với kế hoạch dự kiến, thậm chí gặp nhiều mâu thuẫn. Song việc thanh tra, kiểm toán 9 ngân hàng thuộc diện phải xử lý đã kết thúc.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Chính phủ vừa gửi báo cáo bổ sung việc thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế tới Quốc hội khi kỳ họp lần thứ 4 kết thúc cuối tuần trước.
Theo đánh giá của Chính phủ, việc tái cơ cấu ngân hàng và xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của nhiều bên nên mất nhiều thời gian.
Thực tế lại đòi hỏi phải đẩy nhanh tiến độ, giải quyết dứt điểm các vụ việc phát sinh để hạn chế tổn thất và ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.
Chính phủ cho rằng việc giải quyết hợp lý “mâu thuẫn” nói trên không phải là dễ. Do đó, việc xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém thời gian qua đã chậm hơn so với kế hoạch (dự kiến việc này sẽ kết thúc vào cuối tháng 9-2012).
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo việc thuê công ty kiểm toán quốc tế thực hiện kiểm toán các ngân hàng, đồng thời NHNN tiến hành thanh tra toàn diện. Đến nay, việc thanh tra, kiểm toán cả 9 ngân hàng đã kết thúc.
NHNN về cơ bản đã kiểm soát được tình hình của các ngân hàng yếu, khả năng chi trả của các ngân hàng nói trên đã được cải thiện, đẩy lùi nguy cơ rủi ro an toàn cho cả hệ thống.
Trong số 9 ngân hàng này, ngoài 3 ngân hàng đã hợp nhất (Sài Gòn, Đệ Nhất và Việt Nam Tín Nghĩa), phê duyệt phương án cơ cấu lại ngân hàng Tiên Phong, Habubank tự nguyện sáp nhập với SHB; 4 ngân hàng khác đang được khẩn trương hoàn thiện phương án tái cơ cấu phù hợp trước khi phê duyệt để thực hiện.
NHNN nhận định rằng tính đến quí III-2012, hệ thống các tổ chức tín dụng dư thừa vốn khả dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại nhà nước.
Tuy nhiên, để xử lý nợ xấu, dự phòng rủi ro, tất cả các ngân hàng đều phải trích lập dự phòng theo đúng quy định. Đến cuối tháng 8-2012, số dự phòng trích lập chưa sử dụng là 72.907 tỉ đồng, tăng hơn 14 ngàn tỉ đồng so với cuối năm 2011.
Trong 8 tháng đầu năm, số nợ xấu được các tổ chức tín dụng xử lý bằng nguồn dự phòng rủi ro là gần 8.000 tỉ đồng. Nhờ đó, sự gia tăng nợ xấu đã được kiềm chế. Đến tháng 6 vừa qua, tốc độ tăng chỉ là 1,2% so với mức tăng của tháng 1 (7,29%).
NHNN cho rằng việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, khu vực ngân hàng nói riêng gặp một số vướng mắc như:
Khuôn khổ pháp lý cho việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung và khu vực ngân hàng nói riêng, đặc biệt là can thiệp, xử lý của Nhà nước đối với các tổ chức tín dụng yếu kém khi cần thiết, chưa hoàn thiện.
Thiếu các cơ chế chính sách về miễn giảm thuế, phí để hỗ trợ tổ chức tín dụng trong xử lý nợ xấu và các tài sản đảm bảo tiền vay, các cơ chế chính sách về miễn giảm thuế, phí liên quan đến các giao dịch sáp nhập, hợp nhất, mua lại để hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Sự thiếu hợp tác, thậm chí chống đối từ phía cổ đông lớn của các ngân hàng thương mại yếu kém đối với các chính sách, biện pháp tái cơ cấu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, gây khó khăn cho quá trình tái cơ cấu đối với các ngân hàng này.
Nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế để có thể hỗ trợ cho việc xử lý nợ xấu, lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng, làm chậm tiến trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.