Kêu gọi các quốc gia tích hợp chương trình giảm phát thải vào quy hoạch phát triển tổng thể

(ĐTTCO) - Kế hoạch giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu cần được tích hợp vào quy hoạch phát triển tổng thể quốc gia trong dài hạn…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), các tổ chức nghiên cứu độc lập đã kêu gọi mở rộng góc nhìn về cân bằng phát thải để thực hiện các hành động cấp thiết.

NHIỀU QUỐC GIA ASEAN BỎ ĐIỆN THAN

Dự án Năng lượng sạch, giá cả phù hợp và bền vững cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE) vừa phát hành báo cáo “Mở rộng góc nhìn về cân bằng phát thải: tăng cường giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu kết hợp với các mục tiêu phát triển”.

Nội dung báo cáo lưu ý rằng kế hoạch bảo vệ khí hậu được thực hiện một cách hiệu quả hơn, kịp thời hơn nếu được tích hợp vào quy hoạch phát triển tổng thể quốc gia trong dài hạn.

Ông Fabby Tumiwa, Giám đốc điều hành tại Viện Cải cách Dịch vụ Thiết yếu (IESR) ở Indonesia, cho rằng các chính phủ ở Đông Nam Á cũng thể hiện đầy tham vọng về thực hiện để hạn chế việc phê duyệt các nhà máy điện than trong tương lai.

Ví dụ, vào tháng 10/2020, Philippines đã trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực tuyên bố đình chỉ các dự án điện than chưa thực hiện.

Indonesia cũng đã thông qua chính sách tương tự vào năm 2021 và các quan chức chính phủ hiện đang thảo luận lộ trình dừng hoạt động trước thời hạn các nhà máy điện than.

Ông Red Constantino, Giám đốc điều hành Viện Khí hậu và Đô thị bền vững tại Philippines, cho biết việc xây dựng các nhà máy điện than mới ở Philippines sẽ gây mất ổn định hơn cho hệ thống điện do dư thừa công suất của các công nghệ không linh hoạt tại quốc gia này, trong đó chủ yếu là các nhà máy điện than.

Sáu "ý tưởng cầu nối" và các yếu tố thúc đẩy có liên quan đến Đông Nam Á và những nỗ lực cân bằng phát thải tại khu vực - Nguồn: CASE.
Sáu "ý tưởng cầu nối" và các yếu tố thúc đẩy có liên quan đến Đông Nam Á và những nỗ lực cân bằng phát thải tại khu vực - Nguồn: CASE.

Theo bà Ngô Tố Nhiên, Giám đốc điều hành Sáng kiến Chuyển đổi Năng lượng Việt Nam (VIET), đã có rất nhiều công ty đa quốc gia và doanh nghiệp trong khu vực công bố ý định đẩy nhanh nỗ lực lắp đặt, sử dụng năng lượng sạch và cắt giảm khí thải các bon.

SẼ TĂNG GẤP ĐÔI TIỀN HỖ TRỢ CÁC QUỐC GIA

Để các công ty thúc đẩy mục tiêu cao hơn trong khu vực, bà Kannika Thampanishvong, Viện Nghiên cứu Phát triển Thái Lan, cho rằng các chính phủ nên tạo môi trường thuận lợi cho các tập đoàn đạt được cam kết về khí hậu và duy trì tính cạnh tranh, bao gồm tiếp cận tài chính và cơ sở hạ tầng hỗ trợ.

Báo cáo chứng minh rằng năng lượng tái tạo chính là xương sống cho các định hướng giảm thiểu các bon trên toàn nền kinh tế, nêu bật cơ hội cho các quốc gia Đông Nam Á đầu tư sớm vào điện khí hóa giao thông và công nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Với việc giảm chi phí của các công nghệ sạch mới đã hướng đến các lựa chọn thay thế bền vững, như: năng lượng tái tạo, các hệ thống điện phi tập trung và pin lưu trữ.

Bà Jesse Scott, Giám đốc Chương trình Quốc tế Agora Energiewende tại Đức, ở Đông Nam Á, ưu tiên của hầu hết các chính phủ là tăng trưởng kinh tế, tăng năng suất và giảm bất bình đẳng. Tuy nhiên, những ưu tiên này không thể đạt được nếu không có hành động phối hợp toàn cầu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

“Cần mở rộng quy mô gói tài chính quốc tế để đạt được sự cam kết về giảm phát thải mạnh mẽ hơn”, bà Jesse Scott nhấn mạnh.

Các nỗ lực toàn cầu đang hướng tới giữ sự nóng lên toàn cầu không quá 1,5°C. Do đó, năm tới, nhiều hứa hẹn tăng gấp 02 số tiền hỗ trợ các quốc gia đối phó với tác động nóng lên toàn cầu, bà Frauke Roeser, thành viên sáng lập Viện NewClimate, cho biết.

Các tin khác