Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất vừa được Tổng cục Hải quan công bố, trong kỳ 1 tháng 4/2023 (từ ngày 1/4 đến ngày 15/4/2023), tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 26,08 tỷ USD, giảm 15,3% (tương ứng giảm 4,71 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 3/2023.
Nhiều nhóm hàng chủ lực giảm mạnh
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 4/2023 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/4/2023 đạt 179,74 tỷ USD, giảm 14,6% (tương ứng giảm 30,7 tỷ USD về số tuyệt đối) so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 125,56 tỷ USD, giảm 14,2% (tương ứng giảm 20,7 tỷ USD).
Cụ thể, về xuất khẩu, trong kỳ 1 tháng 4/2023 đạt 13,24 tỷ USD, giảm 19,2% (tương ứng giảm 3,14 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kỳ 2 tháng 3/2023.
Một số nhóm hàng có trị giá xuất khẩu kỳ 1 tháng 4/2023 giảm so với kỳ 2 tháng 3/2023, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 672 triệu USD (tương ứng giảm 25,2%); điện thoại các loại và linh kiện giảm 565 triệu USD (tương ứng giảm 22,9%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 434 triệu USD (tương ứng giảm 21,7%); sắt thép các loại giảm 230 triệu USD (tương ứng giảm 47,7%); hàng dệt may giảm 211 triệu USD (tương ứng giảm 15,2%)...
Như vậy, tính từ đầu năm đến hết 15/4/2023, tổng trị giá xuất khẩu của Việt Nam đạt 92,5 tỷ USD, giảm 12,1% (tương ứng giảm 12,73 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, một số nhóm hàng giảm như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 2,71 tỷ USD (tương ứng giảm 15%); hàng dệt may giảm 1,84 tỷ USD (tương ứng giảm 18,1%); gỗ và sản phẩm gỗ giảm 1,45 tỷ USD (tương ứng giảm 30,3%); giày dép giảm 1,05 tỷ USD (tương ứng giảm 16,8%)... so với cùng kỳ năm 2022.
Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 01/01/2023 đến 15/4/2023và cùng kỳ năm 2022. Nguồn: Tổng cục Hải quan.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 4/2023 đạt 9,56 tỷ USD, giảm 20,5% (tương ứng giảm 2,47 tỷ USD) so với kỳ 2 tháng 3/2023.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/4/2023, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 68,6 tỷ USD, giảm 11% (tương ứng giảm 8,48 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 74,2% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Từ chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 4/2023 đạt 12,84 tỷ USD, giảm 10,9% (tương ứng giảm 1,56 tỷ USD về số tuyệt đối) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 3/2023.
Trị giá nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 4/2023 giảm so với kỳ 2 tháng 3/2023 chủ yếu ở một số nhóm hàng sau: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 448 triệu USD (tương ứng giảm 12,7%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 264 triệu USD (tương ứng giảm 14,2%); sắt thép các loại giảm 138 triệu USD (tương ứng giảm 24,5%)...
Như vậy, tính từ đầu năm đến hết 15/4/2023, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 87,24 tỷ USD, giảm 17,1% (tương ứng giảm 17,97 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó một số nhóm hàng giảm mạnh như: điện thoại các loại và linh kiện giảm 4,29 tỷ USD (tương ứng giảm 65,3%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm 3,4 tỷ USD (tương ứng giảm 13,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác giảm 1,83 tỷ USD (tương ứng giảm 14,5%) so với cùng kỳ năm 2022.
Trị giá nhập khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 01/01/2023 đến 15/4/2023 và cùng kỳ năm 2022. Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 4/2023 đạt 8,28 tỷ USD, giảm 8,6% (tương ứng giảm 779 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 3/2023.
Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/4/2023, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm các doanh nghiệp FDI đạt 56,96 tỷ USD, giảm 17,7% (tương ứng giảm 12,26 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 65,3% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước.
Với kết quả trên, trong kỳ 1 tháng 4/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 398 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/4/2023, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 5,25 tỷ USD.
Khẩn trương mở cửa các thị trường mới
Lý giải về nguyên nhân sụt giảm của xuất khẩu, Bộ Công Thương cho rằng là do yếu tố thị trường xuất khẩu, các ngành hàng đều gặp khó khăn do lạm phát cao, giảm tổng cầu trên phạm vi toàn thế giới, đặc biệt là hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu. Tuy nhiên, tác động đến từng ngành hàng có sự khác nhau.
Cụ thể, những ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, EU,.. như dệt may, da giày, gỗ, thủy sản có mức sụt giảm nhiều nhất; trong khi các ngành hàng có thị trường xuất khẩu chính là châu Á như cao su, gạo, rau quả, hạt điều... ít chịu tác động hơn.
Bên cạnh đó, một số ngành hàng như thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại. Vấn đề chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao cũng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
Tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 25/4, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã nhấn mạnh: “Phải hỗ trợ doanh nghiệp có đơn hàng, bởi vì thời điểm này mất đơn hàng là mất thị trường”.
Chính vì vậy, để hỗ trợ cho việc tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu và mở rộng thị trường, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu các đơn vị (Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại, Vụ Chính sách thương mại đa biên và các vụ thị trường trong và ngoài nước, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia) chú trọng làm tốt công tác thông tin thị trường, nhất là thị trường tiềm năng thông qua việc tổ chức hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa Thương vụ Việt Nam với Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lớn trong nước.
Bên cạnh đó, đổi mới, nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, nhất là thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm thúc đẩy các chuỗi cung ứng, liên thông, mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu; đồng thời cần tiếp tục theo sát diễn biến của kinh tế thế giới nhất là chính sách và động thái chính sách mới của các nước lớn, các nước có tầm ảnh hưởng…. để tham mưu, tư vấn, phản ứng chính sách phù hợp…
Đặc biệt, chú trọng hướng dẫn, giúp đỡ các hiệp hội và doanh nghiệp khai thác, phát huy các thị trường truyền thống và khai mở thị trường mới, giàu tiềm năng như Bắc Âu, Đông Âu, Tây Á, Nam Á, châu Phi và Mỹ La tinh. Đồng thời khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết để ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Israel, đẩy nhanh tiến độ đàm phán với UAE để vào thị trường Trung Đông và biến các FTA này thành động lực để khai thác thị trường Châu Mỹ La tinh, bao gồm: Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay...