Việc tìm kiếm các thị trường mới được nói đến khá nhiều trong hầu hết các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam vài năm trở lại đây. Song theo một số chuyên gia cũng như nhiều DN, Hoa Kỳ vẫn là một thị trường tiềm năng cần khai thác nhiều hơn nữa.
Tiềm năng lớn
Ông Nguyễn Duy Khiên, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương, không ít lần khẳng định tiềm năng và cơ hội xuất khẩu của hàng hóa Viêt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Là một nước đông dân trong khi người dân có thói quen mua sắm mạnh tay, hàng năm Hoa Kỳ nhập khẩu hơn 2.000 tỷ USD.
Song, cho đến nay hàng hóa Việt Nam mới chỉ chiếm chưa tới 1% tổng nhu cầu nhập khẩu của nước này, dù Hoa Kỳ hiện là 1 trong 2 đối tác nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Kỹ nghệ gỗ Trường Thành, cũng cho rằng ngành gỗ nói riêng và các ngành xuất khẩu khác của Việt Nam nên đẩy mạnh khai thác thị trường Hoa Kỳ. Những lo lắng về việc “bỏ trứng vào một giỏ” đã được ông Thành lý giải: “Trong thời điểm kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu dùng của Hoa Kỳ có giảm sút nhưng không đáng kể. Bằng chứng là không ít mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ vẫn tăng trưởng trong năm 2012.
Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất, nhưng chúng ta chưa |
Nhìn lại các mặt hàng Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ sẽ thấy nhận định này khá chuẩn xác. Riêng với dệt may xuất khẩu năm 2012 vẫn tăng 9,2% và được nhận định sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay. Vì trong khoảng 100 tỷ USD nhập khẩu hàng năm của Hoa Kỳ, dệt may Việt Nam mới chiếm con số ít ỏi 7,6 tỷ USD.
Tương tự, Hoa Kỳ hiện là thị trường nhập khẩu đồ gỗ lớn nhất với hơn 40% tổng thị phần, nhưng đồ gỗ Việt Nam vẫn còn quá khiếm tốn ở thị trường này. Cũng phải nói thêm rằng một trong những lý do hàng Việt còn ít ở Hoa Kỳ là chúng ta chỉ tập trung xuất khẩu những mặt hàng truyền thống như dệt may, giày dép, đồ gỗ… mà thiếu đi sự đa dạng từ những mặt hàng xuất khẩu khác như nông sản, thực phẩm…
Việc này còn làm cho giá trị gia tăng thu về từ mặt hàng xuất khẩu rất thấp và nếu lợi thế nhân công giá rẻ mất đi, lợi thế của Việt Nam khi xuất các mặt hàng này cũng không còn.
Thách thức không nhỏ
Các DN nên đẩy mạnh nhiều phương thức tiếp cận với nhà nhập khẩu. Nếu chưa có điều kiện tham gia các hội chợ thì tiếp cận qua thương mại điện tử cũng là một lựa chọn hay cho DN. Ngoài ra, các DN cũng đang chờ đón tin vui từ Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên thái bình dương (TPP) dự kiến sẽ được ký kết vào cuối năm 2013 hoặc đầu năm 2014. Khi đó cánh cửa vào thị trường Hoa Kỳ sẽ mở rộng hơn rất nhiều. | |
Ông LÊ XUÂN DƯƠNG, |
Có thể thấy những tiềm năng rất lớn tại thị trường Hoa Kỳ để DN Việt Nam có thể đẩy mạnh khai thác bằng nhiều hình thức trong năm 2013 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, khi cơ hội nhiều, thách thức cũng không ít.
Điều đầu tiên, với nhu cầu nhập khẩu hàng năm lớn nên có rất nhiều nước cùng đưa hàng vào Hoa Kỳ và cạnh tranh gay gắt là không thể tránh khỏi. Đặc biệt, việc phải cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc đang trở thành một khó khăn không nhỏ với hàng hóa của Việt Nam.
Muốn các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ chuyển từ việc lấy hàng của những đối tác quen thuộc qua nhập hàng của Việt Nam, các DN phải có được những mặt hàng chất lượng tốt, giá phải rẻ hoặc độc đáo hơn.
Song, do vị trí địa lý xa khiến giá vận chuyển cao, lại thêm Việt Nam không có nhiều ưu đãi về thuế nên làm việc này không hề đơn giản.
Thêm vào đó là những rào cản nước này đưa ra với hàng nhập khẩu đến từ các nước, trong đó có Việt Nam, cũng đang khiến các DN đau đầu.
Một trong số đó là thuế chống bán phá giá được đánh lên không ít mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Gần đây là việc tôm đông lạnh của Việt Nam bị Liên minh Khai thác tôm Hoa Kỳ kiện.
Ngành thực phẩm cũng trong tâm trạng lo lắng trước những quy định mới của Hoa Kỳ. Theo đó, Việt Nam xuất khẩu thực phẩm không những phải đăng ký lại cơ sở sản xuất với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) để được xuất khẩu hàng hoá qua nước này từ ngày 1-1-2013, mà DN phải duy trì liên lạc 24/24 giờ tại Hoa Kỳ, tức DN phải đăng ký với FDA một người đại diện tại Hoa Kỳ cho cơ sở của mình.
Người đại diện tại Hoa Kỳ có thể là một người, một công ty hoặc một cơ quan có trụ sở tại Hoa Kỳ đóng vai trò là người liên lạc tại chỗ, duy trì liên lạc thông suốt với FDA 24/24 giờ.
Thêm một khó khăn nữa là các nhà nhập khẩu thường có nhu cầu nhập khẩu lớn, trong khi hầu hết DN chưa đáp ứng được nhu cầu, buộc phải nhập qua trung gian. Khó khăn nhiều nhưng cũng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho đối tác.