Khai thác hiệu quả dòng vốn ngoại

(ĐTTCO) - Những chỉ đạo mới đây từ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, một lần nữa mở ra hy vọng cánh cửa ODA (vốn vay viện trợ chính thức nước ngoài) khép dần không phải là trở ngại để vượt qua. 
Một chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vốn ODA trong giai đoạn tới sẽ sớm được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, trình Thủ tướng ban hành.
Vốn rẻ sắp hết
Tại nhiều kỳ họp Quốc hội gần đây, tình trạng nợ công tăng cao, hiệu quả sử dụng ODA lại thấp đã khiến nhiều đại biểu (ĐB) không khỏi sốt ruột. Thậm chí, dù đã hơn một lần phát biểu chất vấn tại nghị trường và đã được trả lời, song ĐB Hoàng Quang Hàm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, vẫn gửi văn bản chất vấn thẳng người đứng đầu Chính phủ. 
 Thể chế quản lý, sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi chưa theo kịp và đồng bộ với những thay đổi về luật pháp trong nước về đầu tư công, nhất là trong trung hạn. Do vậy, hoàn thiện thể chế tiếp tục là một nhiệm vụ quan trọng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ với cơ quan lập pháp. 
Ông Nguyễn Đức Hải, 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính -
Ngân sách của Quốc hội
Báo cáo tại hội thảo ở Đà Nẵng ngày 5-3, ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết theo các điều ước quốc tế thời kỳ 2011-2016 của Việt Nam là 33,85 tỷ USD, cao hơn 57% so với thời kỳ 2006-2010. Trong đó, tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi ký kết trong giai đoạn 2011-2016 của lĩnh vực giao thông chiếm tỷ trọng cao nhất (34,63%).
Giai đoạn này giải ngân của các nhà tài trợ lớn như: Ngân hàng Thế giới (WB), Nhật Bản đã có những tiến bộ vượt bậc, đạt hơn 26,9 tỷ USD… Nhiều công trình, dự án trọng điểm quốc gia sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi như: cao tốc Nội Bài - Lào Cai, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Nhật Tân, đường nối Nhật Tân - Nội Bài, nhà ga hành khách quốc tế T2 sân bay Nội Bài... góp phần hoàn chỉnh, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chia sẻ, từ năm 2011 đến nay, TPHCM đã vận động được 13 dự án mới và bổ sung từ vốn vay ODA cho 3 dự án đang triển khai với tổng vốn gần 50.000 tỷ đồng…
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay ODA (nguồn vốn vay với những điều kiện rất ưu đãi) vừa qua vẫn chưa được như mong muốn, trong khi nguồn vốn ODA có chiều hướng giảm dần trong thời kỳ 2011-2016 và đang hoàn thành nốt những hiệp định cuối cùng trước khi Việt Nam được đưa vào diện không còn được ưu đãi. Một số nhà tài trợ, cả đa phương và song phương đã giảm dần và có kế hoạch chấm dứt chương trình viện trợ chính thức dành cho Việt Nam như: WB, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Vương quốc Anh, Phần Lan, Na Uy… 
Trước năm 2010, các khoản vốn ODA của WB (nhà tài trợ ODA lớn nhất) dành cho Việt Nam có lãi suất trung bình 1%, thời gian ân hạn kéo dài, thì những năm gần đây lãi suất đã tăng lên 1,5%/năm. Xu thế hiển nhiên và không thể đảo ngược là các điều kiện vay vốn nước ngoài đang trở nên kém ưu đãi hơn nhiều.  
Khai thác hiệu quả dòng vốn ngoại ảnh 1 Đường Mai Chí Thọ (quận 2, TPHCM), một phần Đại lộ Đông Tây được xây dựng bằng vốn ODA. 
Giám sát chặt dòng vốn
Nhìn từ góc độ triển khai giải ngân nguồn vốn để thực hiện dự án, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TP đã thành lập tổ công tác và đang xây dựng quy chế quản lý nợ chính quyền của TPHCM. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với WB đánh giá hiệu quả quản lý nợ địa phương…
Theo ông Nguyễn Văn Hào, Phó Cục trưởng Cục Kế toán Nhà nước (Kho bạc Nhà nước), vốn ODA chỉ nên đầu tư dự án trọng điểm quốc gia và khu vực về giao thông và thủy lợi, nghĩa là chỉ chi ở ngân sách Trung ương. Địa phương muốn sử dụng vốn ODA cần phải áp dụng theo cơ chế vay lại.
Cơ sở để thực hiện cho vay lại là khả năng thu hồi, hoàn trả vốn. Địa phương nào phát triển, có khả năng thu hồi vốn nhanh thì tăng tỷ lệ cho vay lại vốn ODA và giảm tỷ lệ cấp phát bằng ngân sách. Tỉnh nghèo thì phần cho vay ODA giảm xuống, tăng đầu tư không hoàn lại. Khi đó, việc sử dụng vốn ODA sẽ tiết kiệm, hiệu quả. Cơ quan, tổ chức nào vi phạm quy định về quản lý vốn vay ODA phải xử lý theo quy định của điều 18 Luật Ngân sách nhà nước.
Một giải pháp khác là tăng cường “khơi” nguồn lực trong dân. Theo một thành viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, huy động nguồn lực “nội” có lợi ích “kép”: vừa có vốn để đầu tư, lãi suất từ đồng vốn này lại tạo ra tăng trưởng quốc nội. Trong nhiều trường hợp, chi phí vay vốn ODA nếu tính đầy đủ tất cả các điều kiện vào, chưa chắc đã rẻ hơn huy động vốn nội. Vấn đề đặt ra là chất lượng thực hiện dự án phải đủ để người dân yên tâm tin tưởng đầu tư. 
Đáng lưu ý, sau khi lắng nghe các ý kiến về việc quản lý vốn vay ODA và vay ưu đãi tại cuộc họp mới đây với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và đại diện tất cả các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo dứt khoát. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, trong giai đoạn tới phải thắt chặt quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay ODA, kể cả các dự án hỗ trợ kỹ thuật.
Cụ thể, đối với các chương trình, dự án ODA và các hiệp định đã ký từ năm 2017 về trước, cần thực hiện theo Nghị quyết 49 của Quốc hội (về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018). Các cơ quan chủ quản chủ động rà soát, cắt giảm tối đa các khoản chi không hiệu quả, chưa cần thiết. Các khoản vay ODA mới nhất định chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không dùng cho chi thường xuyên…
Quả thực, thời kỳ đầu tư cho cơ sở hạ tầng bằng nguồn vốn ODA dễ dàng đã chấm dứt. Tuy nhiên, nếu biết cách làm, điều này không đồng nghĩa với việc cánh cửa “kho vốn” khép lại. Bởi suy cho cùng hiệu quả sử dụng vốn mới là tiêu chí đánh giá cuối cùng. 

Các tin khác