TPHCM hiện đang có tiềm năng phát triển kinh tế đêm song vẫn chưa được quy hoạch lại để phát huy tối đa tiềm năng.
Hiện TPHCM chưa có sự phân định rõ ràng giữa phố đi bộ và khu kinh tế đêm; ứng dụng công nghệ trong quản lý ở khu vực này chưa được triển khai thành công và sự ủng hộ của Chính phủ còn mờ nhạt. Cụ thể, các loại hình dịch vụ hiện vẫn đang hoạt động tự phát với quy mô rời rạc, thiếu xuyên suốt nhiều khu vực, thậm chí trên cùng tuyến đường. Chẳng hạn, kinh doanh vỉa hè tự phát sai quy định tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, hay lấn chiếm lòng lề đường ở đường Bùi Viện cần được đưa vào quy hoạch và có quy định rõ ràng.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ có thiết kế và cấu trúc như phố đi bộ văn hóa thay vì khu kinh tế đêm. Vì vậy, các hoạt động buôn bán hàng rong đều bị cấm hoạt động, trong khi đây lại là vị trí có mật độ tập trung cả du khách lẫn người dân địa phương hàng đêm dày đặc.
Nếu được quy hoạch và có chiến thuật tổ chức, kiểm soát đúng đắn, phố đi bộ và nhiều tuyến đường chuyên cung cấp các dịch vụ về đêm chính là nguồn thu siêu lợi nhuận ổn định. Vì chưa ứng dụng được công nghệ nên TPHCM đang bỏ qua các khoản thu thuế từ hoạt động buôn bán vỉa hè. Việc thanh toán bằng tiền mặt mang đến nhiều rủi ro sức khỏe nhất là trong bối cảnh Covid vẫn tiếp tục diễn ra với nhiều biến chủng mới.
Quyết định 1129/QĐ-TTg ban hành vào 27-7-2020 là văn bản mới nhất thể hiện rõ quan điểm ủng hộ phát triển kinh tế đêm ở Việt Nam, khẳng định vai trò cực kỳ quan trọng của lĩnh vực này. Quyết định nhấn mạnh địa phương phải “có phương án di dời dân cư ra khỏi khu vực tập trung phát triển kinh tế ban đêm, có quy hoạch cụ thể khu vực sinh sống của người dân sau khi di dời, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân vào ban đêm”.
Tuy nhiên, hiện nay xung quanh phố đi bộ hay dọc theo đường Bùi Viện là nơi tập trung đông đúc các địa điểm lưu trú như khách sạn và nhà dân. Điều này khiến người dân bị ô nhiễm tiếng ồn, các đơn vị kinh doanh giải trí không thể hoạt động tối đa công suất dẫn đến không tối ưu hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra, phương tiện giao thông cá nhân vẫn được phép di chuyển qua những khu vực này, vừa thu hẹp diện tích hoạt động kinh tế đêm (không sử dụng được lòng đường) vừa ẩn chứa rủi ro an toàn giao thông.
Tại Thái Lan, phố Khaosan và khu vực đi bộ xung quanh nơi này việc buôn bán hàng rong được Chính phủ khích lệ phát triển theo đúng quy chuẩn và quy họach về khung thời gian, chất lượng dịch vụ… Tương tự như đường Bùi Viện, khu Nana hay Silom của Thái Lan cung cấp các dịch vụ liên quan đến quán bar và câu lạc bộ đêm.
Du khách có thể tự do sử dụng dịch vụ khắp con đường ngay cả lòng lề đường để vui chơi giải trí, thay vì bị xử lý nếu lấn chiếm lòng lề đường như đường Bùi Viện. TP Bangkok ban hành quy định bên trong những khu kinh tế đêm, phương tiện giao thông hoàn toàn bị cấm để đảm bảo an toàn cho du khách. Ngoài ra, các tiện ích bổ trợ xung quanh như hệ thống phương tiện giao thông công cộng đến các trục đường huyết mạch của Bangkok hoạt động 24/7 giúp du khách thuận tiện trong việc di chuyển.
Phương thức thanh toán truyền thống chiếm ưu thế tại các khu vực kinh tế đêm tại TPHCM. Tuy nhiên, việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán vừa đi ngược chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Trái lại, kể từ năm 2017, chính phủ Thái Lan đã ra quyết định khuyến khích các đơn vị kinh doanh dịch vụ kinh tế đêm, bao gồm cả kinh doanh vỉa hè sử dụng QR Code đã được chuẩn hóa (Thai QR Payment), phục vụ thanh toán và giao nhiệm vụ phát hành QR Code đối với các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ và kinh doanh vỉa hè cho những ngân hàng lớn nhất Thái Lan như Bangkok Bank, Kasikorn Bank...
Việc này không chỉ thúc đẩy mục tiêu xã hội thanh toán không dùng tiền mặt, còn là điểm sáng giúp các nhà chức trách TP Bangkok nói riêng và Thái Lan nói chung dễ dàng kiểm soát thu nhập thực tế của người bán, yêu cầu họ nộp thuế góp phần tăng nguồn thu ngân sách quốc gia từ thuế.
Như vậy, để kinh tế đêm là khu vực kinh tế động lực, tiềm năng mới của TPHCM, cần được hỗ trợ và phát triển nhanh chóng, đúng đắn và hiệu quả. TPHCM cần chuyển từ trạng thái nghiêm cấm sang cho phép hoạt động một cách có tổ chức theo đúng quy định. Cần lưu ý, trong quá trình vận hành và phát triển, kinh tế đêm gắn liền với nhiều vấn đề đang hiện hữu, từ quy định pháp lý đến quy hoạch không gian lẫn an ninh đô thị… Vì vậy, muốn phát triển trước hết cần khơi thông.
Thứ nhất, mật độ dịch vụ cần đủ để đáp ứng được lượng cầu tập trung cao cùng một thời điểm. Thời gian được phép hoạt động ban đêm cũng là yếu tố quyết định đến hiệu quả kinh tế đêm. Thứ hai, khu vực khai thác dịch vụ phải có sự kết nối thuận tiện nhưng vẫn độc lập tương đối với khu vực sinh hoạt văn hóa. Đây cũng là cách giúp quản lý về mặt an ninh xã hội, hạn chế các tệ nạn phát sinh. Thứ ba, kinh tế đêm gắn bó chặt chẽ với kinh tế vỉa hè và sinh hoạt văn hóa đêm, với cùng đặc trưng là khai thác không gian công cộng để tạo giá trị, hoặc văn hóa, hoặc kinh tế hoặc cả 2. Lòng đường, lề đường, quảng trường… đều có thể tạo ra giá trị cho cộng đồng từ du khách đến người cung ứng dịch vụ, nhưng cơ bản vẫn đang được khai thác ở dạng miễn phí. Cơ chế đặc thù cho phát triển và tạo nguồn, cũng nên cân nhắc yếu tố này.
Thứ tư, hệ thống giao thông công cộng kết nối với địa điểm diễn ra kinh tế đêm cần được phát triển, bổ sung, cải thiện và tăng công suất phục vụ lên 24/7. Thứ năm, quản lý kinh tế đêm, cần xác định rõ các nhóm dịch vụ, để có các quy định phù hợp và tương ứng. Quan sát từ cách làm của Australia, quản lý kinh tế đêm được phân định theo 3 nhóm: cốt lõi, không cốt lõi và nhóm cung ứng. Từ đó, các quy định về thời gian được phép hoạt động, chính sách thuế… đều được thiết kế tương thích.