UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ thống nhất về nguồn vốn, phạm vi, địa phương làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai các dự án thành phần thuộc 2 tuyến đường trên. Đồng thời, có văn bản giao nhiệm vụ các địa phương thực hiện.
Cùng ngày, Bộ GTVT cho biết, đã có dự kiến phân chia phạm vi dự án thành phần của dự án Vành đai 3, 4 TPHCM để giao cho các địa phương làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện.
Dự án đường Vành đai 3 có tổng chiều dài hơn 92km, cần đầu tư ngay giai đoạn này hơn 76km với tổng mức đầu tư 54.292 tỷ đồng. Trong đó, đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có 8,75km, vốn đầu tư 6,955 tỷ đồng được đầu tư công sẽ tiếp tục do Bộ GTVT triển khai.
Hiện dự án thành phần này đã ký hợp đồng vay vốn ODA Hàn Quốc và địa phương đang chịu trách nhiệm triển khai giải phóng mặt bằng; còn lại 19,65km với tổng vốn 14.800 tỷ đồng sẽ giao cho 2 địa phương là Đồng Nai, TPHCM làm cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư. Đoạn Bình Chuẩn - quốc lộ 22 dài 19km, mức đầu tư 17.000 tỷ đồng, được giao cho tỉnh Bình Dương và TPHCM. Đoạn quốc lộ 22 - Bến Lức dài 29km, mức đầu tư 18.000 tỷ đồng, giao cho TPHCM và Long An đề xuất. Đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn dài 16,3km được giao cho tỉnh Bình Dương.
Với dự án đường Vành đai 4, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chịu trách nhiệm nghiên cứu đề xuất 18,3km, tỉnh Đồng Nai nghiên cứu đề xuất 39,45km, Bình Dương chịu trách nhiệm 21,9km (trong đó có 14,9km đầu tư công và 7km còn lại tự đề xuất phương án). TPHCM chịu trách nhiệm và đề xuất phương án 16,75km, Long An chịu trách nhiệm và đề xuất phương án 47km.
Trên cơ sở dự kiến phân chia dự án thành phần, Bộ GTVT đề nghị các địa phương liên quan khẩn trương thống nhất và giao nhiệm vụ cho các cơ quan đầu mối để triển khai thực hiện.