Nhiều DN đã phải từ chối nhận đơn đặt hàng cho quý tiếp theo vì không còn nguyên liệu sản xuất, nội lực vốn cũng đang mỏng dần, thậm chí đứng trước nguy cơ phải “rời bỏ” thị trường.
Kiệt sức vì sản xuất giảm sút
Ông Trần Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty Cơ khí Sunlight, chia sẻ DN biết thông tin về việc có chính sách hỗ trợ như giãn nợ, khoanh nợ, giảm thuế, phí… cho DN, nhưng hiện chưa tiếp cận được. Nguyên nhân được các cơ quan chức năng địa phương cho biết là vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn cụ thể từ các bộ ngành mới có thể thực hiện được.
Cũng trong tâm trạng chờ đợi như vậy, đại diện Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM cho biết, đến nay hầu hết DN chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ từ Chính phủ. Số ít DN từ đầu tháng 2 đã chủ động làm việc với các hệ thống ngân hàng để được giãn nợ hoặc giảm trừ lãi suất vay, nhằm kéo dài thời gian ứng phó với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, nhiều DN khẳng định, nếu đến tháng 6 mà dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát thì ngay cả những DN có nội lực vốn lớn cũng rất khó trụ vững.
Ý kiến này cũng tương đồng với kết quả khảo sát gần đây do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) thực hiện trên 1.200 DN. Theo đó, nếu tình hình dịch bệnh kéo dài đến tháng 6 và những gói hỗ trợ không sớm đến tay DN thì có gần 74% số DN có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động, lương cho người lao động, tiền thuê mặt bằng cũng như lãi vay ngân hàng.
Trong đó, tỷ lệ DN có doanh thu bị giảm (do ảnh hưởng dịch) trên 50% chiếm hơn 60%, doanh thu giảm 20%-50% chiếm gần 29%. Riêng từ đầu năm đến nay, cả nước đã có gần 28.000 DN buộc phải ngưng sản xuất, tạm ngưng hoặc đã hoàn tất thủ tục giải thể.
Ông Nam nhấn mạnh, chỉ tính riêng trong lĩnh vực chế biến chế tạo, có đến 80% DN phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc gián đoạn nguồn cung nguyên liệu từ đầu năm đến nay đã buộc nhiều DN xoay trục thị trường cung ứng nguyên liệu sang nhiều nước khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, châu Âu, Hoa Kỳ… Thế nhưng, giá nguyên liệu cao hơn khoảng 10%-15% từ các thị trường này đã khiến nhiều DN có quy mô sản xuất vừa và nhỏ không đủ sức duy trì hoạt động sản xuất.
Tháo nhanh nút thắt
Hiện kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1-2020 đạt 18,6 tỷ USD, thấp hơn 500 triệu USD so với số ước tính. Đến hết tháng 2, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 18,5 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm 2020, hiện Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 10 tỷ USD. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2019 đã giảm 0,4%.
Ngược lại, thị trường Hàn Quốc, EU và Hoa Kỳ có kim ngạch nhập khẩu thấp hơn Trung Quốc, lần lượt đạt 8 tỷ USD, 2,1 tỷ USD và gần 2,2 tỷ USD, nhưng so với cùng kỳ năm trước đã tăng lần lượt là 9%, 3,5% và 13,6%. Thực tế này cho thấy đang có sự xoay trục cũng như đa dạng hơn của DN nội trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu, giảm sự phụ thuộc vào thị trường cung ứng nguyên liệu từ Trung Quốc - vốn đang đình trệ vì dịch bệnh.
Ở góc độ DN, theo Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM Phạm Xuân Hồng, việc đa dạng thị trường cung ứng nguyên liệu là rất cần thiết, nhưng chỉ những DN có nội lực vốn lớn mới đủ khả năng nhập khẩu nguyên liệu từ châu Âu, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản…, còn những DN quy mô nhỏ và vừa thì đang cố gắng xoay xở từ nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ. Thế nhưng, thời gian gần đây, do lượng đơn hàng tăng đột biến nên các DN sản xuất của Ấn Độ bị quá tải, kéo theo nguồn cung cho DN trong nước từ thị trường này cũng bị hạn chế và thiếu ổn định.
Để có thể hỗ trợ DN giải quyết khó khăn, theo ý kiến của nhiều DN, Chính phủ cần đẩy nhanh việc hướng dẫn các cơ quan chức năng triển khai giải pháp hỗ trợ, đặc biệt là gói hỗ trợ tín dụng, miễn giảm thuế, phí… 280.000 tỷ đồng. Không chỉ vậy, chính sách hỗ trợ vốn cũng rất quan trọng trong bối cảnh DN phải chấp nhận mua nguyên liệu sản xuất giá cao để duy trì đơn đặt hàng và giữ chân đối tác.
Các cơ quan chức năng cần rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho DN. Còn với nguồn nguyên liệu cung ứng thay thế nhập khẩu từ Trung Quốc, Bộ Công thương cần chỉ đạo tham tán thương mại tìm hiểu nguồn cung cụ thể và kết nối trực tiếp với DN, hiệp hội ngành nghề để hỗ trợ DN nhanh nhất.
Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện đã có nhiều DN cạn kiệt nguồn nguyên liệu sản xuất mà vẫn chưa tìm kiếm được nguyên liệu thay thế. Số ít DN kiếm được nguyên liệu sản xuất nhưng không thể đáp ứng các đơn hàng vì giá nguyên liệu tăng cao. Số còn lại, những DN có nội lực vốn lớn cũng đang gặp khó khăn do nguyên liệu cung ứng từ các thị trường thay thế không ổn định, nên không thể mạo hiểm nhận đơn đặt hàng cho quý 3. |