Chúng ta sẽ thực hiện vai trò kép: Chủ tịch ASEAN 2020 đúng dịp kỷ niệm 25 năm gia nhập “mái nhà chung” ASEAN, một cơ hội đặc biệt để Việt Nam phát huy vai trò, khẳng định vị thế và uy tín ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế; Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, là cầu nối của Liên hiệp quốc với ASEAN, qua đó thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Liên hiệp quốc và ASEAN.
Đảm nhận hai trọng trách quan trọng này cùng một lúc tuy là nhiệm vụ khó khăn, song lại mở ra cơ hội để Việt Nam nâng cao vị thế và tiếng nói trên trường quốc tế. Liên hiệp quốc cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ để giúp Việt Nam đảm nhận tốt nhất các vai trò của mình trong năm 2020.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã nhận diện trong chặng đường mới ASEAN phải đối mặt không ít thách thức do bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống ngày càng gia tăng.
Nếu năm 2010 (lần đầu tiên Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN) chúng ta đang ở giai đoạn xây dựng lòng tin, thì năm 2020 là giai đoạn phòng ngừa những sự cố có thể xảy ra. Do vậy nhiệm vụ của chúng ta là ngăn ngừa tất cả những sự cố hay những tranh chấp diễn biến nghiêm trọng hơn có thể trở thành xung đột hay đối đầu.
Bối cảnh quốc tế hiện nay cũng khác nhiều so với 10 năm trước, đó là sự cạnh tranh giữa các nước lớn, đặc biệt giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng sâu rộng hơn. Điều đó cũng sẽ tác động trực tiếp đến vai trò ASEAN, và nước làm Chủ tịch ASEAN phải có nhiệm vụ đảm bảo đoàn kết, đồng thuận trong nội bộ khối và tận dụng sự ủng hộ của các đối tác.
Từ các thách thức đặt ra nhiệm vụ xây dựng Cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã lựa chọn cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 với chủ đề: “Gắn kết và Chủ động thích ứng”. “Gắn kết” là mong muốn củng cố khối đoàn kết, thống nhất, nâng cao năng lực nội tại Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc của ASEAN.
Trong bối cảnh ASEAN đang chịu các tác động phức tạp, đa chiều từ bên ngoài cũng như đứng trước nhu cầu phát triển, liên kết sâu rộng trong nội khối ASEAN càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. “Chủ động thích ứng” là mong muốn nâng cao năng lực của ASEAN để có thể thích ứng một cách chủ động và hiệu quả trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, trước các thách thức đang nổi lên, như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia…
Đồng thời nâng cao khả năng tận dụng các cơ hội do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển mới có thể chủ động thích ứng các yếu tố tác động từ bên ngoài và ngược lại, sẽ giúp ASEAN trở thành một khối gắn kết chặt chẽ.
So với thời kỳ đầu tiên hội nhập ASEAN, Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, quan hệ hợp tác của Việt Nam với trụ cột là kinh tế, lấy thương mại và đầu tư làm nền tảng, đã mang lại động lực cho việc kết nối chặt chẽ và mạnh mẽ của Việt Nam với các nước trong khu vực.
Hiện nay lòng tin giữa Việt Nam không chỉ với các nước trong khu vực được nâng lên, mà lan tỏa uy tín trên thế giới. Kinh tế của Việt Nam cũng bắt kịp đà phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới, nhờ việc ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, như Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) dành cho Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA), hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA).
Với ASEAN cũng đã có nhiều FTA với các quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand. Mỗi một FTA là một con đường ưu tiên về thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu của chúng ta đi các thị trường đối tác.
Là thành viên ASEAN, chúng ta có cơ hội cùng các nước trong ASEAN tiếp cận 6 thị trường đối tác mà ASEAN có FTA (thậm chí một số đối tác của ASEAN như Nhật Bản, Hàn Quốc chúng ta còn có thêm FTA song phương).
Thuận lợi nhìn thấy, nhưng thách thức cũng đang lộ diện. Đó là những thay đổi nhanh chóng đòi hỏi khả năng thích ứng kịp thời của ASEAN. Trong đó có thể kể đến những vấn đề nền tảng liên quan công nghệ 4.0, kinh tế số, khởi nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử, chuỗi giá trị trong khu vực, lĩnh vực công nghiệp hay của các nhóm ngành hàng có tính đặc thù trong khu vực ASEAN.
Rồi những vấn đề đang diễn biến nhanh chóng và phức tạp hiện nay, đó là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch cũng như chủ nghĩa thương mại đơn phương, đang đặt ra những nguy cơ và thách thức rất lớn cho hệ thống thương mại đa phương dựa trên các luật lệ của Việt Nam, kể cả Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các khuôn khổ của khối FTA.
Điều này đang tạo ra những rào cản trong tự do thương mại hóa cho các quốc gia và các nền kinh tế, nhất là các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam và các nước ASEAN. Thậm chí, những xung đột đang có chiều hướng ngày càng gay gắt giữa các cường quốc kinh tế thế giới tác động không chỉ đến tự do hóa thương mại hay bảo hộ mậu dịch, còn đặt ra các nguyên tắc liên quan đến sự tồn tại của những tổ chức thương mại đa phương như WTO.
Và với vai trò Chủ tịch ASEAN phải đủ sức nắm bắt, có khả năng điều hành để cùng với các nước ASEAN khẳng định lại một lần nữa ở những mức độ mới, cục diện mới.