Vùng đầm này là “hũ gạo, bát cơm” mưu sinh của hàng ngàn người dân, cùng với sự cộng sinh của hàng trăm ngàn loài chim trời, cá biển, thủy sinh…
Cộng sinh nơi cửa bể
Đầm Thị Nại là cửa ngõ “đầu biển, cuối sông” kết nối các hệ thống sông Kôn, sông Hà Thanh thành dòng lớn đổ về biển. Nơi lưu giữ phù sa cuối cùng của những dòng sông từ thượng nguồn chảy qua châu thổ mang về. Bên cạnh giá trị sinh thái, đầm còn là nơi mưu sinh của hàng ngàn hộ dân các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng, Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước), phường Nhơn Bình, Đống Đa, Nhơn Phú (TP Quy Nhơn)…
Mỗi ngôi làng sống trong các khu rừng ngập mặn, ngư phủ lấy việc gìn giữ, phục hồi rừng để bảo vệ làng, kết nối mưu sinh trong đầm.
Buổi sáng, đầm Thị Nại phủ lớp sương mờ ảo như tranh thủy mặc. Từ các bến sông ven đầm, ghe đò cánh ngư phủ lục tục chuẩn bị ra khơi. Ghe đò nối nhau đổ ra giữa đầm đi đến các khu rừng nổi Cồn Chim, Cồn Giá, Cồn Trạng.
Mỗi cồn là một kho sinh thái rừng ngập mặn, là mái nhà xanh của hàng trăm loài chim bản địa và chim di cư theo mùa. Riêng tại Cồn Chim, hiện có cộng đồng ngư dân sinh sống với khoảng 300 hộ. Người dân ở Cồn Chim rất thân thiện, hiếu khách. Trong làng gần như không có tiếng động cơ xe máy, phương tiện đi lại của họ chủ yếu là ghe đò.
Lão ngư Phạm Đình Lương (54 tuổi, xóm Cồn Chim) đón tiếp chúng tôi, hồ hởi giới thiệu về lịch sử lập làng. Theo lời ông Lương, xưa kia người dân chủ yếu làm nghề vạn chài, neo đời với sông nước, nay đây mai đó như những loài chim di cư. Cho đến khi về định cư ở Cồn Chim, từ khoảng hơn 100 năm trở lại đây, mới ổn định lập làng.
Còn ông Huỳnh Ngọc Biên (60 tuổi, trưởng làng Cồn Chim), kể: “Hiện mỗi hộ dân ở Cồn Chim có 2-3ha ao đìa ven các rừng ngập mặn để thả nuôi tôm cá bán tự nhiên, kiểu gối vụ. Hàng năm vào mùa xuân họ khai thác cua, cá giống trong các khu rừng ngập mặn rồi thả vào ao nuôi, hoặc đến các trại hải sản mua tôm bạc, tôm sú, tôm đất về nuôi bổ sung. Thả nuôi gối đầu nên thời điểm nào cũng có cua cá thu hoạch, mỗi tháng thu về 20 triệu đồng/2ha. Đến mùa mưa lũ bà con thu hoạch, kết thúc vụ mùa để đón lũ và triều cường”.
Ở bên Cồn Trạng, ngôi làng ngư phủ Huỳnh Giản Nam (xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước) với khoảng 600 hộ dân, cũng sống tựa vào những cánh rừng ven đầm Thị Nại. Gia đình ông Đỗ Chín thả nuôi 3ha ao đìa tôm cá bán tự nhiên. Bên cạnh đó, ông Chín còn thả lưới ven đầm để cải thiện thu nhập, vừa tranh thủ săn bắt cua cá giống (cua, cá loại nhỏ) thả vào ao nuôi. Tương tự tại làng muối cổ Diêm Vân bao đời nay dân làng đều thừa hưởng cuộc sống no đủ nhờ các sản vật, cua cá sinh ra từ những khu rừng ngập mặn ven đầm.
Bảo tồn báu vật ngàn năm
Theo nhiều tài liệu lịch sử, đầm Thị Nại từng là thương cảng sầm uất bậc nhất, nơi giao thương, buôn bán của thương thuyền trên khắp các châu lục (thời Champa). Nhưng cũng có giai đoạn kéo dài trong nhiều thế kỷ, đầm Thị Nại chìm trong binh đao lửa pháo với bao trận thủy chiến đẫm máu. Ngày nay, đầm Thị Nại là quần thể sinh cảnh với gần 1.000ha rừng ngập mặn, hơn 200ha thảm cỏ biển, 25 loài, gần 200 loài thủy sinh, cá, phù du và trên 100 loài chim.
Trò chuyện với chúng tôi, TS. Phạm Quang Anh, chuyên gia cảnh quan sống tại Bình Định, chia sẻ đầm Thị Nại có tiềm năng rất lớn để hình thành khu bảo tồn đa dạng sinh học đầm phá, rừng ngập mặn. “Đầm kín gió, được che chắn bởi bán đảo Phương Mai và dãy núi Bà phía Đông - Bắc, còn phía Tây - Nam là dãy núi đèo Cù Mông. Địa thế này thuận lợi để sinh cảnh vùng đầm phát triển ổn định. Vì vậy, đầm rất có tiềm năng hình thành khu bảo tồn với hành lang sinh sống cộng đồng thuận thiên, du lịch sinh thái” - TS. Anh nói.
TS. Trần Văn Vinh, đang công tác, nghiên cứu trong ngành thủy sản Bình Định, nhìn nhận đầm Thị Nại là kho báu sinh thái cực kỳ giá trị, nếu được bảo tồn phát triển đúng hướng nó sẽ trở thành “lá phổi” của Bình Định, kết nối với các khu bảo tồn ven biển, rừng lân cận Nam Trung bộ, Tây Nguyên.
“Thời gian tới ngành chức năng Bình Định cần có những giải pháp quyết liệt hơn, để loại bỏ nạn đánh bắt thủy sản hủy diệt, xung điện xiếc máy ở đầm Thị Nại. Bên cạnh đó, cần có chính sách tốt để bảo tồn, bảo vệ rừng ngập mặn, đàn chim trời, sinh thái đầm Thị Nại. Đồng thời, thúc đẩy du lịch cộng đồng, lưu trú xanh, tour dã sinh vừa tham quan, học tập, nghiên cứu để tăng thu nhập cho người dân bản địa, dần loại bỏ các loại hình đánh bắt xâm hại hệ sinh thái đầm” - TS. Vinh nêu quan điểm.
Theo ông Trần Quang Nhựt, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, trong quần thể sinh thái Thị Nại, khu vực Cồn Chim gần 500ha chịu ảnh hưởng mạnh của 2 hệ thống sông Kôn, sông Hà Thanh, nên có sự phân bố hệ thống rừng ngập mặn, thảm cỏ biển lớn, tạo nên vùng cư trú, kiếm ăn, bãi sinh sản và vườn ươm ấu trùng con non của nhiều loài thủy sản có giá trị.
Ở đây, có 25 loài cây ngập mặn, trong đó 18 loài cây chủ yếu tạo rừng, còn 7 loài cây tham gia và 5 loài cỏ biển (diện tích 50ha). “Từ năm 2006 đến nay, chính quyền cùng với người dân Cồn Chim đã trồng mới được gần 50ha rừng ngập mặn, với các giống cây đước, bần trắng, mắm trắng… góp phần quan trọng trong việc điều hòa khí hậu, hạn chế bão lũ, triều cường, hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nước ngầm, chắn sóng, gió.
Ngoài ra, chính quyền cũng áp dụng cơ chế giao khoán cho người dân bảo vệ, gìn giữ hàng trăm ha rừng ngập mặn phụ cận, tạo hành lang bảo vệ các làng mạc, khu dân cư ven đầm” - ông Nhật cho biết.
Phát triển công viên rừng ngập mặn Trong chương trình mở rộng, phát triển đô thị Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã quy hoạch hệ sinh thái đầm Thị Nại và Cồn Chim làm lá phổi của TP Quy Nhơn. Tỉnh cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực phía Đông đầm Thị Nại gần 400ha, với mục tiêu phát triển khu đô thị, dịch vụ, du lịch sinh thái kết hợp với công viên rừng ngập mặn, trên cơ sở khai thác giá trị cảnh quan tự nhiên đặc thù khu vực đầm Thị Nại. |