Khó đạt mục tiêu 5 triệu khách du lịch quốc tế

(ĐTTCO) - Đầu năm 2022, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế. Đến hết tháng 5, Việt Nam đã đón khoảng 365.000 lượt khách. Như vậy 7 tháng cuối năm Việt Nam cần đón khoảng 4,65 triệu lượt khách, một con số nhiều thách thức, nhất là khi vẫn còn nhiều nút thắt đang cản trở mục tiêu này. 
Saigontourist với thế mạnh đón khách du lịch quốc tế bằng tàu biển.
Saigontourist với thế mạnh đón khách du lịch quốc tế bằng tàu biển.
Những tín hiệu tích cực
Kể từ thời điểm Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch, nhiều công ty lữ hành đã tất bật cho những hoạt động đón khách quốc tế trở lại. Tiêu biểu như Saigontourist, với thế mạnh hàng đầu là du lịch tàu biển quốc tế, ngay trong tháng 4 đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh phát triển du lịch tàu biển quốc tế giai đoạn 2022-2025, với các hoạt động xúc tiến quảng bá nhằm thu hút khách tàu biển quốc tế đến Việt Nam nói chung và Hạ Long nói riêng. Thời gian tới vào tháng 10, Saigontourist sẽ tham dự Hội chợ du lịch quốc tế ITB tại Singapore để xúc tiến phát triển thị trường, nhằm đa dạng nguồn khách mới. 
Được biết, từ tháng 10-2022 đến tháng 4-2023, Saigontourist sẽ đón và phục vụ các đoàn khách du lịch tàu biển quốc tế, cụ thể vào tháng 12 tới là các chuyến tàu Celebrity của hãng tàu Royal Caribbean Cruise Line với khách quốc tịch Mỹ và châu Âu. Bên cạnh hoạt động đón khách quốc tế bằng du lịch tàu biển, du lịch tàu sông kết nối TPHCM với các tỉnh miền Tây, liên tuyến Việt Nam - Campuchia, cũng bắt đầu thu hút du khách quốc tế trải nghiệm trong tháng 7 tới.
Chia sẻ với ĐTTC, đại diện Saigontourist cho biết, công ty hướng đến du khách từ nhiều quốc gia, đa quốc tịch như Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Australia, Singapore. Lượng khách châu Âu, Mỹ, Australia thường chiếm 60% khách trong tổng số khách Inbound. Các thị trường trọng điểm như Nga, Trung Quốc hiện chưa thể quay trở lại, công ty cũng đã chủ động lên kịch bản khai thác nguồn khách khác, tập trung vào thị trường Bắc Mỹ, châu Âu, Australia, đẩy mạnh đón khách loại hình du lịch tàu biển, tàu sông.
Song hành với việc đón khách quốc tế bằng tàu biển như Saigontourist, hoạt động đón khách bằng đường hàng không của nhiều doanh nghiệp (DN) lữ hành cũng đang từng bước nhộn nhịp trở lại. Việc dỡ bỏ quy định khai báo y tế cũng như xét nghiệm trước khi nhập cảnh vào Việt Nam, được xem là bước tạo thuận lợi tiếp theo để mảng du lịch quốc tế hồi sinh. 
Đến nay lượng khách quốc tế đến Việt Nam đang tăng đáng kể và lượng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam cũng đang tăng nhanh. Tổng cục Du lịch cho biết, dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50-75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới.  Các thị trường đang tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam là Mỹ, Singapore, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Pháp, Đức, Thái Lan, Canada, Anh. Các điểm đến của Việt Nam được khách quốc tế tìm kiếm nhiều nhất là TPHCM, Hà Nội, Phú Quốc, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Huế, Quy Nhơn…
Lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không đến Việt Nam từ tháng 3 đã không ngừng tăng, lượng tìm kiếm đầu tháng 4 đạt mức tăng 663% và tới giữa tháng tăng 720% so với cùng kỳ năm ngoái. Tới cuối tháng 4, lượng tìm kiếm hàng không tới Việt Nam đã chạm mốc 1.114% và tiếp tục tăng cao trong tháng 5, thời điểm cao nhất tăng tới 2.000% so với cùng kỳ năm 2021. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh trở lại trong tháng 5, đạt 172.900 lượt người, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 5 tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 365.300 lượt người, tuy còn rất thấp so với thời điểm trước dịch nhưng cũng được xem là những tín hiệu khả quan. 

Nhiều nút thắt cần tháo gỡ
Thị trường khách quốc tế đang dần sôi động sau 2 năm “đóng băng” nhưng tốc độ chưa thể nhanh. Nguyên nhân khách quan do các thị trường chính như Trung Quốc chưa mở cửa trở lại, Nhật Bản vẫn còn khá dè đặt, xung đột Nga - Ukraine không chỉ làm mất lượng khách Nga còn ảnh hưởng tới lượng khách của một số thị trường khác. Trong bối cảnh chung này, ngay nội tại của du lịch Việt Nam khiến mục tiêu 5 triệu lượt khách quốc tế có thể khó hoàn thành trong năm nay lại đến từ nhiều nguyên nhân, như chính sách thị thực và giá thành các chuyến bay còn cao. 
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Du lịch Image travel, cho rằng sau dịch để phục hồi nhanh các chính sách về thị thực phải tốt hơn trước dịch. Thế nhưng thực tế việc xin thị thực cho khách đoàn còn nhiều phức tạp khiến giá thành đội lên. Có những du khách phải hủy tour đến Việt Nam vì không lấy được thị thực. Nếu trước dịch thời điểm cuối năm Image travel đón khoảng 200-300 đoàn khách, năm nay ước chừng chỉ khoảng 10%.
Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đánh giá chính sách thị thực hiện tại chưa thực sự được vận hành như trước khi xảy ra đại dịch. Với thị thực điện tử, du khách không nhận được xác nhận ngày trả lời kết quả của hồ sơ, có nhiều trường hợp khách hàng không được hoàn trả phí cấp thị thực điện tử vì hồ sơ bị từ chối không được hệ thống thông báo lý do. TAB đề xuất chính sách thị thực cần cởi mở hơn. Hiện nay, Chính phủ đã khôi phục lại chính sách thị thực cho 24 nước song vẫn quá ít so với các nước khác trong khu vực. Phần lớn quốc gia được hưởng chế độ miễn thị thực 15 ngày, trong khi những du khách từ thị trường xa (châu Âu, Bắc Mỹ, Nga, Australia...) thường đi du lịch Việt Nam 18-21 ngày.
Cùng với chính sách thị thực chưa cởi mở, việc các hãng hàng không chưa nối lại nhiều đường bay cũng là lý do khiến giá thành các chuyến bay đến Việt Nam hiện vẫn cao. Theo ông Nguyễn Ngọc Toản, nhu cầu của du khách là có, các công ty cũng năng động trong hoạt động đón khách, nhưng nhiều chi phí còn quá cao đang đẩy giá tour tăng mạnh khiến khách ngần ngại. Nhiều DN đề xuất sớm giải quyết các tồn tại này mới đẩy nhanh việc thu hút khách du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, chính sách nào khi đưa ra cần công bố sớm để DN có thời gian chuẩn bị, làm việc với đối tác nước ngoài. 
Cùng với những nút thắt như chính sách thị thực, giá vé máy bay, việc truyền thông, tiếp thị du lịch Việt Nam ra thế giới được nhiều ý kiến đánh giá chưa thực sự hiệu quả. Website www.vietnam.travel, trang chính thức sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh để giới thiệu về du lịch Việt Nam, hiện có các chỉ số phân tích trang web so với các quốc gia cạnh tranh ở mức thấp. 
 Mùa cao điểm khách quốc tế thường kéo dài từ tháng 10 năm nay đến tháng 3 năm sau. Như vậy năm 2022 còn 3 tháng cao điểm cuối năm, nếu không nhanh chóng tháo gỡ những rào cản còn tồn đọng, mục tiêu 5 triệu lượt khách quốc tế rất dễ lung lay. 

Các tin khác