Thời hạn này cho thấy quyết tâm rất cao của Chính phủ và Quốc hội, bởi lẽ đây thực sự là một luật khó. Phụ trách khối kinh tế - tài chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển từng nhận định, việc xây dựng đạo luật này là một thách thức lớn, không phải vì luật phải xử lý các vấn đề về nhiều hình thức đầu tư (đang gây không ít tranh cãi) như: BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BT (xây dựng - chuyển giao)… mà còn động đến cả những vấn đề căn cốt như góp vốn bằng đất đai, tiền, cơ chế...
Mặc dù cũng đã có một số nghị định quy định, nhưng nhiều vướng mắc hiện nay trong quá trình thực hiện PPP cần được luật hóa thì nhà đầu tư mới yên tâm rót vốn và ngay Chính phủ Việt Nam mới tránh được những tranh chấp nan giải có thể phát sinh.
Đây cũng là lý do giải thích tại sao Việt Nam gần như không có các dự án PPP giao thông có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài; mặc dù cứ nhìn vào các phát biểu của đại diện công ty nước ngoài tại Diễn đàn Doanh nghiệp (VBF) cuối kỳ 2018 (hồi tháng 12 vừa qua) đủ thấy họ quan tâm đến vấn đề này như thế nào.
Các nhà tài trợ nước ngoài cần đảm bảo hiệu quả nhất định trong việc thực hiện dự án và nhận được những quyền lợi tương xứng để tránh những rủi ro không muốn có (chẳng hạn rủi ro ngoại hối). Thực tế phải có một bên chấp nhận rủi ro ngoại hối.
Nếu các nhà đầu tư nước ngoài phải chịu, họ sẽ tính giá các rủi ro này vào dự án, khiến cho chi phí dự án tăng cao hơn và không mang tính kinh tế cao. Bên cạnh rủi ro ngoại hối vẫn còn những rủi ro tương tự. Vấn đề là sự cân bằng rủi ro thay đổi theo dự án và tùy hoàn cảnh và không dễ dàng luật hóa.
“Vì vậy, đạo luật về PPP khó lòng giải quyết được các trở ngại hành chính liên quan” - ông Kenneth Atkinson lo ngại và kiến nghị là bên cạnh việc ban hành luật, Chính phủ tập trung vào việc xây dựng cơ quan Chính phủ chuyên trách về từng mảng cơ sở hạ tầng và áp dụng các thông lệ quốc tế rộng rãi, thống nhất, thông qua một cơ quan điều phối.
Có quan điểm tương tự, ông Koji Ito, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, chỉ ra rằng, để khuyến khích hình thức PPP, cần cho phép nhà đầu tư và các đơn vị triển khai dự án được quyền thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản trên đất và quyền khai thác các công trình, dự án.
Nghị định 63 (về đầu tư theo hình thức đối tác công tư) hiện hành đã cho phép thế chấp, nhưng Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự lại không quy định rõ việc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép nhận thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, do đó vẫn tồn tại tình trạng khó khăn khi huy động vốn. Muốn hiện thực hóa quy định này thì cần điều chỉnh pháp luật khác có liên quan, cụ thể là các luật trên.
Qua phân tích nhiều ví dụ cụ thể, các chuyên gia khuyến nghị, trong khi chờ đợi một đạo luật tốt về PPP được ban hành, cần tập trung xây dựng một hợp đồng dự án tốt; đầu tư thích đáng về thời gian và nguồn lực ngay từ giai đoạn chuẩn bị hợp đồng để tránh những điểm mơ hồ; tránh tình trạng ký kết vội vàng.
Trong trường hợp chẳng đặng đừng, tức là khi xảy ra tranh chấp, đã hòa giải và thương lượng không thành công, thì trong số các phương án giải quyết tranh chấp hợp đồng PPP, nên cân nhắc phương án giải quyết qua trọng tài - một cơ chế có nhiều điểm tương đồng với tòa án, nhưng quy trình giải quyết nhanh gọn, ít tốn kém hơn về nhiều mặt so với tranh tụng chính thức tại tòa.