(ĐTTCO)-Hiện nay, tranh chấp hợp đồng tín dụng diễn ra phổ biến, phần lớn là tranh chấp về hành vi vi phạm nghĩa vụ của một hoặc các bên trong hợp đồng. Khi tranh chấp xảy ra, tòa án có vai trò đưa ra những phát quyết thỏa đáng cho cả hai bên.
Tranh chấp tín dụng gia tăng
Tín dụng tiêu dùng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Tuy nhiên, hoạt động cho vay vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là việc giao kết và thực hiện hợp đồng tín dụng (HĐTD) của các TCTD với khách hàng thường xuyên xảy ra tranh chấp.
Dạng tranh chấp HĐTD phổ biến, chiếm tỷ lệ lớn hiện nay là dạng tranh chấp hành vi vi phạm nghĩa vụ của một hoặc các bên trong hợp đồng có thể xuất phát từ việc vi phạm nghĩa vụ trả lãi hoặc thậm chí và gốc và lãi.
Trường hợp của bà Phạm Hồng Hải ở TPHCM là một ví dụ điển hình. Năm 2012 bà Hải thế chấp ngôi nhà của mình để vay vốn từ ngân hàng để đầu tư và phát triển công ty với số tiền 240 triệu đồng. Sau đó, do không hiểu biết về những quy định của pháp luật bà Hải thế đã ký hợp đồng bán nhà để đảm bảo cho khoản vay mới. Hiện tại, khoản tín dụng mới không vay được, khoản tín dụng trước thì chưa có khả năng thanh toán và bên vay còn phải đối mặt với nguy cơ mất nhà do chủ nợ đang khởi kiện ra tòa yêu cầu thực hiện hợp đồng bán nhà.
Về phía ngân hàng sau nhiều lần gia hạn trả nợ cho bà Hải nhưng vẫn không thu hồi được số tiền và gặp rắc rối khi xử lý tài sản thế chấp trước đó.
Thực tế, không hiếm trường hợp các TCTD lâm vào tình trạng khó khăn do “nợ xấu”. Một khi khách hàng vay không thể thanh toán được nợ, tranh chấp xảy ra thì TCTD sẽ là chủ thể bị thiệt hại lớn vì nguồn vốn bị ứ đọng, phải thực hiện các biện pháp khắc phục, mục đích lợi nhuận ban đầu không còn hoặc bị gián đoạn. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp cũng như uy tín, danh dự, thậm chí là thương hiệu của bên cho vay.
Tương tự hợp đồng vay với các ngân hàng thương mại thì các tranh chấp xảy ra với hợp đồng cho vay tiêu dùng của Công ty tài chính (CTTC) cũng thường khó giải quyết. Khi đi vay, tâm lý người vay thường chỉ chú trọng vào việc được vay nên thường bỏ qua hoặc không chú ý tới các điều khoản, điều kiện của hợp đồng.
Thực tế, đã xảy ra rất nhiều trường hợp người vay trốn nợ hoặc chậm trả khiến CTTC rơi vào thế bí.
Theo chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh, với các hợp đồng cho vay tiêu dùng (CVTD) của CTTC, thông thường khoản tiền người vay phải thanh toán trung bình hàng tháng khá thấp, chính điều này khiến họ thường có tâm lý “lơ là” đến nghĩa vụ trả nợ. Chính vì vậy, khi xảy ra tình trạng nợ quá hạn và bị phạt vì vi phạm hợp đồng, người dân thường khiếu kiện CTTC đã cho vay với lãi suất “cắt cổ”, điều này là chưa đúng với bản chất, gây thiệt hại với bên cho vay.
Đặc biệt, nếu tranh chấp hợp đồng tín dụng (HĐTD) phải khởi kiện tại tòa án thì càng khó khăn cho TCTD khi muốn thu hồi vốn. Bởi khi đã bị khởi kiện tại tòa án thì thường là người đi vay không còn có khả năng trả nợ cho TCTD. Khi tranh chấp HĐTD xảy ra thì TCTD sẽ mất lòng tin với khách hàng vay vốn, các HĐTD tiếp theo sẽ khó mà thực hiện, kể cả khi bên đi vay chứng minh lại được khả năng tài chính của mình.
Như vậy, tranh chấp HĐTD là loại tranh chấp có giá trị thiệt hại lớn, không chỉ ảnh hưởng đến bên cho vay mà còn cả đối với bên đi vay. Thậm chí nếu tranh chấp xảy ra nhiều, nó không chỉ ảnh hưởng đến một TCTD mà có thể ảnh hưởng dây chuyền đến các TCTD khác.
Xử lý tranh chấp kéo dài, mất thời gian
Theo PGS-TS Đỗ Văn Đại (Trưởng khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TPHCM, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam VIAC), các tranh chấp tín dụng thường rắc rối, kéo dài và tòa án thường mất nhiều thời gian để giải quyết thành công. Đặc biệt trong trường hợp người vay tiền chết thì tòa lại phải xác minh, đưa những người thừa kế di sản của người chết vào tham gia tố tụng. Nếu xác minh, triệu tập không đầy đủ là bản án sẽ bị cấp trên hủy.
Trong khi, nhân sự của ngành tòa án có hạn mà số lượng án kinh doanh thương mại lại không hề nhỏ. Theo thống kê, trong giai đoạn 2008 - 2014, tòa án các cấp đã thụ lý, giải quyết 81.214 vụ án kinh doanh thương mại (bình quân khoảng 13.000 vụ/năm), trong đó phần lớn là tranh chấp từ hoạt động tín dụng.
Do nhân sự của tòa có hạn nên dẫn đến quá tải, việc giải quyết án không đáp ứng được đúng thời hạn tố tụng theo quy định. Trên thực tế các quy định pháp lý liên quan đến hoạt động cho vay của các TCTD và những định chế tài chính khác đã được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện từng bước theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như với thực tiễn áp dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện vẫn tồn tại những bất cập trong hệ thống pháp luật ngân hàng và các văn bản pháp luật liên quan làm cho các bên cũng như các cơ quan tham gia giải quyết tranh chấp lúng túng, không thống nhất được cách áp dụng.
Theo các chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có văn bản, thông tư hướng dẫn về việc các bên được thỏa thuận lãi suất, tạo thuận lợi hơn cho tòa án khi xử lý các tranh chấp. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về HĐTD và giải quyết các tranh chấp này. Nếu làm tốt công tác này sẽ hạn chế được các tranh chấp phát sinh và tăng cường khả năng ký kết các HĐTD giữa các chủ thể.